Chọn hướng đi cho cây thông
>>> Trồng 1.700 cây thông cho hộ gia đình khó khăn>>> Khuổi Tà - mùa cây thông thay lá>>> Thương lắm “thợ” nhựa
LSO-Là một huyện miền núi, biên giới nhưng Lộc Bình được tiếng là mảnh đất rất năng động trong phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực. Một trong những thành công của huyện trong kinh tế nông lâm nghiệp là chọn, phát triển đại trà và thâm canh cây thông. Từ cây thông đã mang lại no ấm cho người dân.
Nông dân Lộc Bình kiểm tra phân loại nhựa thông trước khi xuất bán |
Về huyện Lộc Bình những ngày này, trên khắp các trục đường chính vào thị trấn Lộc Bình, Cửa khẩu Chi Ma, thị trấn Na Dương, tới đâu chúng tôi cũng gặp những tấm biển “thu mua nhựa thông”. Dọc đường liên xã, liên thôn là những chiếc công nông chất đầy nhựa đến điểm thu gom. Người làm rừng thì phấn khởi bởi lại một năm nữa nhựa thông được mùa, được giá. Còn nhớ cách đây hơn chục năm, khi ấy đất lâm nghiệp toàn huyện cơ bản là đất trống đồi núi trọc. Không ít hộ dân khi được giao đất, giao rừng còn không nhận, bởi theo họ nhận rồi lại mất công trồng, chăm sóc rừng. Khi khoanh giao cơ bản xong, người dân cũng chưa biết trồng cây gì. Thế là mạnh ai nấy trồng, nhà thì keo, nhà bạch đàn, nhà thì thông làm cho rừng toàn huyện trở nên không thuần nhất.
Cũng khi ấy dự án trồng rừng Việt- Đức được triển khai, chủ trương của huyện là phủ xanh đất trống đồi núi trọc bằng cây thông mã vĩ. Chủ trương ấy phù hợp với mục tiêu của dự án vì vậy rất nhanh toàn huyện đã hướng vào trồng thông. Có động lực, dự án trồng rừng Việt- Đức ở Lộc Bình phát triển rất nhanh, từ chỗ trồng nhỏ lẻ thì vào những năm 2000 trồng rừng đã trở thành phong trào. Chỉ trong vòng hơn 10 năm, toàn huyện đã nâng diện tích cây thông lên trên 23 nghìn ha. Người dân từ chỗ tự học hỏi, trồng tự phát thì giờ đây việc trồng thông đã được thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật. Khắp trên các cánh rừng Lộc Bình từ các xã biên giới như Yên Khoái, Tú Mịch đến các xã nội địa như Sàn Viên, Lợi Bác, Tú Đoạn đâu đâu cũng thấy những rừng thông xanh ngắt một màu.
Trao đổi với chúng tôi, anh Lương Đình Quỳnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lộc Bình cho biết: thế mạnh hiện nay của huyện là cây thông mã vĩ. Thông không chỉ ở riêng khu vực dự án mà còn trải rộng trên khắp các xã, các thôn bản xa xôi nhất. Từ cây thông nhiều hộ đã khá lên. Với huyện Lộc Bình giai đoạn hiện nay cây thông đã bước vào cấp tuổi bốn – thời gian đủ điều kiện cho khai thác nhựa. Hiện trung bình mỗi năm toàn huyện khai thác đạt trên 120 nghìn tấn nhựa, thu về cho người trồng thông gần 50 tỷ đồng. Từ nhựa thông đã mọc lên nhiều cơ sở sơ chế nhựa thông. Ông Trình Văn Phỏ, Bí thư Chi bộ thôn Nà Quân, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình cho biết: từ cây thông, khai thác nhựa thông mà 5 năm nay toàn thôn đã thoát nghèo, giờ đây thôn không có hộ nghèo, 100% hộ có ti vi, xe máy, máy cơ giới trong nông nghiệp, 80% số hộ trong thôn đã có nhà xây. Hiện có nhà đã thu gần 100 triệu đồng tiền bán nhựa mỗi năm.
Nhớ lại thời gian trước đây có hộ trong thôn Nà Quân cũng trồng bạch đàn cao sản, thế nhưng suốt mấy năm cây vẫn cứ còi cọc. Khi có dự án Việt- Đức, huyện chỉ đạo tập trung phát triển cây thông, toàn thôn đã tích cực trồng. Riêng đất Lộc Bình nói chung và thôn Nà Quân nói riêng có điều kiện tốt về đất, khí hậu để trồng cây thông. Dù thông trồng thẳng, hay ươm bầu vẫn phát triển rất nhanh, hiện toàn thôn chỉ duy nhất có một loại cây lâm nghiệp là cây thông. Và hướng đi cho cây thông đã mang lại no ấm cho người dân nơi đây. Từ cây thông đã hình thành nhiều dịch vụ chăm sóc, khai thác rừng. Nhiều hộ dân chuyển hẳn sang làm kinh tế rừng theo hướng ly nông. Các dịch vụ chích nhựa, chăm sóc rừng, cung ứng vật tư trồng rừng và gần đây là chế biến nhựa, chế biến gỗ ở Lộc Bình mọc lên ngày một nhiều. Riêng dịch vụ thu mua nhựa hiện toàn huyện hình thành trên 50 điểm thu mua cố định và hàng trăm điểm thu mua lưu động bằng xe ô tô. Riêng việc thu mua nhựa đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Chị Vi Thị Bích, hộ thu mua nhựa tại xã Yên Khoái cho biết: nếu giá cả ổn định thì khai thác nhựa được quanh năm, sẽ nhiều hộ chuyên tâm làm rừng. Cho đến nay, huyện Lộc Bình đã trở thành chợ đầu mối của nhựa thông.
Cũng theo anh Lương Đình Quỳnh, chọn hướng phát triển thâm canh cây thông là hướng đi đúng của huyện. Điều đó đã được minh chứng qua thu nhập từ rừng ngày càng ổn định, đời sống nhân dân ngày một khá lên, độ che phủ rừng ngày càng lớn. Quan trọng hơn, nghề rừng đã dần hình thành ở huyện miền núi biên giới Lộc Bình, theo đó người dân sẽ có nhiều cơ hội để chọn hướng phát triển kinh tế từ rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()