Thứ 6, 22/11/2024 22:53 [(GMT +7)]
Chợ quê - nơi hàng Việt lên ngôi
Thứ 6, 31/08/2012 | 10:50:00 [(GMT +7)] A A
Theo quy hoạch phát triển nông thôn Lạng Sơn 2011-2020, toàn tỉnh có trên 70% dân số sống ở nông thôn, các mặt hàng tiêu dùng của người dân nông thôn chủ yếu thông qua các chợ. Và khi hàng Việt đã tập trung tại các chợ nông thôn sẽ góp phần làm thay đổi thị hiếu tiêu dùng, đây sẽ là nơi hàng Việt cất cánh.
LSO-Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ngày càng phát triển sâu rộng và thu hút nhiều người dân hưởng ứng. Hàng Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng. Đặc biệt là ở chợ nông thôn, hàng Việt đã chiếm ưu thế tuyệt đối.
Sau lần đi kiểm tra thị trường nông thôn, thống kê các làng nghề, ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh vui mừng cho chúng tôi biết: “Giờ ở các chợ nông thôn, hàng Việt Nam đã chiếm ưu thế, đặc biệt các mặt hàng như quạt điện, động cơ, máy công tác, thức ăn chăn nuôi nhìn đâu cũng toàn hàng Việt Nam. Cũng chính vì thế mà hầu như không còn hiện tượng đồ điện, quạt điện Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam như những mùa hè năm trước”. Đúng như nhận xét của ông Lợi, dạo nhiều phiên chợ ở nông thôn chúng tôi thấy cơ bản hàng bày bán là hàng Việt Nam. Nếu làm phép tính so sánh thì cách đây chưa lâu cũng những phiên chợ này hàng ngoại bày la liệt, từ những vật dụng đơn giản nhất như cây kim, sợi chỉ đến máy cày tay, máy bơm nước, máy thái thức ăn gia súc, thuốc bảo vệ thực vật, quần áo, hàng tạp hóa đều có xuất xứ Trung Quốc. Ngay sau khi cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt do Bộ Chính trị phát động, phong trào dùng hàng Việt bắt đầu nhen lên ở nhiều địa phương. Khởi đầu cho phong trào này là Sở Công thương đã vận động các doanh nghiệp đưa hàng Việt Nam sản xuất tại Lạng Sơn và trong nước về nông thôn. Ngay những lần tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn ở Văn Quan, Hữu Lũng, thành phố Lạng Sơn đã thu hút đông đảo người dân nông thôn tham gia. Có những mặt hàng sản xuất trong tỉnh chiếm ưu thế tuyệt đối như máy bơm nước thương hiệu Bảo Long, đồ gia dụng của Công ty Gốm sứ Hưng Thịnh, bánh kẹo của công ty Thành Long. Các mặt hàng gia dụng, may mặc sản xuất trong nước đã được người tiêu dùng nông thôn ưa chuộng. Ông Phạm Đình, cán bộ nghỉ hưu tại xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng nhận xét, chỉ qua mấy năm mà không ngờ hàng Việt Nam lại có bước phát triển vượt trội như vậy. So sánh sản phẩm gốm sứ Hưng Thịnh với các sản phẩm của Trung Quốc thì hàng Việt vượt trội về mẫu mã và độ dày dặn. Nhiều người dân nông thôn cứ đợi phiên chợ mới đi mua đồ vì khi ấy tập trung rất nhiều hàng Việt. Theo quy hoạch hệ thống chợ, toàn tỉnh Lạng Sơn hiện nay có 90 chợ. Trong đó có 1 chợ đầu mối, 5 chợ loại 1, 16 chợ loại 2, 68 chợ loại 3. Chợ loại 3 ở đây chủ yếu là chợ nông thôn. Nhiều chợ nông thôn có quy mô lớn, mỗi phiên chợ thu hút hàng ngàn người họp. Những chợ tiêu biểu như chợ Bản Ngà, Tân Thành (Cao Lộc) Pắc Khuông, Văn Mịch (Bình Gia), Chiến Thắng, Vũ Lễ (Bắc Sơn) thu hút rất đông tiểu thương từ các vùng miền về giao lưu thương mại. Cũng do nhu cầu tiêu thụ hàng Việt tăng, rất nhiều tiểu thương thuê xe chở hàng đến các phiên chợ để bán. Anh Hoàng Văn Khôn, trú tại đường Lê Đại Hành, thành phố Lạng Sơn cho biết, mỗi phiên chợ huyện anh đều chở hàng đi bán và bán dễ nhất vẫn là hàng Việt Nam. Vì hàng có giá rẻ, sản xuất trong nước nên phù hợp với mẫu mã người tiêu dùng, hỏng hóc có thể đổi. Ngay như mặt hàng quạt điện cơ anh mang đi tiêu thụ khi hỏng cánh, hoặc tuốc năng chỉ phiên chợ sau người dân mua được ngay bộ phận thay thế do chính công ty cung cấp. Và các mặt hàng Việt khác cũng được bảo hành tương tự. Có mặt tại phiên chợ Bản Ngà, chúng tôi thấy hàng Việt Nam chiếm ưu thế tuyệt đối ở chợ. Hàng Việt càng nhiều bao nhiêu thì lượng hàng ngoại càng giảm đi bấy nhiêu. Chị Vi Thị Liên, thôn Pắc Đông, xã Gia Cát cho biết, trước đây chị mua thức ăn gia súc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật toàn hàng Trung Quốc, nhưng giờ đây các mặt hàng ấy không thể cạnh tranh với hàng Việt được nên tự nhiên mất đi. Người bán hàng cũng không nhập về bán. Chị cũng khẳng định giờ hàng Việt Nam đã đủ tin tưởng để người tiêu dùng ưa chuộng.
Theo quy hoạch phát triển nông thôn Lạng Sơn 2011-2020, toàn tỉnh có trên 70% dân số sống ở nông thôn, các mặt hàng tiêu dùng của người dân nông thôn chủ yếu thông qua các chợ. Và khi hàng Việt đã tập trung tại các chợ nông thôn sẽ góp phần làm thay đổi thị hiếu tiêu dùng, đây sẽ là nơi hàng Việt cất cánh.
Đông Bắc
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()