Người dân bất ngờ với giá sữa
Anh Nguyễn Văn Sơn – chủ một cửa hàng sữa trên đường Trần Thái Tông – Cầu Giấy – Hà Nội chia sẻ, từ khoảng trước Tết đến nay, rất nhiều nhãn sữa đã thông báo điều chỉnh tăng giá, thí dụ như từ ngày 1-1-2014, một số sản phẩm sữa của Mead Johnson và Abbott đã tăng thêm 4-7%; Từ ngày 10-2-2014, các sản phẩm của Vinamilk tăng bình quân khoảng 6%… Còn từ ngày 1-3-2014, các sản phẩm sữa của Similac, Enfa, Pedia Sure… cũng sẽ đồng loạt tăng giá thêm 7%, áp dụng cho cả sản phẩm dành cho người lớn, trẻ em, sữa chua và sữa nước. Như vậy, giá mới cho một số sản phẩm sẽ tăng đáng kể, đơn cử như sữa Enfa Grow 3A loại hộp 900g sẽ có giá 880 nghìn đồng/hộp thay vì 835 nghìn đồng/hộp như hiện nay (tăng 45 nghìn đồng/hộp); Enfa Mama A Vanilla DHA power plus, hộp 400g sẽ có giá 225 nghìn đồng/hộp thay vì 205 nghìn đồng/hộp như hiện nay (tăng 20 nghìn đồng/hộp)…
Giá sữa tăng cao ngay vào dịp đầu năm đã khiến nhiều người dân bất ngờ. Chị Nguyễn Thị Thu Hường (Đê La Thành – Hà Nội) chia sẻ, nhà chị có hai con, đứa lớn bốn tuổi, đứa nhỏ hai tuổi. Mỗi tháng, nhà chị dùng hết khoảng bốn hộp Enfa Grow A loại 900g (hai hộp 3A , hai hộp 4A ). Chị Hường băn khoăn: “Giá sữa tăng mạnh như hiện nay gây khó khăn thật sự cho tôi. Mỗi tháng, tôi phải bỏ thêm gần 200 nghìn đồng tiền mua sữa cho con. Sắp tới, vợ chồng tôi phải tiết kiệm chi phí cho bản thân nhiều hơn nữa mới đủ tiền mua sữa cho con, vì trẻ con không thể không uống sữa”.
Cũng khá bất ngờ trước giá sữa những ngày đầu năm, chị Nguyễn Thị Hòa (Long Biên – Hà Nội) cho biết, chị có một đứa con ba tuổi. Trước đây, cho con dùng sữa ngoại, mỗi tháng, chị hết hơn hai triệu đồng mua sữa. Cuối năm ngoái, chị đã phải dần đổi sang sữa nội để tiết kiệm một phần chi phí, tuy nhiên, đầu năm mới, chị lại phải đối diện với một đợt tăng giá mạnh nữa. “Năm ngoái, vì giá sữa liên tục tăng cao đã khiến tôi phải đổi từ sữa ngoại sang sữa nội để tiết kiệm một phần chi phí. Nếu cứ tiếp tục tăng giá như thế này tôi không biết phải làm sao” – chị Hòa buồn rầu chia sẻ.
Lần tăng giá sữa này không chỉ khiến người dân choáng váng vì mức tăng cao mà còn khiến nhiều người khó hiểu vì thời điểm tăng. Bởi lẽ chỉ cách đây khoảng hai tháng, mặt hàng sữa đã chính thức được đưa vào diện bình ổn. Chị Nguyễn Thị Hòa bức xúc: “Tôi nhớ không nhầm thì thông tin mặt hàng sữa được đưa vào diện bình ổn mới chỉ được công bố cách đây không lâu. Vậy không hiểu bình ổn thế nào mà giá sữa lại tăng ngay lập tức và tăng mạnh đến như vậy. Tôi thật sự choáng váng và không thể hiểu nổi”.
Nguyên nhân tăng giá sữa lần này được các DN sữa lý giải là do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Cụ thể, đầu năm 2014, giá sữa tươi nguyên liệu thu mua trong nước đã tăng khoảng 22% so với thời điểm đầu năm 2013. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2014, giá các nguyên liệu chính (bột sữa, dầu bơ) trên thị trường thế giới cũng tăng thêm 30-57% so với cùng kỳ năm trước. Do phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu nên giá sữa trong nước đã bị ảnh hưởng mạnh.
Kẽ hở ở đâu?
Là một trong những mặt hàng thiết yếu, giá sữa tăng sẽ khiến người dân bức xúc. Tuy nhiên, việc người tiêu dùng mất niềm tin hơn cả là giá sữa tăng đúng vào thời điểm mới được đưa vào diện bình ổn giá theo Thông tư 30 của Bộ Y tế (có hiệu lực từ tháng 11-2013). Lý giải cho điều này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, Thông tư 30 chỉ yêu cầu DN đăng ký giá với các cơ quan quản lý chứ chưa đưa ra yêu cầu bắt buộc DN phải báo cáo cơ chế hình thành giá, kiểm toán giá và thông báo giá kiểm toán đó cho Nhà nước mỗi khi muốn tăng giá. Như vậy, Nhà nước không thể quản lý được chính xác mức độ tăng giá của DN có hợp lý hay không.
Chính vì vậy, để minh bạch mỗi lần điều chỉnh giá, theo ông Nguyễn Minh Phong, phải tiến hành đồng thời nhiều giải pháp. Thứ nhất là nếu đã đưa sữa vào diện bình ổn giá thì các DN sữa phải chịu kiểm soát giá, tức là mỗi lần DN muốn điều chỉnh giá phải công bố đầy đủ kết quả kiểm toán về các yếu tố hình thành, tác động đến giá sữa, từ đó mới quyết định có cho phép điều chỉnh giá hay không. Ông Phong thẳng thắn: “Giá sữa phải được kiểm soát chặt như giá xăng dầu, tức là phải yêu cầu DN đưa ra được những yếu tố hình thành giá, từ đó xây dựng một mức giá trần, cộng với chi phí lợi nhuận của DN để có cơ sở so sánh mỗi khi có yếu tố tác động phải điều chỉnh giá”. Thêm nữa, nếu sữa đã thuộc diện bình ổn giá thì phải nâng cao hơn nữa vai trò của các DN sữa Nhà nước (ở đây là Vinamilk) trong việc điều tiết giá. Khi có biến động giá quá mạnh, các DN Nhà nước này cần điều tiết để giảm bớt lợi nhuận, tránh tăng giá quá cao, chia sẻ một phần gánh nặng cho người dân. Ông Phong khẳng định thêm: “Còn nếu không, hãy để giá sữa vận hành theo đúng cơ chế thị trường, tránh việc bình ổn nửa vời, gây bức xúc cho người dân”.
Thứ hai, phải tăng cường hơn nữa tính cạnh tranh trong các DN sữa bằng cách cho phép thêm nhiều DN cùng tham gia kinh doanh mặt hàng này. Đồng thời, giá sữa trong nước cũng phải được đối chiếu, so sánh với giá các sản phẩm cùng loại ở nước ngoài để bảo đảm người dân được hưởng một mức giá công bằng.
Sẽ theo dõi sát diễn biến giá sữa
Giá sữa tăng khá mạnh trong những ngày đầu năm cũng khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại có thể ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng. Về vấn đề này, ngày 13-2, Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính đã ra đã thông báo về công tác điều hành giá sữa. Theo đó, từ tháng 12-2013 đến nay, có 2/6 công ty thuộc diện phải đăng ký giá gửi hồ sơ kê khai điều chỉnh tăng giá về Bộ Tài chính với mức đề nghị tăng từ 5-10%, Trong đó, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam) đề nghị điều chỉnh mức giá bán của 16/28 dòng sản phẩm, mức tăng phổ biến từ 5 đến 7%. Căn cứ vào hợp đồng và tờ khai hải quan của DN này, nguyên nhân tăng giá là do giá nhập khẩu tăng từ 12,6-12,8% từ ngày 1-8-2013, và công ty điều chỉnh giá bán ra thị trường tăng phổ biến từ 5-7%. Cục Quản lý giá nhận thấy, có 3/16 sản phẩm được điều chỉnh lần thứ hai trong năm 2013 với mức tăng là 10%, còn lại (13 sản phẩm) ổn định giá từ giữa năm 2012 đến nay mới điều chỉnh giá bán, và mức điều chỉnh giá hiện nay của DN này là phù hợp với biến động của đầu vào.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính cho biết thêm, Cục sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường. Nếu việc tăng giá có tác động xấu đến thị trường thì sẽ công bố các giải pháp bình ổn.
Ý kiến ()