Cho phép thừa phát lại chính thức hoạt động trong cả nước
Sáng 26-11, với 76,32% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại. Theo đó, sẽ chấm dứt việc thí điểm và cho phép thừa phát lại chính thức hoạt động trong phạm vi cả nước.
Theo nghị quyết, Quốc hội ghi nhận kết quả đạt được trong việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 và Nghị quyết số 36/2012/QH12 của Quốc hội. Chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi cả nước kể từ ngày 1-1-2016.
Quốc hội giao Chính phủ căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, tổ chức thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi hành nghề theo quy định hiện hành, có sự sửa đổi, bổ sung cần thiết để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động thừa phát lại và chịu trách nhiệm tổ chức đào tạo nghề thừa phát lại.
Các tổ chức thừa phát lại được thành lập theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 và Nghị quyết số 36/2012/QH12 của Quốc hội tiếp tục hoạt động theo quy định của Nghị quyết này cho đến khi Quốc hội ban hành Luật Thừa phát lại.
Chính phủ phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao triển khai thi hành nghị quyết và chuẩn bị dự án Luật Thừa phát lại, báo cáo Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIV.
Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu về dự thảo nghị quyết, bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết, việc thí điểm chế định Thừa phát lại là nội dung quan trọng trong chiến lược cải cách tư pháp. Mặc dù còn có những hạn chế, bất cập nhưng qua hai giai đoạn thí điểm, hoạt động thừa phát lại đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng, phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và yêu cầu của Hiến pháp 2013. Các tổ chức thừa phát lại đã xác lập được vị trí nhất định trong đời sống xã hội, tạo lập một loại hình dịch vụ pháp lý mới để người dân và cơ quan Nhà nước lựa chọn.
Với tính chất là một loại hình dịch vụ pháp lý được thí điểm, trong điều kiện thể chế chưa đầy đủ, lại chịu tác động của nhiều yếu tố không thuận lợi cả về chủ quan lẫn khách quan, nên khó tránh khỏi những hạn chế, bất cập. Tuy nhiên, kết quả thí điểm (kể cả mặt ưu điểm và các tồn tại, hạn chế) đã cung cấp khá đầy đủ, toàn diện cơ sở thực tiễn để quyết định về vấn đề này. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép chấm dứt việc thí điểm và cho phép thừa phát lại chính thức hoạt động trong phạm vi cả nước.
Có ý kiến đề nghị ban hành Pháp lệnh Thừa phát lại, sau một thời gian thực hiện sẽ tiến hành tổng kết để xây dựng Luật Thừa phát lại; có ý kiến đề nghị ban hành ngay Luật Thừa phát lại.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tổ chức và hoạt động thừa phát lại là lĩnh vực mới, phải được điều chỉnh bằng luật. Việc ban hành nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật hoặc pháp lệnh để điều chỉnh vấn đề này là chưa phù hợp. Tuy nhiên, việc ban hành luật cần có thời gian và bảo đảm trình tự theo luật định. Với việc Quốc hội cho phép chấm dứt thí điểm, cần có văn bản quy định trong thời gian chuyển tiếp, làm căn cứ cho tổ chức và hoạt động của các tổ chức thừa phát lại từ thời điểm chấm dứt thí điểm cho đến khi Quốc hội ban hành luật về vấn đề này.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()