Cho phép nhiều chủ thể đầu tư vào lĩnh vực nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng vừa công bố dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để lấy ý kiến nhân dân trước khi trình Chính phủ ban hành. Dự thảo Nghị định đưa ra nhiều quy định mới nhằm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
|
Nhà ở xã hội tại Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm , Hà Nội) đang |
Nhằm khuyến khích nhiều chủ thể đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, dự thảo Nghị định đưa ra quy định “mở” cho phép tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế trong nước, nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia đầu tư phát triển nhà ở thương mại; đầu tư phát triển xã hội theo dự án để cho thuê, cho thuê mua, bán đối với các đối tượng theo quy định của Luật Nhà ở.
Để đáp ứng nhu cầu ở của những hộ gia đình đông người, nhiều thế hệ, dự thảo Nghị định đã cho phép thiết kế nhà ở xã hội với nhiều mức diện tích khác nhau, nhưng không vượt quá 90m2.
Với nhà ở xã hội là nhà chung cư thì căn hộ phải được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế mỗi căn hộ có diện tích tối thiểu là 25 m2 sàn, tối đa không quá 90 m2 sàn, bảo đảm phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tỷ lệ số căn hộ trong dự án phát triển nhà ở xã hội có diện tích sàn từ 25 m2 đến dưới 30 m2 và từ trên 70 m2 đến dưới 90 m2 không quá 20% tổng số căn hộ.
Trường hợp nhà ở xã hội là nhà ở liền kề thấp tầng thì tiêu chuẩn diện tích đất xây dựng của mỗi căn nhà không vượt quá 90 m2, hệ số sử dụng đất không vượt quá 2,0 lần và phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tỷ lệ số căn nhà ở xã hội liền kề thấp tầng trong dự án phát triển nhà ở xã hội có diện tích đất xây dựng từ 70 m2 đến dưới 90 m2 không quá 10% tổng số căn nhà.
Để tránh việc các chủ đầu tư nhà ở xã hội đã nhận được sự ưu đãi của Nhà nước, nhưng lại bán, cho thuê nhà với mức giá “đánh đố” người nghèo, người thu nhập thấp, dự thảo Nghị định đã đưa ra quy định không chế mức lợi nhuận của chủ đầu tư. Theo đó, giá bán nhà ở xã hội do chủ đầu tư dự án xác định trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc tính đủ các chi phí để thu hồi vốn, kể cả lãi vay (nếu có) và lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư.
Trường hợp dự án có giá bán thấp hơn suất đầu tư xây dựng nhà ở cùng loại do cơ quan có thẩm quyền công bố tại cùng thời điểm thì được phép tính tỷ lệ lợi nhuận định mức trong giá bán không vượt quá 15% tổng chi phí đầu tư.
Về giá cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội do chủ đầu tư dự án tự xác định trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc tính đủ các chi phí để thu hồi vốn, kể cả lãi vay (nếu có) và lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án không vượt quá 15% tổng chi phí đầu tư.
Không chỉ khống chế lợi nhuận đối với chủ đầu tư, dự thảo Nghị định còn đưa ra nhiều quy định chống việc người mua, thuê, thuê mua nhà lợi dụng chính sách ưu đãi dể trục lợi. Theo đó, người thuê nhà ở xã hội không được cho thuê lại hoặc chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian thuê nhà theo hợp đồng đã ký với bên cho thuê.
Còn người mua, thuê mua nhà ở xã hội thì không được phép cho thuê lại, thế chấp (trừ trường hợp thế chấp với ngân hàng để vay tiền mua, thuê mua chính căn hộ đó) và không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 05 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với bên bán, bên cho thuê mua .
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()