Chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại: Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ
LSO- Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới có hơn 231 km đường biên giáp với Trung Quốc, có nhiều cửa khẩu và cặp chợ biên giới. Với đặc điểm đó, tình hình buôn lậu trên địa bàn tỉnh thường diễn biến phức tạp, do vậy lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng luôn tăng cường chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ bằng các giải pháp cụ thể.
LSO- Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới có hơn 231 km đường biên giáp với Trung Quốc, có nhiều cửa khẩu và cặp chợ biên giới. Với đặc điểm đó, tình hình buôn lậu trên địa bàn tỉnh thường diễn biến phức tạp, do vậy lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng luôn tăng cường chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ bằng các giải pháp cụ thể.
Kể từ khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa mối quan hệ, đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hoạt động thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển mạnh mẽ, kim ngạch xuất nhập khẩu năm sau luôn cao hơn năm trước, các hoạt động trao đổi hàng hóa theo hình thức biên mậu cũng gia tăng góp phần kích thích sản xuất trong nước phát triển. Tuy nhiên, cùng với đó là tình hình buôn lậu qua biên giới trên địa bàn tỉnh cũng gia tăng cả về quy mô và phương thức thủ đoạn. Ông Trần Văn Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Cốc Nam cho biết: Các chủ buôn lậu sau khi nhận được hàng thì tổ chức lôi kéo một bộ phận cư dân biên giới cùng một số lao động tự do từ các tỉnh khác đến để gánh, vác theo các đường mòn lối tắt qua biên giới về tập kết tại các khu vực thuộc thị trấn Đồng Đăng huyện Cao Lộc, khu vực Tân Thanh huyện Văn Lãng và khu vực Chi Ma huyện Lộc Bình, sau đó hàng hóa được hợp thức hóa bằng hóa đơn chứng từ rồi vận chuyển bằng ô tô và tàu hỏa vào sâu trong nội địa. Hàng lậu rất đa dạng về chủng loại, bao gồm cả những mặt hàng là hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các mặt hàng điện tử, hàng tiêu dùng…
Các lực lượng chức năng trực 24/24 giờ tại lối mòn qua biên giới khu vực Cốc Nam
Trước tình trạng đó, trong thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh đã tổ chức phối hợp, tăng cường tuần tra, chốt chặn, rào dây thép gai tại các đường mòn qua lại biên giới, các khu vực trọng điểm trong nội địa, kiểm soát chặt các lô hàng xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, hạn chế hình thành các đường dây, tụ điểm kinh doanh, vận chuyển, chứa chấp hàng trái pháp luật. Tính từ năm 2008 đến hết quý I năm 2013 các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 30.602 vụ, tổng thu phạt 349.250 triệu đồng. Trong đó: phạt vi phạm hành chính 56.663 triệu đồng, trị giá hàng hóa tịch thu 292.587 triệu đồng. Mặc dù Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban chỉ đạo 127 tỉnh đã có sự chỉ đạo quyết liệt, các cấp, các ngành đã phối hợp ra quân đồng bộ để kiểm tra, xử lý nhưng tình hình buôn lậu qua biên giới trên địa bàn vẫn có những thời điểm diễn biến hết sức phức tạp và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào.
Để hạn chế được tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại đòi hỏi các cấp, các ngành và các huyện thực hiện tốt các giải pháp chỉ đạo của tỉnh về công tác chống buôn lậu, hàng giả và lận thương mại. Trước hết cần tuyên truyền, giáo dục và vận động quần chúng, đặc biệt dân cư khu vực biên giới không tiếp tay cho các phần tử buôn lậu. Tuyên truyền cho nhân dân hiểu mối nguy hại và sự ảnh hưởng xấu khi đưa hàng hóa nhập lậu vào trong nước. Đồng thời khích lệ người dân tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước phát triển. Tích cực giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong lực lượng chức năng chống buôn lậu để từng bước nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, bản lĩnh chính trị, nắm được các chủ trương, cơ chế chính sách của Trung ương cũng như của tỉnh về xuất nhập khẩu hàng hóa, về trao đổi hàng hóa biên mậu và về phát triển kinh tế khu vực biên giới. Có chính sách biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể và cá nhân có thành tích cao trong công tác đầu tranh chống buôn lậu, hàng giả và sở hữu trí tuệ.
Hải quan Cốc Nam thu giữ pháo lậu đầu năm 2013
Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp bàn về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại gần đây, đại diện Ban chỉ đạo 127 tỉnh đã nhấn mạnh: Trong thời gian tới, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại sẽ có nguy cơ gia tăng. Vì vậy, các lực lượng chức năng cần thường xuyên chia sẻ về thông tin, báo cáo kịp thời các diễn biến bất thường, các phương thức thủ đoạn vi phạm mới của các đối tượng để tổ chức nghiên cứu, đưa ra những biện pháp đấu tranh, xử lý kịp thời, hiệu quả. Tăng cường phối hợp trong công tác tuần tra, kiểm soát chốt chặn tại các khu vực trọng điểm. Đồng thời kết hợp thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm phòng ngừa việc lợi dụng lơi lỏng quản lý và những cơ chế chính sách thiếu chặt chẽ để thực hiện các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, không đảm bảo chất lượng hàng hóa.
Từ những giải pháp trên, cùng với sự nỗ lực của các lực lượng chức năng, đặc biệt là sự tăng cường chỉ đạo của Ban chỉ đạo 127 tỉnh, hy vọng rằng trong thời gian tới tình trạng buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại sẽ dần được hạn chế. Qua đó tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho việc sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa trong thị trường nội địa, đồng thời tạo tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng.
Ước tính từ đầu năm 2013 đến nay, các lực lượng chức năng đã kiểm tra và xử lý khoảng 1.500 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, tổng trị giá thu phạt hành chính và giá trị hàng hóa trên 20 tỷ đồng. |
Bài, ảnh: MAI HOA - ANH DŨNG
Ý kiến ()