Được thành lập từ năm 1995 tại Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Bộ môn Khoa học Chính trị đã trải qua 16 năm xây dựng để chính thức trở thành Khoa Khoa học Chính trị - cơ sở đầu tiên đào tạo đại học ngành Chính trị học trong khối các trường đại học của cả nước.Chính trị học là một ngành học còn mới mẻ ở Việt Nam, nhưng trên thế giới, ngành học này đã có một lịch sử khá lâu đời và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ở Việt Nam, Chính trị học chính là ngành khoa học xã hội có sứ mệnh trực tiếp nghiên cứu và góp phần quan trọng trong việc luận giải khoa học các vấn đề về định hướng XHCN và con đường đi lên CNXH ở nước ta; về phát huy dân chủ XHCN; về đổi mới hệ thống chính trị; về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; về xây dựng Đảng cầm quyền; về dự báo tình hình và phát triển xu thế phát triển của đất nước, khu vực và thế giới... để từ đó cung...
Được thành lập từ năm 1995 tại Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Bộ môn Khoa học Chính trị đã trải qua 16 năm xây dựng để chính thức trở thành Khoa Khoa học Chính trị – cơ sở đầu tiên đào tạo đại học ngành Chính trị học trong khối các trường đại học của cả nước.
Chính trị học là một ngành học còn mới mẻ ở Việt Nam, nhưng trên thế giới, ngành học này đã có một lịch sử khá lâu đời và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ở Việt Nam, Chính trị học chính là ngành khoa học xã hội có sứ mệnh trực tiếp nghiên cứu và góp phần quan trọng trong việc luận giải khoa học các vấn đề về định hướng XHCN và con đường đi lên CNXH ở nước ta; về phát huy dân chủ XHCN; về đổi mới hệ thống chính trị; về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; về xây dựng Đảng cầm quyền; về dự báo tình hình và phát triển xu thế phát triển của đất nước, khu vực và thế giới… để từ đó cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách.
Nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực Chính trị học của xã hội, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chính thức tổ chức đào tạo sau đại học (thạc sĩ và tiến sĩ) ngành Chính trị học từ năm 2005 và đào tạo đại học từ năm 2008. Việc triển khai đào tạo ngành Chính trị học tại Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn khẳng định thế mạnh của một trường đại học có bề dày truyền thống, phù hợp với xu thế phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội với nhiệm vụ đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Chương trình đào tạo được thiết kế khoa học, hiện đại, vừa phù hợp với chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tham khảo chương trình đào tạo Chính trị học của nhiều trường đại học hàng đầu trên thế giới và khu vực, vừa thể hiện thế mạnh và bản sắc của ngành đào tạo chính trị học ở trung tâm đào tạo khoa học xã hội, nhân văn hàng đầu của cả nước.
Khoa Khoa học Chính trị do GS, TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương làm Chủ nhiệm, hiện có 17 cán bộ cơ hữu (gồm hai Giáo sư, hai Tiến sĩ, sáu Thạc sĩ – hiện có bốn người đang là nghiên cứu sinh và năm học viên cao học), tám giảng viên kiêm nhiệm và đội ngũ cán bộ mời giảng gồm hơn 30 nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý có trình độ cao, giàu tâm huyết, kinh nghiệm đang làm việc tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, các cơ quan đào tạo, cơ quan nghiên cứu và quản lý khoa học, v.v.. Chính đội ngũ cán bộ giảng dạy với những cán bộ lâu năm, đầu ngành cùng đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực và tâm huyết; chính nền Chính trị học được hình thành và phát triển trên nền tảng các khoa học xã hội, nhân văn một cách vững chãi đã tạo nên thế mạnh của cơ sở đào tạo này. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo cũng được trang bị khá đầy đủ theo hướng hiện đại hóa. Nguồn học liệu phong phú, trong đó có nhiều đầu tài liệu chuyên sâu và được cập nhật về Chính trị học với các thứ tiếng Anh, Đức, Nga, Trung. Đơn vị đào tạo có quan hệ với nhiều trường đại học ở nước ngoài: Đại học Tô-rôn-tô (Ca-na-đa), Đại học Ô-rê-gôn, Đại học Ca-li-pho-ni-a, Đại học Niu Oóc, Đại học Con-nếch-ti-cút (Mỹ), Học viện Chính trị Pa-ri, Đại học Tu-lu-dơ I (Pháp), Đại học Xtốc-khôm (Thụy Điển),…
Với bốn bộ môn gồm Lý thuyết chính trị, Hồ Chí Minh học, Chính trị Việt Nam và Chính trị thế giới, cơ cấu bộ môn của Khoa hiện tại phù hợp yêu cầu hội nhập và phát huy được thế mạnh của Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Số lượng đào tạo sau đại học gồm 87 học viên cao học, chín nghiên cứu sinh – trong đó có một nghiên cứu sinh là người nước ngoài; đào tạo đại học với hơn 200 sinh viên đã và đang chứng tỏ sức hấp dẫn của ngành học này đối với xã hội cũng như thể hiện năng lực đào tạo của Khoa và nhà trường. Hy vọng rằng, với những tiềm lực khoa học và đội ngũ cán bộ Khoa học xã hội nhân văn nói chung, Khoa học Chính trị nói riêng, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nói chung sẽ đóng góp một cách có chất lượng vào việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Chính trị học ở Việt Nam, đáp ứng những yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Theo Nhandan
Ý kiến ()