LSO-Sớm cuối thu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc điện cho tôi, giọng hào hứng: cậu có rỗi, bố trí thời gian qua chỗ tớ, hồi đang chín đỏ đồi…Sau hơn 10 năm nghiên cứu giống hồi ghép kỹ sư Hoàng Lê Minh đã thành công và có những sản phẩm đầu tiênBiết ông đã lâu, được ông chỉ bảo về lâm nghiệp cũng nhiều, nhưng hiếm khi tôi nghe giọng ông hứng khởi đến vậy. Lời mời hấp dẫn đến độ chỉ sau 10 phút, tôi đã có mặt. Sương sớm vẫn giăng mờ lối lên rừng thông vô tính. Đường đi, lối lại nơi này tôi khá tường, bởi nhiều lần đã được kỹ sư lâm nghiệp Hoàng Lê Minh đưa đi tham quan. Thế nhưng khi tới nơi tôi vẫn ngỡ ngàng, dưới tán thông cao vút, hàng trăm gốc hồi ghép rực rỡ cả một góc rừng. Đúng là chín đỏ đồi! Rừng hồi thì người Xứ Lạng đã quá quen, nhưng cây hồi ở Công ty Cổ phần giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc thì quả là lạ lẫm. Chẳng cây nào vượt quá đầu...
LSO-Sớm cuối thu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc điện cho tôi, giọng hào hứng: cậu có rỗi, bố trí thời gian qua chỗ tớ, hồi đang chín đỏ đồi…
|
Sau hơn 10 năm nghiên cứu giống hồi ghép kỹ sư Hoàng Lê Minh đã thành công và có những sản phẩm đầu tiên |
Biết ông đã lâu, được ông chỉ bảo về lâm nghiệp cũng nhiều, nhưng hiếm khi tôi nghe giọng ông hứng khởi đến vậy. Lời mời hấp dẫn đến độ chỉ sau 10 phút, tôi đã có mặt. Sương sớm vẫn giăng mờ lối lên rừng thông vô tính. Đường đi, lối lại nơi này tôi khá tường, bởi nhiều lần đã được kỹ sư lâm nghiệp Hoàng Lê Minh đưa đi tham quan. Thế nhưng khi tới nơi tôi vẫn ngỡ ngàng, dưới tán thông cao vút, hàng trăm gốc hồi ghép rực rỡ cả một góc rừng. Đúng là chín đỏ đồi! Rừng hồi thì người Xứ Lạng đã quá quen, nhưng cây hồi ở Công ty Cổ phần giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc thì quả là lạ lẫm. Chẳng cây nào vượt quá đầu người mà hoa cứ trĩu trịt. Nhà khoa học lâm nghiệp lặng ngắm hồi lâu, chợt buột miệng: Ấy là sức mạnh của khoa học.
Là người con của Xứ Lạng, ông quá rõ về những thăng trầm của rừng hồi Xứ Lạng. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, có năm Lạng Sơn đã xuất khẩu trên 5.000 tấn hồi khô, thời điểm ấy, diện tích hồi của toàn tỉnh chỉ vào khoảng 10.000ha. Năm 1999, UBND tỉnh đã có Quyết định số 58 về chính sách phát triển cây hồi, định hướng phát triển diện tích hồi lên 25.000 ha, sản lượng khoảng 8.000-10.000 tấn hồi khô/năm. Với nhiều dự án trồng rừng như PAM 5322…diện tích hồi Lạng Sơn tăng lên nhanh chóng, đến nay đã là gần 34 ngàn ha, trong đó trên 10.000ha đang cho thu hoạch. Tuy nhiên, sản lượng chưa được như mong muốn, trung bình chỉ đạt khoảng 6.000 tấn hồi khô/năm. Trong khi đó một số diện tích hồi lại đang bị lão hóa, cho năng suất kém…Làm thế nào để cải tạo rừng hồi của Lạng Sơn bằng chính khoa học công nghệ của Lạng Sơn, trăn trở ấy cứ đằng đẵng trong tâm chí của nhà khoa học lâm nghiệp hàng chục năm trời. Ý tưởng tạo ra giống hồi cho năng suất cao từ những cây ưu tú nhất xuất hiện trong ông suốt những năm tháng ấy.
Phải đến tận năm 1998, khi đã “quần nát” các dải rừng ở Chi Lăng, Hữu Lũng để nghiên cứu, tìm tòi và hoàn thành xong công việc bảo tồn nguồn gen của cây hoàng đàn Hữu Liên, ông mới có thời gian để bắt tay vào thực hiện ý tưởng tạo cây hồi giống ưu tú bằng phương pháp vô tính. Nếu như những loài cây khác như thông hay bạch đàn thì phương pháp tạo giống này khá đơn giản bởi đã có rất nhiều người nghiên cứu, nhưng riêng với cây hồi thì kỹ sư Hoàng Lê Minh phải bắt đầu bằng con số không. Ngày ấy cứ mỗi khi vào vụ, người dân đất hồi ở Bình Phúc, Yên Phúc, Tân Đoàn (Văn Quan) và một số vùng khác đã quen với hình ảnh của một người đàn ông trung niên, “lọ mọ” hết gốc hồi này đến gốc hồi khác, quan sát, rồi đo đếm…sau đó là xin người dân vài quả hồi chín. Tỉ mẩn từng chút một, ông chọn giống từ những cây hồi bố mẹ được đánh giá là ưu tú nhất đưa về gieo trong vườn ươm để tạo gốc thực sinh.
Rồi những mùa hồi sau, người dân không thấy ông xin quả nữa mà xin hẳn cành trên những cây hồi tốt nhất của họ. Từ những cành xin được ấy, ông tìm cách ghép vào các gốc thực sinh đã gieo tạo trước đó, và tỷ lệ thành công lúc bấy giờ chỉ tính bằng …vài phần nghìn. Phải đến tận năm 2002, kỹ sư Hoàng Lê Minh mới ghép thành công, khi ấy tỷ lệ vẫn tương đối thấp. Nhưng sau một thời gian ròng rã tiếp theo, bằng quyết tâm và sức mạnh của tri thức, tỷ lệ ghép thành công đã lên đến 90%. Rồi một ngày, trên 200 gốc hồi ghép của ông đã cho ra sản phẩm. Trên thân cây bé tẹo, hoa chi chít từ gốc tới ngọn, mọi phẩm chất của những cây hồi ưu tú nhất mà ông cất công tìm tòi đều tập trung trong những cây giống nhỏ bé này. Ông cười mà rưng rưng: nếu nhân ra thì cả vạn cây như một đấy nhé, đều đồng nhất về nguồn gen, mang đầy đủ phẩm chất ưu tú của hồi Lạng Sơn.
Với loại giống này, nếu đưa vào trồng thì chỉ trong vòng 2 năm, cây đã ra hoa, từ năm thứ 6 trở đi cho sản lượng ổn định. Không chỉ có vậy, giống hồi ghép còn có thể trồng dày hơn và mang lại cho người nông dân năng suất, sản lượng trên một đơn vị diện tích cao hơn. Gương mặt nhà khoa học rạng rỡ: một ngày nào đó, người trồng hồi Xứ Lạng sẽ chẳng phải trèo cao để hái hồi, cũng chẳng lo năm được, năm mất…
Vũ Như Phong
Ý kiến ()