Chính sách visa mới: Đưa Việt Nam thành điểm đến du lịch dễ tiếp cận cho du khách toàn cầu
Chính sách visa mới áp dụng cho công dân tất cả các nước xóa bỏ những trở ngại trước đây và đưa Việt Nam trở thành điểm đến du lịch dễ tiếp cận cho du khách toàn cầu.
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đưa ra nhận định trên khi trao đổi về chính sách visa mới của Việt Nam.
Bước tiến lớn đối với lĩnh vực du lịch và đầu tư
Ông đánh giá như nào về chính sách visa mới của Chính phủ Việt Nam , thưa ông?
Ông Gabor Fluit: Những cải cách chính sách thị thực gần đây do Chính phủ Việt Nam ban hành là một bước tiến lớn đối với lĩnh vực du lịch và đầu tư.
Đại diện tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, EuroCham, rất hào hứng với những thay đổi này. Với việc đơn giản hóa quy trình cấp thị thực điện tử, nâng thời hạn miễn thị thực, khách du lịch cũng như doanh nhân ngoại quốc sẽ được hưởng lợi rất nhiều.
Du khách quốc tế không còn phải xin thị thực trực tiếp tại các đại sứ quán hoặc tổng lãnh sự quán Việt Nam, giúp giảm thời gian và chi phí đi lại.
Theo đánh giá của EuroCham, chính sách visa điện tử Viêt Nam áp dụng cho công dân tất cả các quốc gia xóa bỏ những trở ngại trước đây và đưa Việt Nam trở thành điểm đến du lịch dễ tiếp cận cho du khách toàn cầu.
Việc gia hạn thời hạn thị thực điện tử và thời gian lưu trú miễn thị thực cũng giúp du khách có thêm thời gian để trải nghiệm Việt Nam, cho dù họ là khách du lịch hay đối tác kinh doanh tiềm năng.
Với nhiều thời gian hơn, khách du lịch có thể đến thăm nhiều địa điểm du lịch hơn, chẳng hạn như vùng núi Tây Bắc Việt Nam, khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cũng như những điểm đến thường ít thu hút khách du lịch. Ngoài ra, các công ty châu Âu đang muốn thiết lập sự hiện diện tại Việt Nam giờ đây có nhiều thời gian hơn để khám phá tiềm năng “đất nước hinh chữ S”.
Bằng cách tạo thuận lợi cho du khách và doanh nhân, Chính phủ Việt Nam đang gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng đất nước đang mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài.
Những cải cách này có thể sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam và chắc chắn sẽ khiến Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn nữa đối với khách du lịch cũng như các nhà đầu tư.
Đề xuất mở rộng đối tượng miễn thị thực
Ông có gợi ý nào giúp Việt Nam áp dụng thành công chính sách “nới lỏng” visa?
Ông Gabor Fluit: Ngoài những thay đổi gần đây về chính sách visa, Việt Nam sẽ có cơ hội đạt được bước tiến đáng kể bằng cách mở rộng danh sách miễn thị thực cho tất cả 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).
EuroCham chắc chắn rằng điều này sẽ thúc đẩy đáng kể lĩnh vực du lịch và đầu tư của đất nước cũng như nền kinh tế.
Hiện chỉ có 7 nước thành viên EU được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam. Việc mở rộng khả năng tiếp cận bao gồm toàn bộ khối EU sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi.
Du khách châu Âu sẽ thấy việc khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và nền văn hóa phong phú của Việt Nam dễ dàng hơn nhiều.
Sự thay đổi này cũng sẽ giúp Việt Nam có lợi thế hơn so với các điểm đến cạnh tranh như Singapore và Thái Lan về tính linh hoạt của thị thực. Đây là thời điểm “vàng” cho bước đi táo bạo này, đặc biệt là sau đại dịch.
Sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ nhóm châu Âu, bao gồm 18 đại sứ của các nước thành viên EU và tất cả các hiệp hội doanh nghiệp châu Âu trực thuộc EuroCham trong nước. Chúng tôi cũng đã nhận được phản hồi tích cực từ các bộ, ngành của Chính phủ Việt Nam, làm tăng thêm sự lạc quan của chúng tôi về những thay đổi sắp tới.
Ngoài chính sách thị thực, theo ông Việt Nam cần làm gì để thu hút nhiều du khách nước ngoài hơn và sớm hiện thực hóa mục tiêu đón 8 triệu khách nước ngoài trong năm nay?
Ông Gabor Fluit: Việt Nam đang trên đà trở thành một trong những điểm đến du lịch lớn của thế giới trong những năm tới. Đất nước Việt Nam có lịch sử lâu đời, nền văn hóa phong phú, vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt đẹp và kinh tế đang trên đà phát triển.
Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng này, Tiểu ban Du lịch, Nhà hàng, Khách sạn, thuộc EuroCharm kiến nghị Việt Nam nên tập trung thu hút hai loại khách du lịch chính là du lịch hưu trí và du lịch chữa bệnh.
Du lịch hưu trí là một thị trường đang phát triển và Việt Nam hội tụ tiềm năng lớn để phát huy xu hướng này. Với chi phí sinh hoạt thấp, khí hậu ấm áp và các điểm tham quan đa dạng, Việt Nam là điểm đến thân thiện với những người về hưu muốn dành thời gian dài ở nước ngoài.
Thu hút khách hưu trí quốc tế có thể mang lại lợi ích kinh tế to lớn và tạo nhiều việc làm cho dân địa phương. Với ưu thế lương hưu ổn định và tiền tiết kiệm dồi dào, người về hưu có thể cung cấp ngồn vốn nước ngoài đáng kể vào Việt Nam thông qua chi tiêu vào nhà ở, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và giải trí.
Dòng vốn ổn định này sẽ kích thích hoạt động kinh doanh và tạo nhiều việc làm trong các lĩnh vực như bất động sản, xây dựng, chăm sóc sức khỏe, khách sạn, vận tải và bán lẻ.
Du lịch hưu trí cũng sẽ khuyến khích phát triển bất động sản quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu nhà ở, thúc đẩy xây dựng và tăng trưởng đô thị.
Hoạt động kinh tế và giao dịch tài sản đạt được sẽ tiếp tục thúc đẩy doanh thu của Chính phủ, trong khi những người về hưu ở lại lâu dài sẽ giúp cân bằng những biến động du lịch theo mùa.
Ngoài ra, Việt Nam có thể khai thác thị trường du lịch y tế bằng cách phát triển các cơ sở và dịch vụ y tế đẳng cấp thế giới.
Khách du lịch y tế chi mạnh tay cho việc chăm sóc sức khỏe, chỗ ở, phương tiện đi lại, thực phẩm và các hoạt động khác khi đến Việt Nam để điều trị, mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho đất nước.
Đặc biệt, du lịch y tế sẽ mang lại nguồn vốn nước ngoài để kích thích hoạt động kinh doanh và tạo ra việc làm dồi dào trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, khách sạn, vận tải, bán lẻ.
Và hơn thế nữa, du lịch y tế cũng đa dạng hóa nguồn thu của Việt Nam ngoài các nguồn thu truyền thống.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ chăm sóc sức khỏe sẽ nâng tầm nền y tế Việt Nam nói chung, mang lại uy tín và sự công nhận trên toàn cầu.
Quan hệ đối tác phát sinh từ du lịch y tế sẽ thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Việt Nam thông qua trao đổi kiến thức với các tổ chức hàng đầu thế giới.
Ông có thể cho biết những dự án hợp tác của EuroCham với các địa phương, đối tác Việt Nam để thúc đẩy kết nối du lịch?
Ông Gabor Fluit: EuroCham coi du lịch là cầu nối quan trọng củng cố mối liên kết kinh tế và văn hóa giữa Việt Nam và EU. Là một phần trong sứ mệnh của mình, chúng tôi đã ủng hộ các sáng kiến hợp tác để khai thác tiềm năng to lớn của lĩnh vực này.
Thông qua Tiểu ban Du lịch, Nhà hàng, Khách sạn, chúng tôi tham gia vận động chính sách cũng như các sáng kiến hợp tác với chính quyền và các nhà lãnh đạo ngành để khai thác tiềm năng tăng trưởng bền vững của du lịch.
Các cuộc thảo luận của chúng tôi nhằm mục đích thực hiện các chính sách giúp người châu Âu đến thăm Việt Nam dễ dàng hơn và để Việt Nam phát triển du lịch nhưng vẫn bảo tồn giá trị văn hóa và tự nhiên. Ví dụ: Sách Trắng hàng năm của chúng tôi có các khuyến nghị chi tiết để cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy tính bền vững và thu hút nhiều khách du lịch châu Âu nói chung.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc tiếp cận quảng bá, chúng tôi cũng hợp tác với các cơ quan du lịch Việt Nam trong các chiến dịch giới thiệu vẻ đẹp thiên nhiên bao la, các di tích lịch sử và lòng hiếu khách của đất nước đối với du khách. Đơn cử như, năm 2022, EuroCham đã ký một biên bản ghi nhớ với Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh nhằm định vị thành phố này là điểm đến được lựa chọn hàng đầu của du khách châu Âu. Thông qua bản ghi nhớ, chúng tôi trao đổi các nguồn lực như thông tin chính sách, các phương pháp hay nhất và nghiên cứu để thúc đẩy du lịch châu Âu đến Việt Nam.
Nhận thấy phần lớn tiềm năng du lịch của Việt Nam nằm ngoài các thành phố lớn, mục tiêu của chúng tôi là hợp tác chặt chẽ hơn với chính quyền địa phương ở các tỉnh.
Vào cuối tháng 8 vừa qua, Tiểu ban Du lịch, Nhà hàng, Khách sạn đã đến thăm Bình Thuận để quảng bá du lịch bền vững và thảo luận về chủ đề này với những người ra quyết định quan trọng.
Chúng tôi hy vọng sẽ thiết lập thêm nhiều mối quan hệ đối tác như vậy trong tương lai để thúc đẩy trao đổi hai chiều về ý tưởng hợp tác, hiểu biết và chia sẻ kiến thức chuyên môn./.
Ý kiến ()