Cho vay giải quyết việc làm: Hỗ trợ tạo việc làm cho người dân
(LSO) – Nhờ nguồn vốn ưu đãi từ chương trình cho vay giải quyết việc làm (GQVL) của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã giúp hàng nghìn gia đình trên địa bàn tỉnh có vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm mới, nâng cao thu nhập.
Ông Nguyễn Văn Điều, khu Cầu 10, thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng chia sẻ: Kinh tế gia đình tôi trước đây gặp rất nhiều khó khăn do các thành viên trong gia đình không có việc làm ổn định. Năm 2006, được sự tư vấn, giới thiệu của Hội Cựu chiến binh xã, tôi tham gia tổ tiết kiệm và vay vốn, được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn GQVL để ươm cây và trồng cây lâm nghiệp. Từ số tiền được vay, gia đình đã đầu tư một phần trồng cây, một phần làm vườn ươm hom giống keo và bạch đàn. Đến năm 2018, gia đình tiếp tục vay vốn chương trình GQVL 50 triệu đồng để trồng cây keo và mở rộng vườn ươm từ 1.500 m2 lên 2.500 m2. Mỗi năm gia đình tôi xuất bán ra thị trường hơn 300 nghìn cây giống, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, duy trì việc làm cho 2 lao động tại gia đình.
Bà Lương Thị Vinh, khu 1, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng sử dụng nguồn vốn chương trình giải quyết việc làm phát triển chăn nuôi có hiệu quả
Không chỉ gia đình ông Điều, từ khi triển khai đến nay, chương trình cho vay GQVL của NHCSXH đã hỗ trợ tạo việc làm cho hơn 162 nghìn lao động vùng nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh. Hầu hết nguồn vốn được đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng rừng và kinh doanh dịch vụ. Từ sử dụng tốt nguồn vốn, các mô hình sản xuất, kinh doanh như: rừng thông, bạch đàn, phát triển đàn lợn, gia cầm và các cửa hàng kinh doanh dịch vụ đã từng bước mở rộng về quy mô, chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân.
Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: Để giải ngân kịp thời và quản lý tốt nguồn vốn chương trình này, Chi nhánh NHCSXH tỉnh chỉ đạo phòng giao dịch các huyện tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân về chính sách vốn. Các phòng giao dịch đã chủ động rà soát đối tượng, phân bổ nguồn vốn sát với nhu cầu của các xã, thị trấn, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn để triển khai nguồn vốn theo chỉ tiêu, kế hoạch giao. Từ thực tế nhu cầu vay vốn chương trình GQVL của người dân rất lớn, bắt đầu từ năm 2018, chi nhánh đã tham mưu với UBND tỉnh cho phép sử dụng vốn thu hồi về của chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng như vốn bổ sung từ ngân sách địa phương hằng năm được sử dụng tối đa 70% để cho vay tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh của người dân.
Theo đó, trong năm 2018, chương trình cho vay GQVL là một trong 5 chương trình có tăng trưởng dư nợ lớn nhất. Đến giữa tháng 3/2019, chi nhánh đã thẩm định, giải ngân trên 7,2 tỷ đồng cho 212 hộ vay. Đến nay, tổng dư nợ chương trình GQVL đạt trên 116 tỷ đồng, tăng gần 40 tỷ đồng so với năm 2017, với 3.874 hộ còn dư nợ.
Bên cạnh triển khai giải ngân vốn, NHCSXH tỉnh chú trọng phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thu nợ, thu lãi đến hạn. Qua đó, hầu hết các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, trả nợ gốc và lãi đúng kỳ hạn. Năm 2018, doanh số thu nợ là 41,5 tỷ đồng; nợ quá hạn giảm 106,5 tỷ đồng so với năm 2017 (chiếm tỷ lệ 0,45%).
NHCSXH thực hiện cho vay chủ yếu thông qua các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác. Riêng đối với chương trình GQVL, người vay phải lập dự án, sau đó tổ chức hội tiến hành thẩm định, đánh giá tính khả thi của dự án, nhằm đảm bảo chất lượng chương trình tín dụng vốn. Thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục căn cứ vào thực trạng, nhu cầu lao động ở các huyện, thành phố, đến từng xã, thị trấn để giải ngân cho vay chính xác các dự án vốn. Đồng thời, không ngừng tạo điều kiện cho các hộ dân mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
KIM HUYÊN
Ý kiến ()