Chống “bệnh thành tích” trong thi đua khen thưởng
Trao đổi về chuyên môn – hoạt động thường xuyên của tập thể tiên tiến Trường THCS xã Mai Sao, huyện Chi Lăng |
NHẬN THỨC MỚI VỀ THI ĐUA YÊU NƯỚC
Quán triệt các văn bản của Đảng và nhà nước về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng (TĐKT), đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến, các đơn vị trực thuộc nhận thức rõ về tầm quan trọng của phong trào thi đua yêu nước đối với ngành GD&ĐT. Tăng cường sự phối hợp giữa các đoàn thể trong đơn vị để duy trì và nâng cao chất lượng của công tác TĐKT; thực hiện nói “không” với “chủ nghĩa hình thức” và tiêu cực trong thi đua khen thưởng.
Tổ chức thi đua theo cụm, khối vừa đảm bảo thực hiện theo hướng dẫn của cấp trên, vừa có tính sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm và nhiệm vụ chuyên môn của từng khối. Theo đó, toàn ngành có các khối thi đua như khối các phòng GD&ĐT, khối các trường THPT, khối các trung tâm GDTX, khối các trường dân tộc nội trú… Tại các phòng GD&ĐT, công tác thi đua cũng được tổ chức thành khối, cụm như khối GDMN, khối giáo dục Tiểu học, khối giáo dục THCS… Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, ngành GD&ĐT tổ chức công tác khen thưởng theo chuyên đề, chủ đề như “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục”; phong trào thi đua “ Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; phong trào “ Mỗi thầy cô giáo dạy 2 tiết/ tuần trở lên không nhận thù lao để bồi dưỡng học sinh chưa đạt chuẩn và bồi dưỡng học sinh khá giỏi”… Bà Nguyễn Minh Châu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: với một ngành có đến gần 750 đơn vị trường, cơ quan quản lý giáo dục với trên 180 ngàn học sinh, sinh viên và trên 20 ngàn cán bộ giáo viên, nhân viên, nếu không phân cụm, khối, không tổ chức theo chuyên đề thì công tác thi đua sẽ rất chung chung, đánh giá khen thưởng nhiều khi cào bằng, thiếu chính xác và như vậy, tác dụng của thi đua sẽ giảm, thậm chí phản tác dụng.
HIỆU QUẢ CỦA ĐỔI MỚI CÔNG TÁC TĐKT
Phải nói rằng, trong những năm qua, bằng công tác thi đua và chính công tác thi đua đã có tác dụng tạo động lực cho sự phấn đấu và phát triển toàn diện của ngành GD&ĐT. Ngành GD&ĐT đã ổn định về quy mô và nâng cao về chất lượng giáo dục toàn diện. Toàn tỉnh đã có 126 trường đạt chuẩn Quốc gia, tăng 42 trường so với năm 2010. Giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học- chống mù chữ; giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và giáo dục THCS; đang tiến tới hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Công tác giáo dục dân tộc được quan tâm với 86 trường bán trú; loại hình phổ thông dân tộc nội trú tăng về số lượng học sinh. Trên cơ sở nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng mũi nhọn được khẳng định. So với 5 năm trước đây, giáo dục Lạng Sơn đã có những chuyển biến quan trọng, “trường đã ra trường, lớp ra lớp” và “thầy đã ra thầy, trò ra trò”.
Lãnh đạo ngành GD&ĐT khen thưởng các điển hình tiên tiến giai đoạn 2010-2015 |
Trong 5 năm qua, ngành GD&ĐT Lạng Sơn đã được Chủ tịch nước tặng thưởng 10 Huân chương (8 tập thể và 2 cá nhân); có 7 nhà giáo được phong tặng danh hiệu “ Nhà giáo ưu tú”; có 24 tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Toàn ngành có 35 tập thể và 181 cá nhân điển hình tiên tiến giai đoạn 2010-2014. Trong phát hiện và xây dựng điển hình tiên tiến, ngành luôn hướng về cơ sở – những trường đã nỗ lực vươn lên từ thi đua; quan tâm xây dựng điển hình là những giáo viên bình thường, hàng ngày âm thầm đóng góp cho sự nghiệp trồng người. Trong 3 tập thể và 7 cá nhân được Sở GD&ĐT đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV, có 2 nhà trường, 2 hiệu trưởng, 2 giáo viên và 2 học sinh. Phát biểu với chúng tôi sau khi nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, cô giáo Đinh Thị Thu Huyền, giáo viên Trường THCS xã Minh Sơn ( Hữu Lũng) nói rằng: “ Đây thực sự là vinh dự lớn cho cá nhân và cho cả trường. Đó cũng là sự ghi nhận của ngành và tỉnh đối với tôi trong giai đoạn 2010-2015 với 28 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi môn Hóa học (18 giải cấp huyện và 10 giải cấp tỉnh)”.
Đổi mới hình thức tổ chức thi đua, ngành GD&ĐT đã thực hiện được mục tiêu “chống bệnh thành tích” trong thi đua khen thưởng. Và vì vậy, tác dụng của các điển hình tiên tiến luôn được nhân rộng và có sức lan tỏa cao.
Ý kiến ()