Cho rừng thêm xanh
(LSO) – Rừng đặc dụng Hữu Liên có diện tích trên 8.200 ha, song chỉ có 30 thành viên quản lý. Những ngày cuối năm, công tác tuần tra, bảo vệ rừng càng nặng nề hơn, thế nhưng các anh không một phút lung lạc ý chí mà miệt mài bám trụ, bảo vệ cho rừng thêm xanh.
Những ngày cuối năm, cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên vừa phải nghiệm thu khoán bảo vệ rừng, thanh lý hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng với các thôn vừa phải tuần rừng, canh lửa. Anh Hoàng Văn Hùng, cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên cho biết: Thời điểm cuối năm thời tiết hanh khô nên nguy cơ cháy rừng là rất cao. Cùng với đó, tập quán sống phụ thuộc vào rừng của các hộ dân ở những thôn sống trong lõi rừng đặc dụng như: hái rau rừng, đánh cá, hái củi, đốt cỏ khô vệ sinh nương rẫy… khiến nguy cơ cháy rừng càng cao hơn. Chính vì vậy, hằng ngày chúng tôi đều phải tuần rừng, tuyên truyền nhắc nhở người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng.
Cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên tuần tra bảo vệ rừng
Rừng đặc dụng Hữu Liên có diện tích 8.293,4 ha, hệ động thực vật phong phú và đa dạng. Hệ thực vật có 842 loài, nhiều loài có giá trị kinh tế cao như: hoàng đàn, nghiến, trai lý, thiết đinh… Không những thế, hệ thực vật nơi đây cũng rất quan trọng trong giá trị bảo tồn với 115 loài nằm trong sách đỏ. Diện tích rộng lớn song Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên chỉ có 30 cán bộ, trong đó 18 người làm nhiệm vụ chuyên trách tại 3 trạm: Lân Châu, (xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng) Mỏ Cấy (xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng), thôn Diễn (xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng). Nhiệm vụ của Ban Quản lý là quản lý địa bàn rừng, tuần tra bảo vệ rừng, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ rừng, hỗ trợ cộng đồng thực hiện các chính sách phát triển rừng… Trong đó, nhiệm vụ nặng nề nhất là tuần tra bảo vệ rừng.
Anh Nguyễn Hữu Hưng, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên cho biết: Mỗi cán bộ, chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng phải đảm nhiệm quản lý từ 300 đến 500 ha rừng, nếu chỉ dựa vào lực lượng này thì công tác bảo vệ rừng không phát huy hiệu quả. Chính vì vậy, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động và giao khoán cho các thôn, bản trong vùng cùng tham gia. Nhờ đó, lực lượng bảo vệ rừng không chỉ đông mà vì nó gắn với quyền lợi của người dân nên họ cũng tự nâng cao ý thức, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng. Nếu như trước đây chưa giao khoán thì chỉ có anh em Ban quản lý làm nhiệm vụ bảo vệ, đến nay, mỗi chuyến tuần rừng đều có từ 5 người tham gia, thời điểm nguy cơ cháy cao cả thôn cùng vào cuộc.
Đa số cán bộ ban quản lý đều không phải người bản địa, người gần nhất cũng cách cơ quan hơn 40 km, có người hơn 200 km, thường cuối tuần hoặc cả tháng mới về thăm nhà 1 lần. Chính vì vậy, mỗi dịp tết đến xuân về, người người, nhà nhà tất bật chuẩn bị sắm tết, đón xuân nỗi nhớ nhà của các cán bộ ở đây càng tăng lên.
Anh Hoàng Doãn Phú, cán bộ trạm bảo vệ rừng Lân Châu, xã Hữu Liên cho biết: Ở các trạm như chúng tôi tết đến đều được cơ quan quan tâm, sắm sửa đủ bánh chưng, thịt lợn, dưa hành và bánh kẹo… Đêm giao thừa, ngày đầu năm chúng tôi đều rất nhớ nhà, song còn nhiệm vụ được giao, bình yên của những cánh rừng nên chúng tôi không thể bỏ vị trí, bỏ nhiệm vụ. Biết vậy, bà con trong thôn thường xuyên đến thăm, động viên. Đây chính là động lực để chúng tôi tiếp tục công việc.
Mỗi chuyến tuần rừng kéo dài từ 1 đến 2 ngày thường xuyên phải ngủ lại trong rừng, mùa khô leo núi, vượt đồi đã khó, mùa mưa đường trơn, lũ rừng, muỗi vắt… công việc càng vất vả hơn nhưng các anh vẫn luôn hết mình với công việc. Bằng tình yêu nghề, yêu thiên nhiên, những cán bộ Ban Quản lý rừng đặc dụng Hữu Liên vẫn ngày ngày gắn bó với rừng, với bà con khu vực để bảo vệ thiên nhiên nơi đây. Những ngày cuối năm, người người, nhà nhà đang chuẩn bị chào đón năm mới, trong những cánh rừng thâm u của Hữu Liên vẫn có những cán bộ hy sinh hạnh phúc của bản thân cần mẫn tuần tra, bảo vệ, vì sự bình yên của những cánh rừng.
Ý kiến ()