Chợ đồ cũ - "Bảo tàng ngoài trời" của người Nga
Mikhalych, một người chuyên đồ cổ ở chợ đồ cũ tại tỉnh Saratov (phía nam nước Nga) đang bán đi mọi thứ mà ông phải làm việc cật lực mới mua được trong những năm tháng công nhân. Cả đời sưu tầm, đến thập niên thứ bảy, ông quyết định bán hết chúng đi, do không thể sống bằng đồng lương hưu ít ỏi.
Chợ bán đủ thứ
Cứ cuối tuần, ông Mikhalych lại có mặt ở chợ từ sớm, mang theo những đồ vật từng là niềm tự hào của mình. Bày lên bàn, ông tiếc về những lúc hoan hỉ khi có được chúng, nhưng cũng thầm gật đầu, rằng con người ta “có lúc lượm đá, nhưng có lúc phải ném chúng đi”.
Có bộ sưu tập đến 28 chiếc samovar (ấm nước) cổ, ông Mikhalych đã bán dần để trang trải cuộc sống tuổi già. Ông còn ba chiếc đắt tiền nên kén người mua. Ở chợ đồ cũ (hay chợ trời), ngoài đồ đắt tiền có giá trị về thời gian, người ta còn bán nhan nhản những thứ nhỏ nhặt, như cúc áo, chai rượu rỗng, ốc vít, thậm chí là một nửa đôi giày.
Nhưng đôi khi việc bán được hay không lại không phải là tất cả. Những người như ông Mikhalych đến chợ trời để gặp gỡ bạn bè đồng niên, tán đủ thứ chuyện trên trời dưới biển.
“Ở mọi thành phố, mọi thời đại đều có các khu chợ trời. Chúng đã, đang và sẽ mãi tồn tại. Thật khó làm gì mà không có chúng. Các bà cụ mang các loại vải vụn đến đây, giá chỉ từng đồng, nhưng vẫn có người mua”, ông Mikhalych cho biết.
Cũng như ông Mikhalych, ông Vladimir cứ chờ đến cuối tuần để ra chợ gặp gỡ bạn bè, trò chuyện thân mật, dù chỉ mang bán một hộp cúc áo và ít đồ chơi trẻ em. Tiền được bao nhiêu, ông mong đủ mua cho đứa cháu thanh socola cuối ngày.
Ở những khu chợ trời ở miền quê nước Nga, phần lớn họ bán những thứ rẻ tiền, tuy nhiên thỉnh thoảng ở một góc nào đó, vẫn có những người bày bán những thứ đồ cổ, như: Đồng hồ, tranh ảnh, trang sức có niên đại hơn cả trăm năm, với giá “vô cùng”.
Còn tại thủ đô Moscow, không khó để tìm ra những gian hàng đồ cổ đắt tiền. Người nước ngoài ở Nga vẫn có thú vui đi chợ trời hằng tuần, vừa trông ngó, vừa hy vọng kiếm cho mình những mặt hàng giá trị mang hoài niệm Liên Xô.
“Bảo tàng ngoài trời”
Nhà xã hội học Oleg Pachenkov và nhà nhân chủng học xã hội Lilia Voronkova đã nghiên cứu những khu chợ trời từ đầu những năm 2000. Sau nhiều năm tìm hiểu, họ có câu trả lời cho việc gọi chợ trời là bảo tàng, hay là nguồn thu nhập của “người nghèo mới”.
Năm 2003, nhân kỷ niệm 300 năm thành lập Saint Petersburg, giới chức thành phố quyết định “dọn dẹp” các khu chợ trời. Trong đó, họ cho đóng cửa khu chợ từng được gọi với cái tên “cánh đồng của những kẻ ngốc”, gần quảng trường Sennaya. Lý do là, những khu chợ kiểu này làm mất lòng du khách.
Song, nhiều người lại lấy làm tiếc vì quyết định của thành phố. Vào thời điểm đó, các nhà nghiên cứu đã quan sát các khu chợ trời ở châu Âu và thấy rằng, chợ không chỉ là một phần quan trọng trong cuộc sống của người dân vào dịp cuối tuần, mà còn là điểm thu hút du khách. Thậm chí, nhiều khu chợ trời đã được nhắc đến trong sách hướng dẫn du lịch.
Theo các nhà nghiên cứu, không nên coi chợ trời như một “hiện tượng kinh tế”, và từ “chợ” dường như còn gây hiểu nhầm. Về điều này, họ nhấn mạnh, chợ trời là “câu lạc bộ sở thích” của những đối tượng khác nhau. Thí dụ, là nơi giao lưu của những người mê đồ cũ, đồ cổ, đồ lưu niệm; hay những người sưu tập tem, tượng cổ, đồ Liên Xô…
Chợ còn là nơi gặp gỡ của những người nghỉ hưu, khi họ thường gặp vấn đề với người thân không cùng độ tuổi. Ở chợ trời, họ thấy mình thoải mái giữa những người bạn, nói cùng một ngôn ngữ, nghe cùng một loại nhạc, đeo cùng một loại đồng hồ…
Cũng theo các nhà nghiên cứu, chợ trời là “bảo tàng của tuổi thơ”, bảo tàng cuộc sống hằng ngày và mau đưa bạn trở lại quá khứ. Nhiều người đến chợ vì điều này.
Người dân có thể tản bộ dọc chợ như là đang thưởng thức triển lãm. Nhưng điều đặc biệt là chợ đồ cũ giống như một bảo tàng… chệch chuẩn, nơi mà các hiện vật được bày đặt lô xô, chẳng giống như trong bảo tàng. Ở chợ trời, khách không hề biết điều bất ngờ gì đang chờ đợi mình. Nên là, mọi người tìm đến những điều bất ngờ, để tự đánh thức những kỷ niệm trong quá khứ. Do vậy, chợ không còn là chợ đơn thuần.
Chợ trời còn là nơi đặc quánh sự tương tác. Không như đến siêu thị, nơi máy tính tiền và thẻ ngân hàng giúp bạn mua mọi thứ mà không cần hỏi han, chợ trời là chỗ để buôn chuyện, để lắng nghe người khác thuyết trình một món đồ, hay cũng là chỗ để thể hiện bản thân về những hiểu biết quá khứ.
Có một số thành kiến về những người bán hàng trong chợ. Những người làm nghiên cứu về chợ trời đã trò chuyện cùng người dân thành phố không lui đến các khu chợ kiểu này. Khi đi ngang qua, họ thường nghĩ rằng chợ trời tập trung nhiều “người khả nghi” và bán những thứ lôi ra từ thùng rác. Nhưng sự thật không hoàn toàn vậy.
Đúng là có những người say mèm và nghèo khổ, họ nhặt nhạnh những thứ người khác vứt đi để bán lại. Nhưng các nhà điều tra xã hội cho rằng, từ đầu những năm 2000, các đối tượng này chỉ chiếm không quá 10% trong chợ. Đến bây giờ, con số đó đã ít hơn nhiều.
Nhiều người buôn bán trong chợ là một kiểu người khác, đôi khi được gọi là “người nghèo mới” trong các cuộc tranh luận mang tính học thuật. Thông thường, đó là những người đã về hưu, mà trước đó, từ thời Liên Xô, họ thuộc tầng lớp trung lưu, có trình độ học vấn cao, và cả đời đã làm bác sĩ, kỹ sư hay giáo viên… Những người này, theo các nhà nghiên cứu, ở khía cạnh nào đó, đã trở thành nạn nhân của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Họ không có tiền tiết kiệm và buộc phải sống bằng khoản lương hưu ít ỏi.
Về tương lai của chợ trời, có thể dần dần những người cất giữ đồ đạc hàng chục năm trong tủ sẽ không còn nữa, nhưng bản thân chợ trời sẽ không biến mất, vì người ta luôn có nhu cầu hoài cổ, và cần mua hàng hóa với giá rẻ hơn.
Hoài niệm sẽ còn đó, nhưng là hoài niệm của một thế hệ khác. Nên, chợ trời dường như vẫn còn đó, nhưng là chợ trời của những thế hệ khác.
Ý kiến ()