Cho thành phố thêm xanh
LSO-Mặc dù đã được quan tâm đầu tư, song việc phát triển cây xanh đường phố trên địa bàn thành phố Lạng Sơn còn bộc lộ những hạn chế. Nhằm xây dựng thành phố trở thành đô thị văn minh, hiện đại, chính quyền thành phố chú trọng quy hoạch, quản lý và phát triển cây xanh theo hướng bền vững.
Nhân viên Chi nhánh Thoát nước đô thị, thành phố Lạng Sơn chăm sóc cây xanh trên đường Hùng Vương |
Những năm qua, việc phát triển cây xanh đường phố ở thành phố nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành và nhân dân. Nhiều đường phố được trồng mới, trồng bổ sung cây xanh, cùng với các công trình kiến trúc đã tạo nên diện mạo mới cho thành phố.
Hiện thành phố có gần 6.500 cây xanh được trồng dọc các tuyến phố. Theo khảo sát của ngành chức năng, diện tích đất có thể trồng cây xanh đường phố trên địa bàn thành phố Lạng Sơn là hơn 39 ha, bình quân là 5,72 m2/người. Tuy nhiên, hiện nay cây xanh chưa được trồng đầy đủ trên các tuyến đường, bình quân diện tích đất đã trồng cây xanh/người ở khu vực nội thành mới đạt 0,66 m2/người (trong khi tiêu chuẩn phải đạt 2 – 2,3 m2/người). Cây xanh đường phố ở thành phố có tới 94 chủng loại nhưng được trồng phân tán, chưa thống nhất, trên cùng một tuyến có nhiều loại cây, trong đó có cả loại cây thuộc danh mục cấm trồng và danh mục hạn chế trồng, kích thước cây cũng khác nhau; ngoài những cây đang phát triển tốt thì cũng có hàng trăm cây bị còi cọc, sâu bệnh, ảnh hưởng đến mỹ quan, đồng thời gây khó khăn cho việc quản lý và chăm sóc.
Trước thực tế trên, năm 2016, UBND thành phố Lạng Sơn đã chỉ đạo các ngành chức năng khảo sát, xây dựng phương án thiết kế trồng cây xanh trên từng tuyến phố đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên của Lạng Sơn như: cho hoa đẹp, bóng mát tốt, tạo cảnh quan đô thị. Theo đó, thành phố xác định 114 tuyến, đoạn đường phố (trên tổng số 140 tuyến) cần đầu tư trồng mới, trồng thay thế với hơn 7.800 cây. Thành phố cũng xây dựng phương án chi tiết trồng cây trên các tuyến đường phố có vỉa hè quy hoạch rộng 5 m, từ 4 – 5 m và từ 3 – 4 m với các loại cây chủ yếu như: sở, lát, muồng, hoa ban, lộc vừng, kim giao, phượng tím, dã hương, vàng anh… Cuối năm 2016, Đề án phát triển cây xanh đường phố trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo đã được UBND tỉnh phê duyệt. Ông Lê Trí Thức, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Trên cơ sở đề án được phê duyệt, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai trong năm 2017, giai đoạn 2017 – 2020 và những năm tiếp theo. Hiện thành phố đang rà soát lại các tuyến phố và thực hiện việc thay thế, trồng mới, trồng bổ sung cây xanh trên những tuyến phố chưa có theo đúng đề án.
Theo đề án phát triển cây xanh, giai đoạn 2017 – 2020, thành phố trồng 2.229 cây; sau năm 2020 trồng 5.589 cây; phạm vi thực hiện trên địa bàn 5 phường, các khu đô thị mới, khu tái định cư, dân cư, các trục đường chính. Từ đầu năm 2017 đến nay, từ đầu tư của nhà nước và nhân dân tự trồng, thành phố đã trồng gần 100 cây xanh đường phố. Anh Phan Quốc Mạnh, Đội trưởng Đội cây xanh, Chi nhánh Thoát nước đô thị, thành phố Lạng Sơn cho biết: Thực hiện nhiệm vụ quản lý, duy trì, cải tạo và phát triển cây xanh đô thị, hằng tháng, hằng quý, chúng tôi có kế hoạch cắt tỉa cây cảnh tạo hình và cây xanh bóng mát, tham mưu cho Phòng Quản lý đô thị thành phố về những cây bị sâu bệnh, cây không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để lên phương án thay thế. Để xây dựng các tuyến phố văn minh đô thị, đến giữa tháng 5/2017, chúng tôi đã trồng mới cây xanh, thảm cỏ trên vỉa hè 10 tuyến.
Thành phố Lạng Sơn đang tích cực chỉnh trang đô thị để đạt đô thị loại II vào năm 2018; thành phố cũng phấn đấu đến năm 2020, diện tích cây xanh đô thị bình quân đầu người đạt từ 8-10 m2. Cùng với tăng cường chỉ đạo, thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển cây xanh, thời gian tới, UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng, UBND các xã, phường đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ, chăm sóc và phát triển cây xanh đô thị để thành phố ngày càng xanh – sạch – đẹp.
VY THÚY HƯỜNG
Ý kiến ()