Chính trường I-ta-li-a trong cảnh chia hai
Cuộc bầu cử QH I-ta-li-a kết thúc trong cảnh bế tắc chính trị. Việc hai lực lượng chính trị kiểm soát Thượng viện và Hạ viện có nguy cơ đẩy I-ta-li-a vào cảnh chia hai, gây khó khăn cho chính phủ mới trong việc thông qua những quyết sách quan trọng của đất nước này.Theo kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Hạ viện I-ta-li-a, với 99% số phiếu được kiểm, liên minh trung tả của ông P.Béc-xa-ni giành được 29,54% số phiếu bầu. Liên minh trung hữu của cựu Thủ tướng X.Béc-lu-xcô-ni đứng thứ hai với 29,18% số phiếu ủng hộ. Đứng thứ ba là đảng Phong trào năm sao của liên minh trung dung của Thủ tướng tạm quyền M.Môn-ti với 10,56% số phiếu. Với kết quả này, liên minh trung tả nắm quyền kiểm soát Hạ viện, dù không chiếm đa số quá bán trong tổng số 630 ghế. Trong cuộc bầu cử Thượng viện, liên minh trung hữu giành được 116 ghế trong tổng số 315 ghế. Liên minh trung tả được 113 ghế, đảng Phong trào năm sao được 54 ghế và liên minh trung dung 18 ghế. Như vậy, liên minh trung hữu giành...
Theo kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Hạ viện I-ta-li-a, với 99% số phiếu được kiểm, liên minh trung tả của ông P.Béc-xa-ni giành được 29,54% số phiếu bầu. Liên minh trung hữu của cựu Thủ tướng X.Béc-lu-xcô-ni đứng thứ hai với 29,18% số phiếu ủng hộ. Đứng thứ ba là đảng Phong trào năm sao của liên minh trung dung của Thủ tướng tạm quyền M.Môn-ti với 10,56% số phiếu. Với kết quả này, liên minh trung tả nắm quyền kiểm soát Hạ viện, dù không chiếm đa số quá bán trong tổng số 630 ghế. Trong cuộc bầu cử Thượng viện, liên minh trung hữu giành được 116 ghế trong tổng số 315 ghế. Liên minh trung tả được 113 ghế, đảng Phong trào năm sao được 54 ghế và liên minh trung dung 18 ghế. Như vậy, liên minh trung hữu giành quyền kiểm soát Thượng viện, dù kém xa mức đa số tối thiểu 158 ghế. Kết quả trái ngược trong các cuộc bầu cử Thượng viện và Hạ viện đã đẩy chính trường I-ta-li-a vào cảnh chia hai.
Trước diễn biến phức tạp của cuộc bầu cử QH, Tổng thống G.Na-pô-li-ta-nô sẽ phải triệu tập cuộc họp lãnh đạo các chính đảng để đàm phán thành lập chính phủ liên hiệp mới, dự kiến được tiến hành sau ngày 10-3 tới, khi kết quả chính thức được công bố và khai mạc QH. Sự chia hai trên thượng tầng chính trị đã đẩy I-ta-li-a vào tình thế khó khăn. Bởi bất cứ đảng nào đứng ra thành lập chính phủ liên hiệp cũng sẽ đối mặt nhiều khó khăn trong việc thông qua các quyết sách, trong bối cảnh người dân đất nước tháp nghiêng Pi-da đang phân vân giữa các đường lối, chính sách phát triển đất nước. Trong khi liên minh trung dung của Thủ tướng tạm quyền M.Môn-ti muốn tiếp tục chính sách “thắt lưng, buộc bụng” nhằm đối phó vấn đề nợ công và khôi phục đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone), thì liên minh trung hữu của cựu Thủ tướng X.Béc-lu-xcô-ni lại cam kết nới lỏng các biện pháp kinh tế “khắc khổ”, giống quan điểm của Tổng thống Pháp P.Ô-lăng-đơ. Tỷ phú truyền thông Béc-lu-xcô-ni đã “ra đòn” được coi là “nặng ký” khi lôi kéo lá phiếu cử tri bằng cam kết sẽ trích bốn tỷ ơ-rô từ tài sản cá nhân để hoàn thuế bất động sản cho người dân I-ta-li-a đã nộp năm 2012.
Trước kết quả phức tạp của cuộc bầu cử QH I-ta-li-a, lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) đã kêu gọi người dân tẩy chay cựu Thủ tướng X.Béc-lu-xcô-ni sau những vụ bê bối về đạo đức lối sống. EU “ve vuốt” cử tri I-ta-li-a rằng, Rô-ma không cần thúc đẩy chính sách “thắt lưng, buộc bụng”, vốn không được lòng dân, mà chính phủ kỹ trị của Thủ tướng tạm quyền M.Môn-ti đã áp dụng. Tuy nhiên, tuyên bố của EU lại trái ngược diễn biến xấu và dự báo ảm đạm về nền kinh tế I-ta-li-a. Theo các dự báo mới nhất, Rô-ma sẽ “ôm” mức nợ công khổng lồ hơn 2.000 tỷ ơ-rô, chiếm 128% GDP; tăng trưởng kinh tế giảm 1% năm 2013 và đạt mức tăng khiêm tốn 0,8% năm 2014. Tỷ lệ thất nghiệp tăng từ mức 10,6% năm 2012 lên 11,6% năm 2013 và 12% năm 2014.
Kết quả sơ bộ cuộc bầu cử QH I-ta-li-a đã tác động tiêu cực nền kinh tế toàn cầu, “vùi” thị trường chứng khoán thế giới ngập trong sắc đỏ giảm điểm. Chỉ số Dax của Đức đã giảm 2%, EuroStoxx 50, chỉ số quan trọng của EU, giảm 3%. Tại I-ta-li-a, chỉ số FTSE giảm 4,5%, Cac 40 của Pháp giảm 2,5% và chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 1,4%. Chỉ số Down Jones (Mỹ) giảm 1,5%, mức giảm lớn nhất trong ngày kể từ 7-11-2012. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm 2,26%, Hang Seng của Hồng Công giảm 0,72%, Kospi ở Hàn Quốc giảm 0,47%. Giá trị đồng ơ-rô cũng giảm ba xen xuống mức một ơ-rô “ăn” 1,30 USD. Giá dầu thô cũng giảm do lo ngại bế tắc chính trị ở I-ta-li-a sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ dầu giảm.
Giới phân tích nhận định, kết quả cuộc bầu cử QH đã đẩy I-ta-li-a vào tình trạng bế tắc chính trị, đồng thời phủ gam mầu xám trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Liên minh chính trị nào sẽ cầm quyền ở đất nước hình chiếc ủng không phải là vấn đề cấp bách, mà chính quyền mới ở Rô-ma sẽ thực thi đường lối khôi phục kinh tế theo hướng nào, mới là mối quan tâm hàng đầu của người dân I-ta-li-a.
Theo Nhandan
Ý kiến ()