Cho vay ngang hàng: Tiềm ẩn nhiều rủi ro khi chưa có khung pháp lý
Chỉ cần vài phút để lướt vào các trang web như tima.vn, doctordong.vn, huydong.com, vaymuon.vn… sẽ hiện ra nhiều hình thức chào mời như lãi suất cố định, không nhiều giấy tờ phiền phức, công cụ hỗ trợ trực tuyến giúp quản lý khoản huy động dễ dàng. Hoặc nguồn vốn đầu tư với lãi suất hợp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, kênh đầu tư hiệu quả giành cho nhà đầu tư…. với lãi suất khoảng 10-20%/năm.
Và cũng chỉ cần vài phút là có thể hoàn tất thông tin vay, ngay lập tức hồ sơ của bạn sẽ được chuyển đến người cho vay. Nếu khoản vay được duyệt, sau khi ký hợp đồng bạn có thể nhận được tiền giải ngân thông qua tài khoản ngân hàng hoặc tại các điểm giao dịch của đối tác.
Vay và cho vay cực kỳ đơn giản
Đây là một dạng của mô hình cho vay ngang hàng (Peer to Peer – P2P) bắt đầu phổ biến ở Việt Nam với sự ra đời của hàng loạt công ty cho vay trực tuyến. Nhiều ý kiến e ngại rằng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro khi hành lang pháp lý còn bỏ ngỏ.
Theo tìm hiểu, tùy theo hình thức mà số tiền được duyệt vay. Tại web của huydong.com, ví du như vay 30 triệu đồng trong 6 tháng, số tiền trả góp hàng tháng là 5,2 triệu đồng. Tổng số tiền phải trả trong 6 tháng là 31,3 triệu đồng. Còn tại vaymuon.vn có lãi suất từ 1,5%/tháng (18%/năm).
Trong khi đó, tima.vn lại trực tiếp môi giới người vay với nhà đầu tư. Hai bên tự kết nối và tự thỏa thuận về lãi suất và các thủ tục liên quan. Trong vai người muốn đầu tư vốn vào Tima, nhân viên ở đây cho biết sẽ gửi hồ sơ khách hàng đến nhà đầu tư, mỗi hồ sơ nhà đầu tư nhận được sẽ trả cho tima 20.000 đồng/bộ hồ sơ.
Hiện các công ty cho vay P2P cung cấp các gói vay khá đa dạng, từ tín chấp, thế chấp đến mua trả góp như: Vay tín chấp theo lương; vay trả góp theo ngày; vay theo sổ hộ khẩu, hóa đơn điện nước, đăng ký xe máy, ôtô; vay cầm cố tài sản, vay cầm cố ôtô đang thế chấp ngân hàng; vay mua nhà trả góp…
Cũng giống như Uber, Grab là kết nối người có xe ôtô rảnh rỗi với người có nhu cầu di chuyển, thì ở đây những người có tiền nhàn rỗi chỉ cần tải ứng dụng, đăng ký tài khoản để trở thành nhà đầu tư. Khi có một khoản vay được phê duyệt, nhà đầu tư nhận được thông báo của ứng dụng. Nếu chấp thuận cho vay, khoản tiền sẽ được chuyển từ tài khoản của nhà đầu tư sang tài khoản ngân hàng của người vay.
Còn với người đi vay, chỉ cần cài ứng dụng, đăng ký sau đó tải lên ảnh chụp một số giấy tờ liên quan là đã hoàn tất một yêu cầu vay tiền.
Được biết, cho vay ngang hàng là xu hướng toàn cầu và hình thức này có nhiều điểm thuận lợi cho nền kinh tế. Cho vay ngang hàng được thực hiện dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, những doanh nghiệp hoạt động theo loại hình này sử dụng công nghệ Big Data để thu thập tất cả dữ liệu của cả hai phía người cho vay và người đi vay.
Việc thẩm định hồ sơ khách hàng được tiến hành trực tuyến một cách nhanh chóng và rẻ hơn hình thức truyền thống, nhà đầu tư có quyền lựa chọn đối tác muốn vay trên nền tảng P2P. Đây được coi là điểm khá ưu việt so với hình thức tín dụng truyền thống của ngân hàng, vì họ có thể nắm giữ và khai thác khối lượng dữ liệu thông tin khách hàng, có khả năng kết nối với tất cả các thành phần kinh tế.
Cho vay ngang hàng xuất hiện đầu tiên ở Anh, sau đó phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Thế nhưng ở Việt Nam, pháp luật chưa công nhận hình thức cho vay này.
Mô hình nhiều rủi ro
Tại Việt Nam hiện nay, mô hình cho vay P2P vẫn chưa được cấp phép nên các công ty hoạt động trong lĩnh vực này thường đăng ký là công ty tư vấn đầu tư. Các công ty này cũng không được trực tiếp huy động hay cho vay nên không nằm trong đối tượng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
Vì vậy, khi có rủi ro xảy ra thì rất khó để xử lý do thiếu cơ sở pháp lý. Rủi ro ở đây có thể là các sàn giao dịch kết nối này ngừng hoạt động, bị đánh cắp tiền hoặc thậm chí là lừa đảo khách hàng.
Phân tích sâu về vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện những công ty môi giới không phải là công ty tài chính, ngân hàng nên cơ sở pháp lý cho hoạt động này chỉ có Luật dân sự. Tuy nhiên phía Ngân hàng Nhà nước cũng gặp nhiều lúng túng vì pháp luật không có quy định cấm, kiểu như hoạt động Grab, không cấm Grab hoạt động mà sẽ có khung pháp lý quy định để quản lý cho phù hợp thôi.
“Tôi cho rằng, mô hình này rủi ro cho cả 2 bên cho cho và người đi vay. Hợp đồng giữa 2 bên có rất nhiều thiếu sót và không tuân thủ theo quy định pháp luật bởi người đi vay chỉ cần có tên và chứng minh thư nhân dân. Phía người cho vay chỉ dựa vào những thông tin, điều tra do công ty môi giới cung cấp, không thể thẩm định được. Vậy câu hỏi đặt ra là nếu công ty môi giới làm ăn bậy bạ thì sao? chưa kể công ty còn tham gia hoạt động bán hàng đa cấp,” ông Hiếu nhấn mạnh.
Chỉ ra những rủi ro của mô hình cho vay ngang hàng, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico cho rằng, rủi ro tập trung về phía người cho vay, nếu công ty trung gian làm thay chức năng của tổ chức tín dụng cũng huy động và là người cho vay thì rủi sẽ rất lớn. Còn người đi vay rủi ro là gần như không có nhưng sẽ bị sức ép trả nợ, sức ép lãi suất cao, người cho vay có thể sử dụng các biện pháp để thu giữ số tài sản còn lại và khởi kiện ra tòa nếu người đi vay không trả được nợ, thậm chí là cả “đe dọa”.
Ngoài ra việc chưa được cấp phép thì tính pháp lý của hợp đồng giao dịch điện tử cũng đang bị bỏ ngỏ. Ông Phạm Xuân Hoè, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho rằng, phải nhìn nhận lại hợp đồng dân sự trên góc độ ký kết giao dịch trên mạng điện tử, các chứng từ điện tử đó được lưu giữ trên các cơ sở giữ liệu đấy. Nhưng câu chuyện về chính sách vẫn đang còn một khoảng trống rất lớn, cần phải bù đắp.
Theo quy định hiện hành, chỉ các tổ chức tín dụng mới được phép huy động và cho vay vốn. Khi vẫn nằm “ngoài vòng pháp luật”, thì cả người đi vay và người cho vay đều không nhận được sự bảo vệ của pháp luật khi có tranh chấp xảy ra.
Ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Trưởng tư vấn chiến lược công nghệ mới cho ngành ngân hàng, KPMG khuyến cáo: “Khi phát sinh tranh chấp thì chúng ta chưa có một khung pháp lý để điều chỉnh, đó là rủi ro phải chú ý tới. Nên có những điều khoản rõ ràng, phải tìm hiểu kỹ đâu là người cung cấp dịch vụ cho mình, trách nhiệm của họ là gì. Phải tìm hiểu rất kỹ khi tham gia vào một lĩnh vực chưa có khung pháp lý.”
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cần nhanh chóng xây dựng hành lang pháp lý để điều chỉnh hoạt động này để có tránh rủi ro chung của xã hội.
Còn chuyên gia Cấn Văn Lực nhấn mạnh: “Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp để chặn các công ty P2P hoạt động tín dụng đen trá hình, song quan điểm của tôi là không nên cấm, mà cũng không thể cấm được mô hình này. Đây là một xu thế tất yếu, là một sáng tạo của thời đại ngân hàng số. Chúng ta cần phải chấp nhận và có biện pháp quản lý để hạn chế rủi ro cho các bên tham gia.”
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()