Cho vay hộ cận nghèo ở Văn Quan: Giúp người dân thoát nghèo bền vững
(LSO) – Những năm qua, chương trình cho vay vốn hộ cận nghèo do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Văn Quan triển khai đã giúp nhiều gia đình vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Ông Hoàng Tuấn Nghị, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Văn Quan cho biết: Chương trình cho vay hộ cận nghèo được thực hiện trên địa bàn huyện từ năm 2013. Đối tượng vay vốn là hộ cận nghèo có tên trong danh sách được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận theo chuẩn hộ cận nghèo được Thủ tướng Chính phủ quy định từng thời kỳ. Chương trình là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững, bởi lẽ các hộ cận nghèo thường không có tiềm lực về kinh tế, thiếu vốn sản xuất nên họ chưa có điều kiện thoát nghèo.
Văn Quan là một trong những huyện còn nhiều khó khăn về kinh tế, do vậy nguồn vốn ưu đãi, đặc biệt là chương trình vay vốn cho hộ cận nghèo góp phần quan trọng để người dân yên tâm, phát triển kinh tế. Theo số liệu thống kê từ NHCSXH huyện, đến nay, toàn huyện có gần 1.500 hộ cận nghèo đang sử dụng vốn chương trình với tổng dư nợ đạt trên 70,8 tỷ đồng, tăng 8,1 tỷ đồng so với 31/12/2019 (đây là huyện có dư nợ chương trình cho vay hộ cận nghèo lớn nhất trong toàn tỉnh), trong đó, riêng 6 tháng đầu năm 2020, phòng giao dịch đã giải ngân 17,3 tỷ đồng cho gần 300 hộ vay.
Người dân xã Hòa Bình sử dụng vốn vay ưu đãi để trồng rừng
Từ năm 2019 đến nay, chương trình được nâng mức vay từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ, thời gian vay nâng lên tối đa 10 năm. Qua đó, chương trình đã mở ra cơ hội giúp nhiều gia đình đầu tư các mô hình kinh tế như: trồng hồi, keo, bạch đàn; chăn nuôi trâu, bò, lợn; trồng cây ăn quả… Gia đình bà Hoàng Thị Nhung, thôn Bản Chặng, xã Hữu Lễ trước đây thuộc diện nghèo, năm 2019, gia đình bà mặc dù thoát nghèo nhưng vẫn thuộc diện hộ cận nghèo, kinh tế khó khăn và thiếu vốn sản xuất. Được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tuyên truyền về chương trình cho vay ưu đãi hộ cận nghèo, gia đình bà đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng. Bà Nhung cho biết: “Gia đình tôi sử dụng vốn để chăm sóc 4 ha, trồng mới 1 ha rừng hồi và keo. Một phần vốn được gia đình đầu tư chăn nuôi gà, lợn. Nhờ số vốn vay, gia đình tôi có nguồn đầu tư, phát triển kinh tế. Dự tính sang năm 2021, một số diện tích rừng bắt đầu cho thu hoạch đem lại nguồn thu đáng kể, gia đình tôi không còn lo bị tái nghèo”.
Không chỉ gia đình bà Nhung, chương trình cho vay hộ cận nghèo đã thực sự trở thành nguồn lực tiếp sức cho nhiều hộ. Hiện nay, các xã đang sử dụng nguồn vốn lớn từ chương trình như: An Sơn 11,7 tỷ đồng, Bình Phúc 7,4 tỷ đồng, Tri Lễ 6,1 tỷ đồng, Hữu Lễ 5 tỷ đồng… Ông Bế Văn Diên, Chủ tịch UBND xã Hữu Lễ cho biết: Hữu Lễ là xã đặc biệt khó khăn của huyện. Những năm qua, cùng với các chương trình khác, chương trình cho vay hộ cận nghèo đã giúp nhiều hộ cận nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định và thoát nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã trung bình 10% mỗi năm.
Để thực hiện hiệu quả chương trình cho vay, hằng năm, UBND các xã chủ động lập danh sách các hộ cận nghèo đồng thời tìm hiểu nhu cầu vay vốn của người dân. Trên cơ sở đó, ngân hàng giải ngân nguồn vốn nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng. Ngoài ra, Phòng giao dịch NHCSXH huyện phối hợp với chính quyền cơ sở cùng các tổ chức hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn nên các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, chương trình không có nợ quá hạn…
Hiệu quả của chương trình đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn huyện, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững của huyện. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 16,11% giảm 9,54% so với năm 2018.
Ý kiến ()