Chính thức thương mại hóa ô tô bay
Phi công Stefan Klajn, một trong không nhiều chuyên gia tại Slovakia thông thạo về ô tô bay, cho biết: “Đó thực sự là một điều kỳ diệu. Bạn có thể vừa chạy trên đường phố, lại vừa có thể đột ngột rẽ vào một khu đất trống nào đó, chẳng hạn như một bãi cỏ và cất cánh bay lên không trung để tiếp tục hành trình của mình”.
Tuy nhiên, phát minh công nghệ mới này cũng không thể tránh được những hạn chế. Một trong những vấn đề bất cập của ô tô bay là “đường băng”. Để cất cánh, Aeromobil – tên của loại ô tô bay này, cần một bề mặt phẳng dài ít nhất 200 m.
Mặc dù vậy, Công ty Aeromobil vẫn tỏ ra lạc quan và cho rằng chỉ vài năm sau, các “đường băng” đặc biệt cho ô tô bay cất cánh sẽ được xây dựng dọc theo các tuyến đường hay khu nghỉ dưỡng, giúp giải tỏa đáng kể sự ùn tắc giao thông của các thành phố lớn. Hiện nay, nhiều chuyên gia cũng đang nghiên cứu việc phát triển công nghệ cất cánh thẳng đứng cho loại ô tô bay này.
Một khó khăn nữa đối với phương tiện giao thông mới này là giá thành. Khách hàng sẽ bỏ ra tới hàng trăm nghìn euro để sắm được Aeromobil. Tuy nhiên, Giám đốc Công ty Aeromobil, ông Jurai Vasulik tin tưởng rằng dần dần, giá ô tô bay sẽ rẻ hơn đáng kể.
Một trong những đối thủ cạnh tranh chính của Aeromobil là Công ty Terrafugia của Mỹ, hiện cũng đang thử nghiệm mẫu ô tô bay của mình. Ngay cả những người khổng lồ trong ngành chế tạo máy bay như Airbus cũng đang cân nhắc việc sản xuất ô tô bay.
Vào năm tới, hãng Airbus có kế hoạch bắt đầu thử nghiệm mẫu xe CityAirbus, trong đó người lái xe sẽ dần được thay thế bằng thiết bị lái tự động. CityAirbus có thể sẽ là một dạng taxi chở khách cả trên đường bộ cũng như đường không tùy thuộc vào tình hình.
Một công ty khác của Pháp là Xplorair cũng dự định sản xuất ô tô bay để sử dụng trong công ty.
Ý kiến ()