Cho lối về tươi sáng...
Nhìn từ xa, Trung tâm quản lý sau cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội nổi lên như một hòn đảo xanh giữa lòng hồ Xuân Khanh, xã Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Sự quy củ, ngăn nắp, sạch đẹp chung quanh khuôn viên khiến ít ai hình dung nơi đây đang quản lý hơn 1.300 người sau cai nghiện, phần lớn là những đối tượng từng có tiền án, tiền sự vì ma túy. "Sạch đẹp như công viên, điều trị như bệnh viện, rèn luyện như quân đội" là mục tiêu mà tập thể cán bộ Trung tâm cam kết phấn đấu, hiện thực hóa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Nhìn từ xa, Trung tâm quản lý sau cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội nổi lên như một hòn đảo xanh giữa lòng hồ Xuân Khanh, xã Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Sự quy củ, ngăn nắp, sạch đẹp chung quanh khuôn viên khiến ít ai hình dung nơi đây đang quản lý hơn 1.300 người sau cai nghiện, phần lớn là những đối tượng từng có tiền án, tiền sự vì ma túy. “Sạch đẹp như công viên, điều trị như bệnh viện, rèn luyện như quân đội” là mục tiêu mà tập thể cán bộ Trung tâm cam kết phấn đấu, hiện thực hóa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Hướng nghiệp, hướng thiện
Tham quan khu lao động của học viên, cũng như bao phân xưởng sản xuất bình thường khác, chúng tôi bắt gặp không khí làm việc cần mẫn, khẩn trương, ai làm việc nấy trong tiếng rít của máy cắt, máy hàn, âm thanh rộn ràng của hàng trăm chiếc máy may… Sản phẩm họ làm ra là những chiếc áo thành phẩm với đường may khá hoàn hảo, những khung sắt kiểu dáng công nghiệp. Những chiếc bình gốm chưa đạt độ tinh hoa như nghệ nhân nhưng cũng đầy đủ sự trau chuốt, điệu nghệ và chất chứa tinh thần của người làm gốm… Quan sát họ làm việc, chúng tôi nhận thấy sự tập trung, hăng say và tỉ mẩn với từng chi tiết nhỏ. Tại xưởng lắp ráp đồ điện, chúng tôi trò chuyện với Nguyễn Văn Duy, sinh năm 1985, hộ khẩu thường trú tại quận Ðống Ða (Hà Nội). Duy cho biết, do ham chơi, lười học nên mắc nghiện từ năm 2009. Sau khi cai nghiện, Duy được đưa vào Trung tâm, được học nghề và lao động tại đây với thu nhập bình quân khoảng hơn một triệu đồng/tháng. Ban đầu phải làm quen với cuộc sống có kỷ luật thật khó khăn. Ðược các thầy động viên, giúp đỡ, được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao… em dần nhận ra những giá trị mà trước đây em không thấy. Sự thay đổi khiến bố mẹ cũng bất ngờ. Mong ước của em là cố gắng sống tốt hơn, để khi ra ngoài có cơ hội làm lại cuộc đời, chuộc lỗi với gia đình, để đứa con nhỏ không có cảm giác buồn tủi vì cha nó… Nhắc đến con, giọng Duy trùng lại, như tiếc nuối quãng thời gian tuổi trẻ nhưng sớm lầm lạc, cùng niềm hy vọng một ngày mới sẽ khác sau nỗ lực của chính mình.
Theo Bí thư Ðảng ủy, Giám đốc Trung tâm Phạm Quang Thịnh, đối tượng được tiếp nhận vào Trung tâm là những người từng mắc nghiện ma túy nhiều năm, không có việc làm, không nơi cư trú nhất định. Hơn 70% trong số đó có tiền án, tiền sự, tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khá cao,… Ðể quản lý hơn một nghìn con người như thế cần cả trách nhiệm và tình thương. Ngoài các giờ lên lớp học tập các nội dung về phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng, chống lây nhiễm HIV, sửa đổi hành vi, phục hồi nhân cách… tất cả học viên vào đây được học các nghề phù hợp khả năng, lứa tuổi. Ðể rèn tay nghề đồng thời tạo thu nhập ổn định cho học viên, Trung tâm luôn nỗ lực tìm kiếm, liên kết với các đơn vị, nhận hợp đồng gia công sản phẩm. Hiện nay, thu nhập bình quân của học viên đạt khoảng 800 nghìn đồng/tháng. Một số trường hợp có tay nghề cao, chăm chỉ lao động đã nhận mức lương 2,5 triệu đồng/tháng. Và quan trọng hơn, lao động, học tập giúp những “con ngựa bất kham” ngày nào dần nhận ra giá trị của cuộc sống, của tình người, cảm thấy mình vẫn còn cơ hội, để tiếc nuối những gì đã mất và nuôi hy vọng được làm lại từ đầu.
Kỷ cương bắt đầu từ tha thứ
Trước đây, việc học viên bỏ trốn, quậy phá hoặc xô xát thường xuyên diễn ra, vài năm gần đây hiện tượng này gần như không tái diễn – Phó Giám đốc Trung tâm Nguyễn Ðức Phong khẳng định. Phương pháp quản lý, giáo dục một tập thể cả nghìn người cá biệt mà anh chia sẻ không chỉ là các nguyên tắc, luật lệ cứng nhắc, mà có cả sự tha thứ, khích lệ để học viên hòa nhập và tự giác chấp hành.
Tuy đã được giới thiệu về quá khứ “bất hảo” của học viên Nguyễn Văn Cường, nhưng khi gặp gỡ, chúng tôi vẫn bất ngờ bởi gương mặt già hơn nhiều so tuổi 42, khắc nét “từng trải”. Cường là đối tượng mắc nghiện 15 năm, đã cai và tái nghiện nhiều lần. Cách đây hai năm, trên đường chuyển vào Trung tâm, Cường đã rút kéo giấu trong dép, uy hiếp lái xe và bỏ trốn giữa đường. Sau khi truy tìm và đưa đối tượng quay về, cán bộ của Trung tâm, trực tiếp là Phó trưởng Phòng quản lý giáo dục Nguyễn Thành Long đã gần gũi, chia sẻ, giải tỏa tâm lý để Cường không mặc cảm về hành vi của mình, đối diện với thực tế và làm quen cuộc sống có tổ chức. Cảm động trước tình cảm mà cán bộ trung tâm dành cho mình, cũng như sự chia sẻ của học viên, nhận ra sai lầm và nỗ lực phấn đấu, Cường trở thành người tin cậy giúp các học viên mới làm quen với tập thể. Chỉ vài ngày nữa là Cường được về với gia đình. Dù tương lai còn lắm chênh vênh, nhưng bằng những điều đã được học, được trải nghiệm ở Trung tâm, anh có quyền tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng hơn.
Hơn 10 năm gắn bó với công việc, Nguyễn Thành Long đã chia sẻ nỗi cay đắng của bao số phận, dìu dắt, nâng đỡ nhiều cuộc đời tưởng chừng bế tắc, và cảm nhận nghề đã chọn mình, để tiếp tục ở lại và cống hiến nhiều hơn. Anh bộc bạch, làm việc trong môi trường đặc thù, quản lý đối tượng phức tạp, bệnh tật dễ lây nhiễm, giờ làm việc không giới hạn, thời gian với học viên nhiều hơn ở gia đình, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng. Trong công việc, phải yêu ngành, yêu nghề, phải là một tấm gương chuẩn mực về đạo đức, để học viên nhìn vào, tin tưởng và tự giác chấp hành.
Ngoài việc giám sát chế độ sinh hoạt của học viên 24/24 giờ, cán bộ quản lý ở đây luôn tạo sự gần gũi, chủ động khơi dậy mối đồng cảm giữa các học viên, để người cũ giúp người mới, người tích cực giúp người chưa tiến bộ. Có học viên gia cảnh khó khăn đã bật khóc khi nhận món quà từ tay những cán bộ mà họ quen gọi là thầy. Không ít câu chuyện cảm động khi học viên bị AIDS giai đoạn cuối được cán bộ Trung tâm tận tình chăm sóc, các học viên đùm bọc, yêu thương… Những cử chỉ nhân văn đó khơi dậy cảm xúc đã ngủ quên lâu ngày trong những tâm hồn tưởng như chai sạn, mang lại sự cân bằng trong nhận thức để tạo những hành vi hướng thiện trong mỗi học viên.
Cách làm sáng tạo
Theo đánh giá và ghi nhận của Thị ủy Sơn Tây, Ðảng ủy Trung tâm quản lý sau cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội có nhiều cách làm sáng tạo đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thành việc làm thường xuyên, không chỉ trong đội ngũ cán bộ mà đối với cả học viên. Học tập và làm theo phong cách quần chúng, dân chủ nêu gương của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên lấy chuẩn mực trong mối quan hệ với công việc, đồng nghiệp, nhân dân và học viên để đánh giá hiệu quả công việc. Trung tâm thường xuyên tổ chức các diễn đàn lấy ý kiến, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học viên, để điều chỉnh công tác quản lý cho phù hợp, đồng thời phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm trong học viên. Ngoài các tọa đàm, cuộc thi, hội thảo chuyên đề dành cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên của Trung tâm, các học viên cũng có nhiều cơ hội thể hiện hiểu biết và nhận thức của mình về Chủ tịch Hồ Chí Minh qua việc hưởng ứng các cuộc thi Tuổi trẻ Sơn Tây với Bác Hồ, Tìm hiểu về Bác và những tấm gương học tập và làm theo lời Bác… Những cuộc thi như thế đã khơi dậy cảm xúc rất chân thành trong mỗi học viên. Sự bình đẳng đã đẩy lùi mọi rào cản định kiến, để học viên được thể hiện khả năng của mỗi người.
Ðược hỏi về cảm xúc khi hai lần nhận giải nhất cuộc thi viết và kể chuyện Bác Hồ, học viên Nguyễn Văn Duy dường như vẫn chưa quên không khí rộn ràng cờ hoa, băng-rôn, khẩu hiệu và cũng nhiều lắng đọng của buổi chung kết Hội thi học viên sau cai kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, diễn ra trong dịp kỷ niệm 123 năm Ngày sinh của Bác. Duy nhớ lại, không khí rất xúc động, không chỉ với học viên dự thi mà đối với rất nhiều học viên ngồi phía dưới, bởi mỗi câu chuyện về Bác Hồ là một bài học về nhân cách cho tất cả mọi người.
Cuối ngày, mỗi học viên tự tìm cho mình cách giải trí riêng, nhóm xem ti-vi, đọc sách báo, nhóm tụ tập chơi mấy ván cờ… Ðược duy trì những thú vui bình thường đó khi về với gia đình, cộng đồng không chỉ là hy vọng và nỗ lực của cá nhân học viên mà là trăn trở của tập thể 170 cán bộ Trung tâm, và cần lắm sự chung tay của toàn xã hội.
Theo Nhandan
Ý kiến ()