Chọn cán bộ ‘tài đức vẹn toàn’: Cần lá phiếu tín nhiệm từ lòng dân!
Để chọn ra người cán bộ vừa có tài vừa có đức, nhiều ý kiến cho rằng cần thông qua “lá phiếu tín nhiệm từ lòng dân” và sự giám sát nghiêm ngặt của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp địa phương.
Lấy phiếu tín nhiệm là một trong những giải pháp đổi mới để đánh giá cán bộ qua nhiều góc nhìn, tạo động lực thôi thúc cán bộ tự soi, tự sửa, ngăn ngừa các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để từ đó chọn ra người cán bộ tài đức vẹn toàn thông qua “lá phiếu tín nhiệm từ lòng dân” và sự giám sát nghiêm ngặt của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp địa phương.
Đây có thể coi như một cuộc “sát hạch” để chọn cán bộ của cử tri; trong đó lá phiếu không chỉ cho thấy uy tín của người đại biểu mà còn là tiếng nói của cử tri, nhân dân gửi gắm, kỳ vọng điều tốt đẹp, bởi suy cho cùng việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ đều hướng đến mục đích cao nhất là vì lợi ích đất nước và nhân dân.
“Thước đo” đánh giá cán bộ
Tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước đang diễn ra, các địa phương tiếp tục thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố bầu hoặc phê chuẩn. Đây là một nội dung thực hiện quyền giám sát có ý nghĩa rất quan trọng của Hội đồng Nhân dân – nơi đại diện cho cử tri đối với những cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm.
Như vậy, sau thành công của lần lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp Quốc hội khóa XV mới đây, dư luận cũng rất đồng tình và thể hiện sự quan tâm với việc tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân các cấp tỉnh, thành phố, nhằm đánh giá mức độ tín nhiệm đồng thời cũng là lời nhắc nhở đối với mọi cán bộ. Mỗi cán bộ qua đây cũng thẳng thắn “soi” lại mình, tự đánh giá chất lượng những việc mình đã và đang làm.
Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp là hoạt động được người dân kỳ vọng. Đây cũng là “thước đo” trong đánh giá cán bộ, là cơ hội để những lãnh đạo chính trực tỏa sáng và hoạt động này chỉ thiết thực khi không bị ảnh hưởng bởi tính hình thức.
Theo bà Mai, trong nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội khóa XIV đã mang lại hiệu ứng tích cực và những đóng góp của những người được lấy ý kiến đã được ghi nhận một cách công bằng.
“Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng nhận được những câu hỏi của người dân rằng ông bà có thấy việc lấy phiếu tín nhiệm là mang tính thực chất hay không. Tôi hiểu và cảm nhận được rằng đằng sau câu hỏi đó còn là băn khoăn, lo lắng của người dân và có lẽ cử tri chờ đợi điều gì đó nhiều hơn thế,” bà Mai chia sẻ thêm.
Từ nỗi băn khoăn nêu trên, bà Mai đề xuất thời gian tới cần cân nhắc đánh giá việc tổ chức thực hiện và quan tâm đến hai khía cạnh. Thứ nhất, đó là việc để các mức lấy phiếu tín nhiệm – hiện nay đang để 3 mức là tín nhiệm, tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp.
“Việc để 3 mức tín nhiệm này có thể đề cao tính nhân văn, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạch lạc trong việc đánh giá. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng việc để 3 mức như vậy sẽ khó lượng hóa, khó so sánh trong việc đánh giá kết quả giữa các đối tượng được lấy phiếu xin ý kiến,” bà Mai nhấn mạnh.
Khía cạnh thứ hai được bà Mai nhắc tới, đó là liên quan đến số lần lấy phiếu tín nhiệm: Hiện nay đang tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần. Tuy nhiên, để đánh giá được những cố gắng, những tiến bộ của người được lấy phiếu ý kiến, một số ý kiến đề xuất “nên chăng thực hiện lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ.”
Góp thêm ý kiến, đại biểu Ngô Trung Thành, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm là một quy định rất tiến bộ của Quốc hội nước ta. Đây là quy định nhằm kiểm tra mức độ tín nhiệm khác với quy định bỏ phiếu bất tín nhiệm như ở các nước. Tuy nhiên, việc bỏ phiếu bất tín nhiệm ở các nước chỉ diễn ra khi có vấn đề thực sự (có bê bối hay có sự việc nghiêm trọng xảy ra) và họ không lấy phiếu tín nhiệm trong điều kiện bình thường như ở nước ta.
Lực lượng Đồn Biên phòng Ia Nan, tỉnh Gia Lai sử dụng loa phát thanh tuyên truyền cho người dân về công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp. (Ảnh: TTXVN)
“Vì vậy, ở các nước chỉ có 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm. Còn ở nước ta nếu phải đưa ra theo quy trình bỏ phiếu tín nhiệm thì cũng sẽ có hai mức là mức tín nhiệm và không tín nhiệm như các nước. Do đó, quy định 3 mức tín nhiệm gồm: Tín nhiệm, tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm ở nước ta trong điều kiện bình thường, theo tôi là hợp lý,” ông Thành nhấn mạnh.
Lá phiếu tín nhiệm từ lòng dân
Là huyện miền núi khó khăn của tỉnh Kon Tum với số lượng đồng bào dân tộc bản địa chiếm tỷ lệ tương đối cao, trong công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Rẫy đã tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và các chức danh lãnh đạo, chủ chốt; chỉ đạo một số nội dung về công tác cán bộ liên quan đến việc chuẩn bị nhân sự cấp ủy các cấp. Trong số đó, huyện chú trọng công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số để phục vụ công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng cấp cơ sở…
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Nguyễn Quang Thạch, Bí thư Huyện ủy Kon Rẫy nhấn mạnh công tác nhân sự chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân 3 cấp tại địa phương là nhiệm vụ rất quan trọng nên đã được tổ chức thực hiện kỹ trước đại hội. Trong công tác Hiệp thương lần thứ nhất, số lượng cán bộ là 60 người nhưng đến Hiệp thương lần thứ hai chỉ còn 51 người.
“Theo kế hoạch của Bộ Nội vụ, đặc biệt là Ban bầu cư của Quốc hội, đây là giai đoạn lấy ý kiến đối với các ứng cử viên, chưa có nhân sự chính thức,” ông Thạch nói và cho biết trước khi lấy phiếu tín nhiệm, nếu ở cấp xã thì Ban Thường trực mặt trận của xã sẽ chủ trì phối hợp với Ủy ban Nhân dân cấp xã tổ chức lấy ý kiến đối với các ứng cử viên nơi cư trú thường xuyên, các thôn, các làng.
“Mặc dù Kon Rẫy là huyện miền núi khó khăn, có đông đồng bào dân tộc sinh sống, nhưng việc lấy phiếu tín nhiệm luôn được triển khai bài bản. Các ứng cử viên cũng sinh sống ở các làng, bản và dân họ đều nắm bắt được hết nên khi tổ chức lấy ý kiến sẽ có những trao đổi thực chất hơn. Việc lựa chọn cán bộ cũng xuất phát từ sự ủng hộ, lá phiếu tín nhiệm của chính người dân nơi đó,” ông Thạch nhấn mạnh.
Nói thêm về vai trò của người dân trong việc giám sát, tín nhiệm, tín cử cán bộ trên địa bàn huyện Kon Rẫy hiện nay, ông Thạch cho rằng một cán bộ khi được dân bầu, dân tín nhiệm thì chắc chắn đó sẽ là cán bộ mà dân tin tưởng và mong chờ sẽ làm được nhiều việc có ích cho mình và có lợi cho địa phương; khi tổ chức các cuộc họp và ban hành các văn bản cũng sẽ “sát” thực tế và có trách nhiệm hơn.
Ngoài lá phiếu tín nhiệm của cử tri, Huyện ủy Kon Rẫy cũng đang tiếp tục thực hiện rà soát, thẩm định hồ sơ và đảm bảo nguyên tắc kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm…
Huyện Kon Rẫy tuyên truyền về bầu cử, tạo không khí thi đua sôi nổi trong tầng lớp Nhân dân để hướng về ngày hội lớn của dân tộc. (Nguồn: Trung tâm VHTTDL&TT huyện Kon Rẫy)
“Là người dân sinh sống ở huyện miền núi khó khăn, chúng tôi luôn cần những người cán bộ có năng lực, sâu sát và hiểu được tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân. Vì thế, tôi hy vọng đợt bầu cử này sẽ tìm ra được những cán bộ vì dân,” ông N.V Sơn, một cư trỉ tại thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy chia sẻ.
Nhận thiệt thòi để làm tốt hơn
Với kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với công tác Đảng ở huyện Nga Sơn – huyện ven biển của tỉnh Thanh Hóa, ông Trịnh Văn Tiến, Trưởng ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Nga Sơn cho biết năm 2021, Đảng bộ huyện Nga Sơn tròn 75 năm thành lập. Tính đến tháng 3/2021, Đảng bộ huyện có 45 đảng bộ, chi bộ cơ sở với hơn 8.450 đảng viên.
Tuy nhiên, về thành phần đại biểu Quốc hội, hiện nay, trên địa bàn huyện Nga Sơn không có bất kỳ một hồ sơ tự ứng cử nào vào đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, trong khi các địa phương khác rất nhiều. Điều này cho thấy công tác bầu cử trên địa bàn huyện Nga Sơn hiện nay diễn ra tương đối thuận lợi, ổn định.
Bên cạnh đó, việc đánh giá cán bộ bằng phiếu tín nhiệm tại huyện Nga Sơn cũng được thực hiện bài bản hàng năm và theo các tiêu chí đánh giá cụ thể qua nhiều vòng, nhiều bước ngay tại địa phương nơi cán bộ sinh hoạt ít nhất là 3 vòng. Trước hết là ở hội nghị công chức về kiểm điểm, xếp loại đối với nhiệm vụ chức trách được giao, thứ hai là ở hội nghị kiểm điểm đảng viên ở chi bộ nơi cán bộ sinh hoạt, thứ ba là kiểm điểm ở tập thể đảng ủy. Ngoài ra, huyện cũng tổ chức đánh gia cán bộ qua kênh riêng do Ban Tổ chức Huyện ủy triển khai, đó là đánh giá liên thông – xin ý kiến đánh giá ở các tổ chức cơ sở đảng khác để đảm bảo tính khách quan.
“Như vậy, qua rất nhiều vòng đánh giá sẽ phát hiện ra được những cán bộ chất lượng, có nhiều phiếu tín nhiệm cao, đó là sự ghi nhận của cử tri và coi đó là động lực, sự khích lệ để làm việc tốt hơn. Những cán bộ có phiếu tín nhiệm thấp coi đây là lời cảnh báo để cố gắng, nỗ lực nhiều hơn trong công việc,” ông Tiến nói thêm.
Ngoài ra, ông Tiến cũng cho biết thực hiện Quyết định số 124-QĐ/TW về “giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên,” hàng năm, người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu chính quyền cũng đều tổ chức đối thoại với nhân dân để người dân đánh giá.
“Do đó, trong quá trình công tác đòi hỏi mỗi người cán bộ cần phải cố gắng, phấn đấu để đạt được kết quả tối ưu nhất. Ngay như việc luân chuyển, điều động cán bộ cũng là giải pháp của tổ chức cán bộ để tránh việc nể nang, né tránh trách nhiệm, sự ràng buộc các mối quan hệ,” ông Tiến nói và lưu ý rằng trong quá trình 5 năm làm Bí thư Đảng ủy, bản thân ông đã đúc rút ra được kinh nghiệm rằng “cứ đồng chí lãnh đạo nào ở địa phương nhận phần thiệt thòi về mình một chút thì mọi công việc ở địa phương đó dễ làm và hiệu quả công việc cũng sẽ cao hơn”./.
Ý kiến ()