Chợ an toàn - điểm sáng trong hoạt động thương mại ở Bắc Giang
Thành phố Bắc Giang là địa phương đầu tiên trong tỉnh Bắc Giang xây dựng mô hình chợ an toàn, chuyên kinh doanh các sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Trong khi hệ thống siêu thị chưa phát triển thì đây chính là một điểm sáng trong hoạt động thương mại.
Mới khai trương được vài hôm, nhưng quầy bán thịt lợn của chị Thảo (ki-ốt thực phẩm an toàn chợ Hà Vị, phường Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang, Bắc Giang) đã có lượng khách cố định đặt hàng hơn 50 người/ngày. Ngoài ra, mỗi buổi vợ chồng chị bán hết một con lợn gần một tạ nữa. Chị cho biết: “Trước cũng bán thịt lợn do tự mình giết mổ và lợn bắt của các hộ chăn nuôi nên nghĩ thế là an toàn về vấn đề dịch bệnh rồi. Khi tham gia quầy hàng an toàn, được hiểu kỹ hơn về biện pháp bảo đảm, kiểm dịch, trang thiết bị… mới biết mình còn thiếu nhiều quá. Bán hàng an toàn kiểu này tốt cho người tiêu dùng mà mình cũng yên tâm không phải lo lỡ có ngộ độc hay gì khác”.
Cũng tham gia quầy hàng an toàn nhưng chuyên về mặt hàng rau, củ, quả, vợ chồng anh Thanh chuyển hẳn sang nhập hàng có xuất xứ, có bảo đảm từ một trại rau quả trên huyện Lạng Giang. “Bán hàng an toàn bảo đảm hơn, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng mà mình cũng yên tâm. Có điều còn băn khoăn là hiện nay các trại rau quả an toàn còn ít, chủng loại không đa dạng và giá cả hơi đắt hơn so với các mối hàng thông thường. Bên cạnh đó, các chợ đầu mối nông sản ở gần không bảo đảm được nguồn hàng.
Rất mong Ban quản lý chợ cũng như cơ quan chức năng tìm được nguồn cung cấp hàng thường xuyên cho tiểu thương chúng tôi yên tâm kinh doanh”.
Theo báo cáo của Sở Công thương, trên toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 131 chợ đang hoạt động, trong đó chủ yếu là chợ phiên ở khu vực nông thôn, kinh doanh tổng hợp; số hộ kinh doanh khoảng hơn 14 nghìn hộ với hơn 20 nghìn lao động; bình quân một chợ phục vụ khoảng 12.400 người. Mặc dù ngành chức năng đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền và tăng cường kiểm tra, giám sát nhưng việc thực hiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm hầu như chưa được kiểm soát. Đặc biệt, về cơ sở vật chất, trang thiết bị dùng cho hoạt động kinh doanh còn thiếu, chưa bảo đảm; việc dùng chất bảo quản, chất cấm sử dụng, hàng giả, hàng nhái còn diễn ra phức tạp; nhiều hộ kinh doanh không tuân thủ các quy định về khám sức khỏe, vệ sinh cơ sở kinh doanh… Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã tiến hành kiểm tra hơn 50 nghìn lượt các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm trong vòng ba năm qua, đã phát hiện và xử lý vi phạm hơn 16.500 cơ sở.
Nhìn chung, nhận thức của hộ kinh doanh và đơn vị chức năng tổ chức kiểm soát hoạt động trong chợ có chuyển biến nhưng không nhiều.
Tình trạng vi phạm VSATTP vẫn diễn ra khá phổ biến, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ý tưởng xây dựng những khu chợ an toàn bắt đầu được triển khai hơn hai năm trước từ một số quầy hàng rau an toàn đã cho thấy tín hiệu khả quan, được người tiêu dùng chấp nhận. Bắt đầu từ cuối năm 2013, được sự cho phép của Sở Công thương, thành phố Bắc Giang chính thức triển khai xây dựng mô hình chợ an toàn Hà Vị do Công ty TNHH xây dựng Hải Âu (đơn vị quản lý chợ) đứng ra tổ chức. Sản phẩm an toàn kinh doanh tại đây bao gồm các loại rau quả, ngũ cốc, thực phẩm chế biến, thịt gia súc tươi sống, gia cầm, dịch vụ ăn uống…
Những sản phẩm thuộc loại này sẽ được tập trung trong một khu riêng biệt, có đại diện của các ngành chức năng và Ban quản lý chợ kiểm tra, giám sát thường xuyên. Được biết, trước khi triển khai mô hình, hơn 150 tiểu thương và cán bộ Ban quản lý chợ đã được tập huấn các nghiệp vụ quản lý và kinh doanh sản phẩm bảo đảm VSATTP do Sở Công thương tổ chức. Thành công của mô hình chợ này là cơ sở cho việc nhân rộng các mô hình chợ an toàn đến các địa phương trong toàn tỉnh.
Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Hải Âu Dương Thị Hải Vân, chợ an toàn thực phẩm Hà Vị sẽ bảo đảm bốn tiêu chí về thực phẩm, người trực tiếp kinh doanh, cơ sở vật chất kỹ thuật và thanh, kiểm tra định kỳ. Trước khi khai trương, Ban quản lý chợ đã làm việc với các hộ kinh doanh và tính toán nhu cầu của người tiêu dùng để nhập hàng.
Khó khăn nhất vẫn là nguồn cung cấp hàng cho các cửa hàng an toàn, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm tươi sống. Đại diện Ban quản lý chợ đang khẩn trương làm việc với các cơ sở giết mổ, các trại chăn nuôi tập trung, các cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh nhằm đáp ứng nguồn cung cấp hàng đều đặn, bảo đảm nhu cầu cũng như chất lượng sản phẩm và VSATTP.
Ngoài ra, chợ Hà Vị cũng nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của địa phương, đặc biệt là chính quyền và các ngành chức năng thành phố Bắc Giang. Một số quy hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển nông nghiệp; các giải pháp phòng, chống dịch bệnh và tạo nguồn cung thực phẩm an toàn từ những cơ sở giết mổ lân cận đã bước đầu cho sản phẩm đạt yêu cầu. Nhiều vùng sản xuất an toàn đã ký hợp đồng cung ứng sản phẩm cho chợ như vùng rau Đa Mai, Song Mai, Tân Mỹ, Dĩnh Kế (thuộc thành phố); các cơ sở giết mổ gà sạch Yên Thế, trâu bò Phúc Lâm (Việt Yên), rau sạch Lạng Giang, thủy sản Yên Dũng, Tân Yên và vùng quả VietGAP Lục Ngạn…
Đánh giá về tính cần thiết và hiệu quả của chợ an toàn, như mô hình chợ Hà Vị đang triển khai, Chủ tịch UBND thành phố Bắc Giang Dương Văn Thái khẳng định: “Để có được một địa điểm bán hàng sạch, an toàn là điều thật sự có ý nghĩa đối với cuộc sống của nhân dân thành phố. Hy vọng sự có mặt của chợ an toàn Hà Vị sẽ được đón nhận, làm cơ sở cho chúng tôi triển khai nhân rộng mô hình này đối với các chợ đủ điều kiện còn lại trên địa bàn”.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()