Chống buôn lậu chưa hiệu quả
Là trưởng ngành đầu tiên đăng đàn trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ tám, Quốc hội khoá XIII trong chiều ngày 17-11, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng lần lượt giải trình khá thẳng thắn các vấn đề được quan tâm liên lĩnh vực quản lý ngành, trong đó có vấn đề nổi cộm như buôn lậu, hàng giả, hàng nhái. Bộ trưởng thừa nhận, buôn lậu qua biên giới là thực trạng nhức nhối nhiều năm nay. Các lực lượng cố gắng ngăn chặn, nhưng chưa hiệu quả.
Chống buôn lậu chưa hiệu quả
Trả lời câu hỏi của một số đại biểu Quốc hội về tình trạng buôn lậu gia tăng, hàng giả, hàng nhái xuất hiện tràn lan, Bộ trưởng Bộ Công thương thừa nhận vấn đề buôn lậu qua biên giới là thực trạng nhức nhối nhiều năm nay, các lực lượng cố gắng ngăn chặn, nhưng chưa hiệu quả. Công tác đấu tranh chống buôn lậu dù cố gắng nhưng phương tiện yếu, thiếu trang – thiết bị không đủ. Bộ trưởng chỉ dám nói là hết sức khó khăn, nhưng không thể không có chuyển biến được.
Về ý kiến của đại biểu Quốc hội cần xử lý nghiêm tình trạng tiếp tay, bao che cho buôn lậu, gây nên thực trạng “con voi chui qua lỗ kim”, Bộ trưởng Công thương giải trình, không loại trừ trong đội ngũ có tiêu cực, làm việc chưa hết trách nhiệm, thậm chí bao che cho sai phạm, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Sự phối hợp ở nhiều nơi chưa nhất quán, cần sự vào cuộc của địa phương. Với quản lý thị trường, Bộ Công thương là cơ quan quản lý Trung ương, phát hiện sai phạm sẽ liên hệ địa phương xử lý. Thời kỳ từ năm 2012-2013 và tới hết tháng 8 năm nay, cả nước đã khiển trách 25 trường hợp cán bộ sai phạm, cảnh cáo 16 người và cách chức bốn trường hợp.
Công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ: Còn yếu kém
Giải đáp thắc mắc của hai đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên – Huế) và Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) về sự yếu kém của công nghiệp phụ trợ và công nghiệp chế tạo trong nước, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, công nghiệp cơ khí chế tạo trong nước chỉ phát triển ở một số lĩnh vực và nhìn chung còn yếu kém.
Về cơ khí, chúng ta đã sản xuất được thiết bị cho ngành xi-măng lò quay đến 700 nghìn tấn, đã sản xuất được máy biến thế 500kV mà chưa nước nào ở Đông Nam Á có thể làm được, ngành dầu khí với sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài chúng ta đã chế tạo thành công giàn khoan 90m nước, với tỷ lệ nội địa hóa 30% và đang tiếp tục chế tạo giàn khoan 120m và tỷ lệ nội địa 40%. Chúng ta có thể sản xuất được thiết bị đồng bộ trong chế biến nông sản, chè, cà-phê…, triển khai xây dựng nhiều công trình hiện đại như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy điện – đạm Cà Mau, nhà máy đạm Phú Mỹ và nhiều nhà máy khác phải sử dụng các công nghệ tiên tiến.
Nguyên nhân quan trọng về cơ chế đầu tư. Thông thường, những công trình cơ khí tỷ suất lợi nhuận thấp, thời gian đầu tư kéo dài, đầu tư vốn lớn nên ít nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, doanh nghiệp tư nhân cũng không quan tâm, chỉ còn doanh nghiệp nhà nước nên phát triển khó khăn. Tại hội nghị vừa qua, Trung ương đã quyết định đầu tư vào một số công trình trọng điểm có sự tham gia của ngân sách nhà nước. Với sự hỗ trợ mới này, tới đây, ngành công nghiệp cơ khí sẽ có những bước phát triển mới.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định, Chính phủ và Bộ Công thương đã ban hành nhiều chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nhưng cấp độ pháp lý của những chính sách này chưa đạt yêu cầu nên rất cần luật về công nghiệp hỗ trợ.
Trong từng lĩnh vực của công nghiệp phụ trợ, tỷ lệ nội địa hoá có khác nhau.Với ngành dệt may, da giày, sản xuất tương đối lớn, tỷ lệ nội địa tăng có thể 50% tự lo được, da giày 60%, ô-tô mức độ nội địa hóa có khác nhau (40% với xe chở khách, 5-10% với ô-tô con, hơn 90% với xe máy) 35% với điện lạnh…
Công nghiệp phụ trợ phục thuộc vào quy mô sản xuất. Với xu thế thương mại hóa ngày càng phát triển, sự phân công thuộc vào các doanh nghiệp lớn, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, chuyên cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia, len chân vào chuỗi giá trị toàn cầu rất khó khăn trong khi kinh nghiệm chúng ta chưa có. Công nghiệp phụ trợ đòi hỏi nguyên liệu mới, tay nghề cao, trong khi ta thiếu lực lượng này.
Bộ trưởng Công thương cũng đánh giá, việc hoàn thiện cơ chế chính sách, về công nghiệp hỗ trợ là cần thiết. Ngoài việc hoàn thiện khung pháp lý, mong Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế, có liên quan đến công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực này.
Vị đại diện ngành công thương mong muốn sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ khởi nghiệp, vì đa số các doanh nghiệp này có quy mô vừa và nhỏ. Có thể lập Quỹ hỗ trợ công nghiệp phụ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp vay vốn giai đoạn ban đầu. Cho vay để họ mở rộng sản xuất, hoặc mua công nghệ, có thể tín chấp cho doanh nghiệp vay, thành lập một số trung tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động phi lợi nhuận, các phòng thiết kế …; tạo điều kiện tiếp cận thị trường, cán bộ vận hành, công nhân kỹ thuật. Các dự án ODA có thể dành tỷ lệ nhất định, thúc đẩy cho các khu công nghiệp hỗ trợ, thuế thu nhập doanh nghiệp. Quốc hội có thể ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp phụ trợ để bộ, ngành triển khai, tham mưu cho Chính phủ phát triển lĩnh vực này.
Không có cơ sở về nhóm lợi ích trong mua bán điện
Đại biểu Đỗ Văn Đương, TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Duy Linh)
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) nêu ý kiến phản ánh rằng, doanh nghiệp điện Nhà nước như thủy điện Hoà Bình công suất lớn mấy năm gần đây hoạt động cầm chừng, trong khi chúng ta phải nhập khẩu điện từ nước ngoài, mua điện của tư nhân giá cao ,ảnh hưởng đến kinh tế và đời sống nhân dân. Liệu chăng có tình trạng nhóm lợi ích ở đây.
Bộ trưởng Công thương Huy Hoàng nói, ý kiến này không có cơ sở, vì Đảng, Nhà nước, nhân dân ta chắt chiu trong những năm tháng vừa qua xây dựng các công trình thủy điện, trong đó có công trình thủy điện công suất lớn đa mục tiêu như thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu… đang xây dựng và sắp đưa vào sử dụng.
Một trong những mục tiêu khi xây dựng các công trình này là tận dụng các tiềm năng vừa để phát điện, vừa để hạn chế, cắt lũ về mùa mưa và cấp nước cho hạ du phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vì thế, không có lý do gì không khai thác triệt để các dự án thủy điện lớn này. Đối với thủy điện Hòa Bình, từ khi xây dựng và vận hành đến nay, công suất thiết kế là 1.920MW, sản lượng điện bình quân mỗi năm là 9 đến 10 tỷ KW/giờ. Hầu như năm nào cũng phát đến con số này, hầu như không có hoạt động cầm chừng. Thủy điện Sơn La đưa vào vận hành trước kế hoạch ba năm. Trong ba năm vừa qua, năm nào thủy điện Sơn La cũng phát vượt sản lượng điện, mỗi năm phát 10 tỷ KW/giờ. Các thủy điện lớn khác cũng vậy. Vì thế, không có cơ sở nói rằng phát cầm chừng các dự án thủy điện, trong khi lại đi mua điện nhập khẩu. Thời gian qua, Bộ Công thương phối hợp các ngành, địa phương đã có giải pháp chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua điện của các dự án thủy điện nhỏ, giúp các dự án này tham gia phát điện cao nhất, giá cả ngày càng được nâng lên. Gần đây, Bộ Công thương có thông tư hướng dẫn EVN mua điện của các dự án nhỏ ngang bằng với các dự án khác.
Mở cửa lĩnh vực bán lẻ có lộ trình
Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hòa nêu câu hỏi, hiện các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đang đẩy mạnh chiếm lĩnh, mở rộng siêu thị, tăng cường chuyển nhượng, mua bán tại Việt Nam. Qua đó, hệ thống phân phối, bán lẻ của doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng,. Ngành công thương cần có giải pháp gì để phát triển hệ thống bán lẻ trong nước.
Bộ trưởng Công thương cho rằng, khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã nhận thức lĩnh vực bán lẻ nhạy cảm, quan trọng. Mở cửa có lộ trình để tạo điều kiện thời gian cho doanh nghiệp trong nước đứng vững. Khi ký kết, riêng lĩnh vực phân phối bán lẻ có lộ trình dài. Tới thời điểm 1-1-2019, doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài mới được thành lập 100% vốn của họ. Chúng ta có những khống chế những mặt hàng nhạy cảm, với chín mặt hàng nhà phân phối của nước ngoài không được bán trong hệ thống của họ (thuốc lá, đường …). Chúng ta cũng quy định, sau khi mở cửa hàng bán lẻ thứ nhất, nếu mở cơ sở thứ hai phải có báo cáo đánh giá số lượng nhà bán lẻ trên địa bàn để quyết định có phân cấp hay không phân cấp.
Bộ trưởng khẳng định, chúng ta không hoàn toàn mở cửa cho bán lẻ và đang đàm phàn tiếp tục giữ nguyên tắc này. Đến nay, có khoảng hơn 900 cơ sở bán lẻ hiện đại, trong số này có 70 doanh nghiệp của nước ngoài, còn lại của Việt Nam hơn 800 doanh nghiệp, tức là tỷ lệ của nước ngoài không nhiều. Tỷ trọng tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam năm nay xấp xỉ ba triệu tỷ đồng, nước ngoài chiếm 3,4%. Việc mở cửa thị trường bán lẻ có lộ trình, có kiểm soát. Doanh nghiệp trong nước vẫn phát triển. Nỗi lo lắng doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài có thể xâm nhập sâu hơn là có, nhưng với kinh nghiệm trong tám năm gia nhập WTO, chúng ta có thể xử lý được.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()