Thứ 4, 25/12/2024 13:28 [(GMT +7)]
Chợ phiên Kỳ Lừa trong hình ảnh du lịch Xứ Lạng
Thứ 2, 25/04/2011 | 21:34:00 [(GMT +7)] A A
LSO- Chợ Kỳ Lừa, thành phố Lạng Sơn được rất nhiều người biết tới. Bởi chợ Kỳ Lừa trong mấy năm trở lại đây luôn là một điểm du lịch mua sắm hấp dẫn của du khách gần xa. Hiện nay, bên cạnh khu chợ mang dáng dấp hiện đại thì vẫn còn một góc chợ mang những nét văn hóa truyền thống, rất đặc trưng, đó là chợ phiên.
Một nét chợ truyền thống
Trong vai người đi tìm mua một vài cây tùng la hán, tôi đã được nhiều người giới thiệu tìm đến đường Thân Công Tài (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn) ngay gần kề với cổng phía Đông của chợ Kỳ Lừa vào các chợ phiên ngày 2, ngày 7 âm lịch hàng tháng. Đến chợ, nhìn quang cảnh họp chợ của bà con với người mua người bán tấp nập, huyên náo đúng ngày chợ phiên khiến tôi thảng nghĩ, giữa bộn bề cảnh phố xá hiện đại lại có một góc chợ phiên vẫn hết sức mộc mạc, bình dị như thế thì cũng thật đáng trân trọng. Theo nhiều người cao tuổi thì chợ phiên ngày xưa đã tấp nấp từ tối hôm trước rồi và những nét truyền thống của chợ phiên hiện nay chính là một trong những nét văn hóa đặc trưng, truyền thống vốn có chợ Kỳ Lừa xưa kia mà thôi. Tuy nó còn rất ít, thậm chí chỉ mang dáng dấp của chợ truyền thống, song như thế cũng rất vui, rất ý nghĩa…
Cây giống được bán ở chợ phiên Kỳ Lừa
Gọi là chợ nhưng thực ra chỉ là một đoạn đường cỡ chừng 300 m và quanh quanh khu vực đền Tả Phủ – nơi thờ Thân Công Tài, người đã có công khai lập ra phố chợ Kỳ Lừa, ngay kế bên với chợ đêm Kỳ Lừa hiện nay. Tôi dám chắc rằng, bắt gặp quang cảnh họp chợ của bà con vào ngày chợ phiên mỗi người sẽ có được những cảm nhận thú vị. Quả thật, đến với chợ, người mua có thể tìm được những sản phẩm, vật dụng hết sức đơn giản nhưng lại cần thiết trong đời sống thường ngày, đặc biệt là đối với bà con ở nông thôn. Từ đôi quang gánh, chiếc làn tre, cho đến chiếc bu gà, lưỡi cuốc, xẻng, con dao quắm, đôi ủng, đôi giầy, rồi hạt giống, cây giống, rồi quần áo… đều có cả. Chỉ nói cây giống thôi cũng đa dạng vô cùng. Người mua có thể tìm mua được các loại cây: lát, hoàng đàn, tùng la hán, sa mộc, hồi và các loại cây ăn quả như: ổi, đào, khế, bưởi, chanh, xoài, mít…Nói chung, người mua có thể lựa chọn tùy thích theo ý mình. Anh Lê Đính (xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn) – người mang cây giống ra chợ phiên bán cho biết, có ngày chợ cũng bán được hết số cây giống mang ra, nhưng bán ở chợ cũng như một cách giới thiệu để bà con biết đến. Nếu cần số lượng lớn thì người mua xuống tận nhà…
Ngồi trò chuyện với anh Đính và xem mọi người mua hàng thấy, khách đến chợ khá đa dạng. Không chỉ có bà con ở nông thôn ra mua mà có nhiều người ở phố cũng đến chọn mua một vài cây về trồng làm cây cảnh. Tìm hiểu được biết, vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch hàng tháng chợ phiên sẽ họp. Nhưng cũng chỉ họp vào buổi sáng và trong đó chợ phiên ngày 7 có vẻ đông hơn thì phải. Về người mang hàng đến chợ bán có người từ Lộc Bình ra, từ Đồng Đăng xuống, nhưng cũng có người ở ngay xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn ra,…với đủ mặt hàng phong phú nhưng xét ra các mặt hàng đều rất thiết thực với đời sống của bà con; rồi còn thấy cả bà con dân tộc ở Cao Lộc đến chợ bán những sản phẩm do mình sản xuất ra như mật ong, hương, giấy bản,… Anh Nông Văn Sáng (thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình)- một người mang hàng đến chợ phiên bán nhiều năm nay cho hay, cứ 5 ngày anh lại đến chợ một lần. Những mặt hàng anh mang bán cũng chỉ đơn giản như: giầy, ủng, lưỡi cuốc, xẻng, dây thừng… nhưng bán cũng được. Khách chủ yếu là bà con dân tộc ra mua những vật dụng thiết yếu phục vụ cho lao động sản xuất, sinh hoạt thường ngày. Còn bác Nhị ở xã Hoàng Đồng thì đi chợ chỉ bán đơn giản một mặt hàng là quang gánh và bu gà…
Cần quan tâm phát triển chợ phiên thành điểm du lịch hấp dẫn
Dạo quanh chợ phiên buổi sáng ngày 27/2 và 17/3 âm lịch vừa qua thấy, tuy chợ chỉ họp mang tính chất tự phát, theo kiểu chợ trời nhưng cũng rất tấp nập. Nó đã gợi lại trong nhiều người cảm xúc về những buổi chợ phiên xưa kia và khiến ta liên tưởng đến các chợ phiên ở Hà Giang, Sa Pa. Theo nhiều tài liệu ghi chép và người già kể lại thì chợ phiên Kỳ Lừa hôm nay tuy không còn được như xưa do những tác động của thời gian, sự phát triển của xã hội nhưng những gì là truyền thống thì chắc chắn sẽ vẫn trường tồn. Đó là một quy luật tất yếu của sự phát triển.
Bà con dân tộc đến chợ phiên trao đổi mua bán hàng hóa
Khi đặt chợ Kỳ Lừa trong tổng thể mối quan hệ với các khu, điểm du lịch trên địa bàn, rõ ràng hình ảnh của chợ Kỳ Lừa vẫn rất đậm nét. Nói đến chợ Kỳ Lừa thì ai cũng nhớ ngay đến Xứ Lạng. Chị Lê Thị Quyên – du khách đến từ Bắc Kạn cho hay, chị đến Lạng Sơn lần đầu nhưng kiểu gì cũng phải đến được chợ Kỳ Lừa vì nghe nói nhiều rồi… Đúng là hình ảnh chợ Kỳ Lừa đã ghi dấu trong tiềm thức của nhiều người. Song có thể thấy một thực tế là, nhiều du khách lại chưa biết đến góc chợ phiên này là mấy, mà chủ yếu là người bản địa là chính. Nhưng cũng do chợ chỉ họp theo phiên và vào buổi sáng; thứ nữa, đây cũng không có chỉ dẫn…
Từ thực tế trên thiết nghĩ, nếu chợ phiên ở Kỳ Lừa được đầu tư phát triển đúng mức trên cơ sở phát huy những nét văn hóa truyền thống thì tin rằng đó sẽ là một điểm du lịch hấp dẫn và ý nghĩa với du khách. Bên cạnh đó, việc quan tâm xâu chuỗi điểm du lịch chợ phiên Kỳ Lừa, chợ đêm Kỳ Lừa với các điểm tham quan khác trên địa bàn để tạo ra sự phong phú, hấp dẫn cho các tua du lịch cũng hết sức cần thiết.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()