Chợ nông thôn và tình trạng rác thải
LSO-Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, những năm gần đây, hoạt động giao lưu, buôn bán ở các chợ nông thôn ngày càng sầm uất. Cùng với đó, sau mỗi phiên chợ, hàng chục tấn rác, nước thải các loại được thải ra môi trường.
Tuy nhiên, việc thu gom, xử lý chưa triệt để khiến môi trường nông thôn phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân xung quanh khu vực chợ.
Rác thải sau phiên chợ Pác Khuông (Thiện Thuật – Bình Gia) được tập kết lại chờ nắng lên để đốt |
Chợ Pác Khuông (xã Thiện Thuật) là nơi giao lưu buôn bán của nhân dân 8 xã phía Tây của huyện Bình Gia. Cùng với phát triển về kinh tế thì kéo theo đó là vấn đề môi trường. Sau mỗi phiên chợ, hàng chục m3 rác sinh hoạt được thải ra, nếu không có biện pháp xử lý thì sẽ gây ô nhiễm môi trường. Xác định được điều đó, xã đã hợp đồng thuê một nhân công thu gom rác ở chợ và các hộ gia đình gần chợ rồi tiêu hủy. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, bởi việc xử lý rác chưa được đảm bảo, rác mới chỉ được thu gom và đổ đống ngay đầu chợ, cạnh bờ suối, đợi ngày nắng rồi đổ dầu đốt cháy…. Được biết, hiện nay xã đã quy hoạch được bãi tập kết rác ở thôn Khuổi Cưởm (cách chợ 1km), nhưng lại chưa có phương tiện, kinh phí để vận chuyển rác ra đó…
Chợ Vân Mộng (xã Vân Mộng, huyện Văn Quan) đã đi vào hoạt động cách đây hơn 20 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có khu xử lý rác thải riêng. Theo thông lệ cứ 5 ngày họp chợ phiên một lần, không chỉ có bà con trong xã, mà các xã lân cận cũng tham gia giao lưu, trao đổi hàng hoá rất đông đúc. Vì vậy, sau mỗi phiên chợ là một khối lượng khá lớn rác được thải ra, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Mặc dù chính quyền xã có trích kinh phí để thuê người quét dọn chợ, nhưng do chưa có nơi tập kết nên rác cũng chỉ được thu gom, chất thành đống ở ven đường, cứ sau mỗi trận gió thì rác thải lại vung vãi khắp nơi. Và hậu quả thì chính những người dân xung quanh khu chợ phải hứng chịu.
Trên đây chỉ là hai trong số hơn 80 chợ nông thôn ở tỉnh ta đang phải đối mặt những khó khăn trong thu gom, xử lý rác thải. Nếu như ở thành phố, thị trấn, rác thải tại các chợ được các công ty, hợp tác xã vệ sinh môi trường chuyên nghiệp thu gom, vận chuyển về điểm tập kết rác tập trung để đem đi xử lý thì nhiều chợ ở các vùng nông thôn, việc thu gom, xử lý rác thải vẫn đang bị “bỏ ngỏ” do chưa được quan tâm đúng mức. Có chăng cũng chỉ mới giải quyết bằng phương thức thô sơ nhất là quét dọn và gom lại để đốt.
Trao đổi với ông Nguyễn Đình Duyệt, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi được biết, đa số chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng từ lâu hoặc được nâng cấp, cải tạo nhưng chưa đạt chuẩn, trong đó có nhiều chợ quy mô nhỏ, chợ tạm; đội ngũ cán bộ quản lý chợ chưa được đào tạo nghiệp vụ nên công tác quản lý khai thác hoạt động của các chợ nói chung và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường nói riêng còn hạn chế; do ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng chưa cao. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa đầu tư cho chợ còn thấp, chủ yếu từ nguồn vốn ngân sách nhà nước… Vì vậy, tại một số chợ vùng nông thôn, tình trạng xả rác thải bừa bãi, chất thành đống ở khu vực xung quanh chợ, chưa có biện pháp xử lý triệt để vẫn còn phổ biến; khiến không khí quanh khu vực chợ bị ô nhiễm, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Để kết hợp hài hòa giữa phát triển thương mại gắn với bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương theo hướng sạch đẹp, văn minh; các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là người trực tiếp buôn bán trong chợ nêu cao ý thức trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường. Các chợ cần thành lập và duy trì hoạt động quản lý bảo vệ môi trường chợ, đầu tư bổ sung các trang thiết bị chứa rác, xe vận chuyển rác thải; vận động các hộ kinh doanh, buôn bán trong chợ thực hiện việc phân loại rác thải, hình thành ý thức tốt về phân loại rác tại nguồn, tạo thuận tiện cho việc thu hồi và tái chế sử dụng. Bên cạnh đó, ở mỗi xã cần xây dựng một khu vực tập kết, xử lý rác cho nhân dân trong quy hoạch của địa phương mình; đồng thời các địa phương cần huy động và khai thác các nguồn lực để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
XUÂN HƯƠNG
Ý kiến ()