Chợ rau vắng khách
Một tuần sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, nhiều mặt hàng rau củ ở các chợ tại Hà Nội không hề tăng giá. Một số mặt hàng thậm chí còn giảm so với truớc Tết. Người trồng rau ở nhiều vùng nông thôn khó tiêu thụ sản phẩm...
Giá rau giảm, vẫn vắng người mua
Dạo một vòng quanh các chợ ở Hà Nội, chúng ta khá bất ngờ với giá của một số mặt hàng rau, quả. Tại các chợ lớn như chợ Vĩnh Tuy, chợ Khâm Thiên, qua khảo sát các mặt hàng rau, quả những ngày này đều có giá rẻ hơn nhiều so với năm ngoái: hành 6.000 đồng/kg, cà chua 7.000 đồng/kg, chanh 20 đến 25.000 đồng/kg, giá 8.000 đồng/cân… Các mặt hàng thiết yếu như hành, giá đỗ, su hào đều rất rẻ. Tiếp tục khảo sát ở chợ Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy), chợ chủ yếu lấy nguồn rau từ các chợ đầu mối, nhìn chung giá cả các mặt hàng rau củ vẫn ổn định: chanh 28.000 đồng/kg, cà chua 9.000 đồng/kg, giá 14.000 đồng/kg. Trong khi đó, các loại thực phẩm như thịt bò có tăng nhẹ từ 250 đến 300.000 đồng/kg. Thịt lợn 100 đến 110.000 đồng/cân… So với năm ngoái, nhiều người lo lắng sau Tết năm nay kinh tế khó khăn, các mặt hàng vì thế cũng đắt đỏ và giá cả trên trời. Thế nhưng, tại buổi chợ đầu năm nhiều người dân cho biết các mặt hàng có giá vừa phải, người mua cũng dễ dàng chọn lựa.
Bà Lê Thị Hoài bán rau tại chợ Vĩnh Tuy cho biết, Tết năm nay thời tiết thuận lợi, nắng ấm nên rau quả cũng phát triển tốt. Rau tại các chợ không khan hiếm so với thời điểm sau Tết như năm ngoái. Tuy vậy, số lượng người mua ít nên giá cả cũng giảm đáng kể.
Rau cần, rau cải cúc, bắp cải, su hào… là những loại rau thường được chọn để phục vụ các bữa ăn hằng ngày cũng có giá khá rẻ. Ngay tại chợ Vĩnh Tuy, những củ su hào to cũng chỉ bán với giá 1.000 – 1.500 đồng/củ. Do nhiều gia đình với tâm lý các mặt hàng đội giá sau Tết nên đã dự trữ rau củ từ trước. Chính vì vậy mà tại các chợ thời điểm đầu năm số lượng người dân đi chợ không đông. Số lượng người mua hàng ít nên giá cả thực phẩm cũng đồng loạt giảm theo.
Một tiểu thương tại chợ Kim Liên cho hay: “Chưa năm nào tôi bán các loại rau lại rẻ như năm nay. Người mua ít lắm nên phải hạ giá mà cạnh tranh bán hàng, như năm ngoái, rau cần còn bán được từ 10 đến 15.000 đồng/mớ.
Vậy mà năm nay chỉ bán được với giá 6.000 đến 8.000 đồng là cao nhất. Súp lơ 8.000 đồng/kg, cải cúc 2.000 đồng/mớ”. Tại một số siêu thị như Intimex, Hapro… các loại mặt hàng rau củ vẫn giữ nguyên giá, bảo đảm bình ổn giá cả thị trường cho người tiêu dùng.
Đối với mặt hàng thủy sản tuy có tăng nhưng so với mọi năm không đáng kể. Tại chợ Bắc Qua, giá cá quả vẫn duy trì ở mức 90.000 đồng/kg, tôm sú dao động từ 350 đến 600.000 đồng/kg. Chị Liên, chủ một cửa hàng tại phố Thể Giao ghi nhận, mọi năm, thời điểm sau Tết mọi người hay mua cá tôm về ăn lẩu nhưng năm nay kinh tế không thuận lợi, người dân không còn chi mạnh tay cho các bữa ăn nữa. Có mua cũng chỉ lác đác, và số lượng mua thì ít hơn năm ngoái. Do đó, các loại hải sản có giá trị như cua ghẹ, tôm hùm…cũng ít thấy.
Nông dân gặp khó
Giá rau củ giảm, tư thương ép giá, những người nông dân trồng rau cũng gặp nhiều khó khăn. Anh Trí với sọt rau xanh bán rau tại chợ đầu mối Long Biên đã được hơn chục năm, kể về cái nghề trồng rau vất vả: “Từ mồng 4 Tết, tôi đã chở rau đi bán rồi, năm nay đuợc mùa vì thời tiết đẹp, cứ tưởng ra Tết bán được nhưng ai dè phải giảm giá vì chẳng có người mua mà không bán thì ế. Cái nghề trồng rau này cực lắm cô ạ, những năm được mùa thì lại mất giá, được giá thì lại mất mùa, nhà tôi có hơn một mẫu ruộng, tính ra là gần 10 sào, sau mỗi một vụ, trừ đi tiền phân bón, giống thì may ra lãi được gần 600, 700.000 đồng một sào, cố lắm mới đủ miệng ăn và lo cho con cái đi học”.
Đấy là chưa kể những người nông dân được thương lái thu mua. Họ bị ép xuống giá thấp nhất, đặc biệt là trong những ngày sau Tết này, giá rau củ đang giảm mạnh. Những mặt hàng rau củ như súp lơ 6.000 đồng/bông, những ngày mất giá họ thu mua với giá 1.000 đồng/bông sau đó đưa lên chợ đầu mối bán với giá hời. Tính trung bình một ngày họ thu mua từ 5 đến 60 tấn nông sản của người nông dân, mỗi chuyến như vậy họ lãi được từ 1 đến 2 triệu đồng. Những người nông dân nghèo, không có xe tải, không tự chở lên chợ để bán đành phải chấp nhận bán cho thương lái nếu không cũng chẳng biết bán được cho ai. Sau khi thu mua, các mặt hàng nông sản sẽ tiếp tục được đưa đến các chợ đầu mối như Long Biên, Ngã Tư Sở, Hà Đông… Từ đây, các loại rau củ lại được đưa đến những chợ đầu mối nhỏ như Dịch Vọng (Cầu Giấy), Giảng Võ… Tiếp đến là các cửa hàng đồ ăn, nhà hàng, đến đây giá thành các sản phẩm rau đã đội lên không biết bao nhiêu lần. Người tiêu dùng phải mua rau củ với giá thành đắt đỏ, trong khi đó người nông dân phải bán công sức của họ với giá thành rẻ mạt.
Giá thành rau củ giảm sau Tết là niềm vui của những người mua hàng, nhưng lại là nỗi buồn lớn đối với người nông dân. Bởi lẽ công sức và thời gian họ bỏ ra cho một vụ rau đổi lại chẳng được bao nhiêu. “Cuộc sống của người nông dân cũng bấp bênh như chính giá nông sản của họ”.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()