Chọn thời điểm thích hợp cho việc bỏ trần lãi suất
Ngày 11/4, lần thứ hai liên tiếp trong vòng chưa đến 1 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm các lãi suất chính sách như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất trên thị trường mở... thêm 1 điểm phần trăm (1%) và nhất là giảm trần lãi suất huy động lần nữa từ 13% xuống 12%. Bởi vậy, câu chuyện “giữ” hay “bỏ” trần lãi suất, cơ chế giải quyết nợ xấu vẫn là vấn đề nóng được nhiều quan tâm và đề cập đến tại buổi tọa đàm “Hướng tới ổn định tài chính quốc gia và tái cơ cấu nền kinh tế" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 16/4 tại Hà Nội.Theo tiến sỹ Phạm Đỗ Chí, chuyên gia Chương trình Star Plus (Chương trình hỗ trợ thúc đẩy thương mại - Mỹ), vấn đề chính là những khó khăn liên quan đến tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng và điều này có nguyên nhân từ các khoản nợ xấu của ngân hàng liên quan đến thị trường bất động sản, vốn đã bị đóng băng kể trong thời gian qua. Nhiều bất động...
Ngày 11/4, lần thứ hai liên tiếp trong vòng chưa đến 1 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm các lãi suất chính sách như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất trên thị trường mở… thêm 1 điểm phần trăm (1%) và nhất là giảm trần lãi suất huy động lần nữa từ 13% xuống 12%.
Bởi vậy, câu chuyện “giữ” hay “bỏ” trần lãi suất, cơ chế giải quyết nợ xấu vẫn là vấn đề nóng được nhiều quan tâm và đề cập đến tại buổi tọa đàm “Hướng tới ổn định tài chính quốc gia và tái cơ cấu nền kinh tế” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 16/4 tại Hà Nội.
Theo tiến sỹ Phạm Đỗ Chí, chuyên gia Chương trình Star Plus (Chương trình hỗ trợ thúc đẩy thương mại – Mỹ), vấn đề chính là những khó khăn liên quan đến tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng và điều này có nguyên nhân từ các khoản nợ xấu của ngân hàng liên quan đến thị trường bất động sản, vốn đã bị đóng băng kể trong thời gian qua. Nhiều bất động sản đã giảm giá từ 20-30% trong hai năm qua.
Theo kinh nghiệm quốc tế và ý kiến của nhiều chuyên gia thì khủng hoảng bất động sản ở Việt Nam sẽ còn phải kéo dài thêm 2-3 năm nữa và giá cả có thể còn phải xuống thêm trước khi “đụng đáy” vào năm 2013 hay 2014.
Khi ngân hàng không thể thu hồi nợ từ các khoản cho vay đầu tư bất động sản, đối mặt với chính sách thắt chặt tiền của Ngân hàng Nhà nước để kiềm chế lạm phát, họ không thể nhanh chóng thực hiện các khoản cho vay với tỷ lệ lãi suất giảm một cách nhanh chóng.
Bên cạnh lãi suất cao, điều kiện cho vay chặt chẽ cũng hạn chế khả năng tiếp cận các khoản vay ngân hàng, đặc biệt ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hơn nữa, vấn đề “thật sự” của hệ thống ngân hàng là các khoản nợ xấu.
Tuy nhiên, theo thông tin của Ngân hàng Nhà nước, các khoản nợ xấu có giá trị khoảng 3-4 tỷ USD, tương đương 6% tổng dư nợ ngân hàng và chỉ tập trung ở chín ngân hàng yếu kém.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã có những giải pháp khác nhau để giải quyết những khoản nợ xấu này, một trong đó là chương trình tái cơ cấu vốn ngân hàng lớn với vốn có thể vay từ các nguồn quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hoặc thậm chí là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dù Ngân hàng Nhà nước vẫn dè dặt khi vay mượn với định chế tài chính này.
Việc Ngân hàng Nhà nước thông báo có thể tiếp tục giảm lãi suất huy động trần 1 điểm phần trăm cho mỗi quý cho đến khi đạt đến 10% trước cuối năm nay hoặc trong trường hợp nếu tình hình thanh khoản có cải thiện đáng kể, không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể loại bỏ trần lãi suất huy động hoàn toàn trong tháng 6 hoặc tháng 7/2012.
Nhiều chuyên gia nhận định, các chính sách của Ngân hàng Nhà nước hiện nay nhằm mục đích “chữa cháy ngắn hạn” bằng các biện pháp hành chính đã kéo dài khá lâu như tạm ổn định tỷ giá, lãi suất có chiều hướng xuống nhờ trần lãi suất, phân bổ tín dụng giữa các ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước ấn định để cứu hệ thống ngân hàng… được lầm tưởng là đang có tác động tốt cho nền kinh tế. Tuy nhiên, các dấu hiệu trên chỉ mang tính cách tạm thời thiếu bền vững.
Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, việc vừa áp trần đối với cả lãi suất huy động và cho vay có thể được áp dụng nếu Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ lại biện pháp “trần.”
Tuy nhiên, theo ông Trịnh Quang Anh, Trưởng ban nghiên cứu kinh tế, Ngân hàng Thương mại Hàng Hải (Maritime Bank), việc đặt trần lãi suất cho vay dẫn đến khả năng khó kiểm soát hơn, bởi Ngân hàng Nhà nước không thể ép các ngân hàng cho vay được.
Thực tế, các ngân hàng thà giữ tiền lại còn hơn cho vay để rồi mất. Nếu ngân hàng theo đuổi mục tiêu lợi nhuận cao để cho vay những tín dụng có rủi ro lớn thì chắc chắn lãi suất cho vay sẽ bị đẩy lên cao.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng vẫn nên giữ trần lãi suất cho đến khi thị trường ổn định hơn. Hiện nay, trần lãi suất đang là công cụ duy nhất để Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ. Nếu soi vào lãi suất hiện nay, trần lãi suất giống hệt lãi suất cơ bản.
Lịch sử cho thấy lãi suất cơ bản nhiều năm chỉ là vô nghĩa, việc đưa trần lãi suất huy động hay lãi suất cơ bản trở thành “thực quyền” đều phụ thuộc ý chí của Ngân hàng Nhà nước.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()