Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư 44/2010/TT-BCT quy định chi tiết một số điều tại Nghị định 109/2010/NĐ-CP ngày 4-11-2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. Điểm mới nhất của hoạt động xuất khẩu gạo theo Thông tư 44/2010/TT-BCT là cho phép sự tham gia rộng rãi của doanh nghiệp xuất khẩu gạo với các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung không nhất thiết phải là thành viên Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Trước đây việc thực hiện các hợp đồng tập trung này là đặc quyền của các thành viên VFA thì thời gian tới việc phân bổ sẽ căn cứ vào ba yếu tố là thành tích xuất khẩu gạo trong hai năm gần nhất vào thị trường dự kiến giao dịch; thành tích xuất khẩu gạo trong hai năm gần nhất và giao dịch với đối tác nước ngoài được chỉ định, hoặc dự kiến được chỉ định làm đầu mối nhập khẩu gạo. Các tiêu chí có tính chất tiêu chuẩn này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đủ năng lực được tham gia các hợp đồng tập trung.
Năm 2011, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phấn đấu xuất khẩu 5,5 triệu tấn gạo sang các thị trường châu Á, châu Phi, EU, Bắc Mỹ, chiếm khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước trong năm này. Theo đó, các địa phương sẽ quay vòng gần hai triệu ha đất lúa hai, ba vụ, đưa diện tích trồng lúa trong năm lên 3,8 triệu ha, trong đó có một triệu ha sản xuất lúa chất lượng cao, sản lượng 21-22 triệu tấn, cung ứng đủ nguyên liệu để chế biến phục vụ xuất khẩu. Các địa phương sử dụng giống mới, kháng sâu bệnh mạnh, thích nghi với từng vùng sinh thái đồng thời cho năng suất cao, chất lượng gạo ổn định. Năm 2010, ĐBSCL đã xuất khẩu 5,6 triệu tấn gạo, trị giá 2,6 tỷ USD.
Ngày 14-1 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức Hội thảo 'Phân tích hệ quả can thiệp chính sách và biến dạng thị trường với các tác nhân trong chuỗi xuất khẩu gạo và tôm tại Việt Nam' nhằm xây dựng chính sách cho từng cụm ngành trong xuất khẩu mặt hàng nông nghiệp; trong đó có mặt hàng tôm và gạo. Theo CIEM việc lựa chọn chuỗi giá trị xuất khẩu gạo và tôm trong mười nhóm hàng xuất khẩu hàng đầu, bởi đây là hai mặt hàng có sự phát triển vượt bậc, đóng góp rất lớn vào doanh thu xuất khẩu. Ngoài ra, lúa và tôm cũng là những mặt hàng chủ động được từ khâu sản xuất nguyên liệu, chế biến và xuất khẩu. Bên cạnh đó, mặt hàng gạo và tôm có tiềm năng phát triển để trở thành các sản phẩm xuất khẩu hàng đầu thế giới vào năm 2020. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển hai mặt hàng này trong thời gian tới, phải có chính sách bảo đảm nguồn lúa cho ngành công nghiệp xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, hoàn thiện chính sách về đất đai, chấm dứt tình trạng đất đai thu lại của nông nghiệp không phục vụ phát triển công nghiệp mà xoay sang phục vụ đầu cơ bất động sản…
Ý kiến ()