Chống buôn lậu: Lúng túng xử phạt
LSO– Bắt đầu từ 1/7/2013, Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực để thay thế cho Pháp lệnh số 44/2002/PL-UBTVQH và các pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh số 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xử phạt hành chính. Thế nhưng Luật đã có hiệu lực mà thiếu thông tư hướng dẫn làm cho các cơ quan chống buôn lậu lúng túng trong xử phạt, hay nói cách khác chưa thể xử phạt được khi còn thiếu căn cứ.
Cán bộ quản lý thị trường thu giữ hàng nhập lậu (3-2013) |
Suốt mấy ngày hôm nay các đội quản lý thị trường tuyến huyện nháo nhào về chuyện xử phạt. Hỏi vượt cấp cũng chỉ nhận được câu trả lời chờ thông tư hướng dẫn cụ thể. Không riêng các đội quản lý thị trường mà cơ quan kiểm lâm, thuế, và nhiều cơ quan hành chính khác cũng trong tình trạng như vậy. Theo các văn bản quy phạm pháp luật, cái mới ra đời sẽ thay thế cái cũ. Luật Xử phạt vi phạm hành chính sẽ thay thế pháp lệnh. Khi hiệu lực của Pháp lệnh số 44 không còn mà luật thì chưa có hướng dẫn vì vậy không biết xử phạt theo cách nào. Với lực lượng quản lý thị trường cùng việc phát hiện vụ việc vi phạm dù ở mức nào thì cũng có xử phạt vi phạm hành chính đi cùng. Nếu không xử lý vi phạm hành chính được nghĩa là vụ việc vẫn tồn đọng ở đấy. Mà xử lý vi phạm không biết dựa vào căn cứ nào nghĩa là trái quy định. Chắc với những người thực thi nhiệm vụ không ai muốn làm trái quy định.
Ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Quản lý thị trường tỉnh cho biết, việc xử lý vi phạm hành chính phải theo Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ 1/7/2013, nghĩa là sẽ bãi bỏ các văn bản quy định trước đó để áp dụng luật. Thế nhưng hiện nay không có hướng dẫn xử phạt, thành thử sẽ không thể xử phạt được. Ngoài ra, khi luật có hiệu lực còn phải thay đổi một loạt ấn chỉ, các văn bản thực thi. Và hiện nay nếu xử phạt vi phạm hành chính vẫn phải chờ. Cũng không biết phải chờ đến bao giờ khi xử phạt là yêu cầu bức thiết của công việc, mà để lượng hóa xử phạt nhất thiết phải có hướng dẫn cụ thể.
Cùng chung nỗi lo xử phạt hành chính của lực lượng quản lý thị trường là lực lượng kiểm lâm. Trong 6 tháng kiểm lâm đã xử phạt trên 200 vụ vận chuyển lâm sản trái phép, tịch thu gần 30 khối gỗ các loại, thu hàng trăm phương tiện vận chuyển lâm sản. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính lên tới hàng tỷ đồng. Thế nhưng đấy là việc của 6 tháng đầu năm còn hiện nay chính lực lượng kiểm lâm cũng không biết phải xử phạt thế nào. Hạt Kiểm lâm huyện Hữu Lũng là địa bàn chiếm tới 2/3 số vụ xử phạt của tỉnh và cũng là đơn vị phải chịu nhiều áp lực nhất trong xử phạt. Ông Lương Long Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hữu Lũng chia sẻ, theo hướng dẫn của trên vẫn thực hiện xử phạt theo Pháp lệnh 44. Thế nhưng khi được hỏi căn cứ vào đâu để xử phạt vì Pháp lệnh 44 đã hết hiệu lực? Ông Hải khẳng định xử phạt sẽ rất khó nhưng phát hiện sự việc vi phạm chẳng nhẽ không xử lý, còn xử lý thế nào lại là chuyện khác.
Kiểm lâm huyện Chi Lăng thu giữ gỗ lậu vận chuyển trái phép (5-2013) |
Cũng trong những ngày này, các lực lượng thường xuyên phải xử phạt hành chính đã tham mưu cho cấp quản lý nhiều cách làm. Nhưng chưa có cách nào đủ sức thuyết phục. Xử phạt vi phạm hành chính liên quan trực tiếp đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, xử lý phải mang tính thống nhất, căn cứ thuyết phục và rõ ràng. Nếu cứ mỗi nơi một kiểu, mỗi người tham mưu một ý kiến thì dù có hay đến đâu cũng không thể tạo sự đồng thuận trong dân. Ông Lương Long Hải, Hạt trưởng Kiểm lâm Hữu Lũng nói thêm, có thể chưa có thông tư hướng dẫn vẫn áp dụng theo pháp lệnh cũ nhưng cơ quan chức năng cần làm rõ thủ tục hồi tố. Khi xử lý áp dụng theo hướng có lợi cho người vi phạm. Xem ra cách làm ấy có thể thuyết phục hơn cả trong giai đoạn hiện nay.
Như đã nói ở trên, xử lý vi phạm hành chính liên quan rộng. Nếu thiếu hướng dẫn thì dù thế nào vẫn là thiếu căn cứ pháp lý cụ thể, nhất là đấu tranh chống buôn lậu ở một tỉnh biên giới như Lạng Sơn. Vì vậy để tạo khung pháp lý cho lực lượng chống buôn lậu thực thi nhiệm vụ, cần nhanh chóng cụ thể hóa luật. Có như vậy chống buôn lậu mới khỏi lúng túng trong xử phạt.
Ý kiến ()