Chính trường Thái-lan tạm thời lắng dịu
Ngày 19-7, Ủy ban bầu cử Thái-lan (EC) cho biết, EC công nhận thêm 12 trường hợp Hạ nghị sĩ đủ tư cách, trong đó có bà Dinh-lắc Xin-na-vắt, thủ lĩnh Đảng Vì nước Thái - Phưa Thái (PT) và Thủ tướng tạm quyền A-bi-xít Vê-cha-chi-va của đảng Dân chủ. Tuyên bố của EC ngay lập tức làm dịu bầu không khí chính trị ở nước này vốn trở nên nóng bỏng sau cuộc bỏ phiếu ngày 3-7 vừa qua.Đến nay, trong tổng số 500 ghế Hạ viện ở Thái-lan, 370 ghế đã có chủ, gồm 259 nghị sĩ bầu trực tiếp (BTT) và 111 nghị sĩ theo danh sách đảng (DSĐ). Trong đó, 208 nghị sĩ là người của đảng PT, 120 của đảng Dân chủ (DP), số còn lại của các đảng nhỏ khác. Ngày hôm nay, 21-7, EC tiếp tục xem xét khoảng 300 đơn tố cáo, khiếu nại đối với 130 trường hợp nghị sĩ đắc cử còn lại. Nhiều khả năng sẽ có những trường hợp đắc cử theo BTT bị loại và EC phải tổ chức bỏ phiếu lại. Ngày 27-7 tới là hạn chót (30 ngày sau khi bỏ phiếu), EC cần xác...
Đến nay, trong tổng số 500 ghế Hạ viện ở Thái-lan, 370 ghế đã có chủ, gồm 259 nghị sĩ bầu trực tiếp (BTT) và 111 nghị sĩ theo danh sách đảng (DSĐ). Trong đó, 208 nghị sĩ là người của đảng PT, 120 của đảng Dân chủ (DP), số còn lại của các đảng nhỏ khác. Ngày hôm nay, 21-7, EC tiếp tục xem xét khoảng 300 đơn tố cáo, khiếu nại đối với 130 trường hợp nghị sĩ đắc cử còn lại. Nhiều khả năng sẽ có những trường hợp đắc cử theo BTT bị loại và EC phải tổ chức bỏ phiếu lại. Ngày 27-7 tới là hạn chót (30 ngày sau khi bỏ phiếu), EC cần xác định được ít nhất 95% số ghế có chủ (475 nghị sĩ đủ tư cách), để có thể khai mạc khóa họp đầu tiên của Hạ viện mới. Theo kế hoạch, đầu tháng 8 tới, Hạ viện sẽ họp phiên đầu để bầu các chức danh của Hạ viện và Thủ tướng mới của Thái-lan.
Theo Hiến pháp Thái-lan, Thủ tướng phải là một thành viên của Hạ viện (nghị sĩ). Vì vậy, việc bà Dinh-lắc được EC công nhận là nghị sĩ đủ tư cách cho thấy bà đã vượt qua một 'cửa ải' nữa và con đường đưa bà Dinh-lắc đến chiếc ghế Thủ tướng thứ 28 của Thái-lan dần rộng mở. Khoảng hai phần ba những người Thái được thăm dò 'hào hứng đồng ý' có vị nữ Thủ tướng đầu tiên. Bà Dinh-lắc, 44 tuổi (em gái út của cựu Thủ tướng bị lật đổ Thặc-xỉn), người thành đạt trong kinh doanh, nhưng còn ít kinh nghiệm về chính trị đã có 'cuộc đua nước rút' với cú bứt phá ngoạn mục trong cuộc đua tranh cử vừa qua. Được chỉ định giữ vị trí số 1 của PT, bà Dinh-lắc với hình ảnh cá nhân hấp dẫn; chính sách khác biệt (hòa giải dân tộc và tầm nhìn 2020 của Thái-lan) cộng với uy tín của PT, đã giành chiến thắng áp đảo với 265 ghế (204 BTT và 61 theo DSĐ). DP chịu 'thất bại thảm hại', chỉ được 159 ghế (115 và 44). PT đã liên minh với năm đảng nhỏ, chiếm hơn 300 nghị sĩ tại Hạ viện, để chuẩn bị lập Chính phủ liên hiệp.
Dư luận quốc tế có những phản ứng tích cực sau cuộc tổng tuyển cử ở Thái-lan và việc PT giành thắng lợi. Đại sứ nhiều nước châu Mỹ, châu Âu, châu Phi, châu Á, trong đó có cả các nước ASEAN tại Băng-cốc đã đánh giá cuộc tổng tuyển cử thành công, diễn ra 'suôn sẻ' và dân chủ.
Trong những ngày qua, dư luận Thái-lan rộ lên những ý kiến đánh giá nhiều chiều về chính sách kinh tế – xã hội, khả năng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cũng như về vấn đề hòa giải dân tộc của PT. Những ý kiến cả 'khen' lẫn 'chê' đều được đăng tải tràn lan trên các trang báo ở Thái-lan. Nhiều ý kiến cho rằng cần bình tĩnh chờ đợi và thực tế tương lai sẽ có câu trả lời chính xác.
Thái-lan đã trải qua năm 'thiên tai và bạo loạn 2010'. Năm nay được coi là năm bầu cử và thành lập chính quyền mới, với cuộc tổng tuyển cử vừa diễn ra. Các cuộc tổng tuyển cử gần đây cho thấy sự thay đổi trên chính trường nước này, trong đó hai đảng lớn có hậu cứ chính trị, đại diện cho hai tầng lớp chính của xã hội (giàu – nghèo) có khả năng thay nhau nắm quyền. PT có căn cứ là vùng đông-bắc và phía bắc Thái-lan. DP ở miền nam, còn miền trung là nơi đua tranh giữa PT với DP cùng các đảng nhỏ khác, Thủ đô Băng-cốc là nơi tranh đua giữa DP và PT.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, việc thành lập Chính phủ mới ở Thái-lan không dễ dàng và luôn có những yếu tố bất ngờ. Dư luận nước này đã quen với cách giải thích rằng, chính trường luôn có 'bàn tay vô hình' làm méo lộ trình. Từ nay đến khi Thái-lan có thủ tướng và chính phủ mới, chính trường nước này có dấu hiệu tạm thời lắng dịu, nhưng còn nhiều nguy cơ gây bùng nổ. Người ngồi trên 'ghế nóng' sẽ phải tìm lời giải cho hàng loạt vấn đề khó khăn mới cũng như những vấn đề tồn đọng từ nhiều năm qua.
Theo Nhandan
Ý kiến ()