Chính sách về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số
Từ năm 1976 đến nay, việc quản lý, sử dụng đất của các hộ dân tộc thiểu số (DTTS) có những biến động, xuất hiện tình trạng hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất, nhất là đồng bào thuộc các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long... Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tăng số hộ đói nghèo, gây mất ổn định trong vùng DTTS.Từ năm 1977, Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương, chính sách tập trung chỉ đạo, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn thấp so mục tiêu đề ra.Chủ trương, chính sách chưa đi vào cuộc sốngNghị quyết số 22/NQ-TW, ngày 27-11-1989 của Bộ Chính trị "Về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi" và Nghị quyết số 24/NQ-TW, ngày 21-1-2003 của BCH T.Ư Đảng khóa IX "Về công tác dân tộc" đã thể hiện rõ chủ trương, định hướng và những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống, phát triển kinh tế -...
Từ năm 1976 đến nay, việc quản lý, sử dụng đất của các hộ dân tộc thiểu số (DTTS) có những biến động, xuất hiện tình trạng hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất, nhất là đồng bào thuộc các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long… Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tăng số hộ đói nghèo, gây mất ổn định trong vùng DTTS.
Từ năm 1977, Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương, chính sách tập trung chỉ đạo, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn thấp so mục tiêu đề ra.
Chủ trương, chính sách chưa đi vào cuộc sống
Nghị quyết số 22/NQ-TW, ngày 27-11-1989 của Bộ Chính trị “Về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế – xã hội miền núi” và Nghị quyết số 24/NQ-TW, ngày 21-1-2003 của BCH T.Ư Đảng khóa IX “Về công tác dân tộc” đã thể hiện rõ chủ trương, định hướng và những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống, phát triển kinh tế – xã hội cho khu vực miền núi, vùng DTTS, trong đó có vấn đề giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Triển khai chủ trương này, Chính phủ ban hành nhiều quyết định, chính sách cụ thể. Từ năm 2002 đến 2011, có hơn 40 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hơn 50 quyết định, thông tư của các bộ, ngành. UBND các tỉnh, thành phố đã xây dựng 405 đề án, dự án triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo. Qua 10 năm thực hiện (2002-2011), với nhiều chương trình, chính sách, đã có 333.995 hộ đồng bào DTTS nghèo được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất (148.059 hộ được hỗ trợ đất ở, 185.936 hộ được hỗ trợ đất sản xuất). Với kết quả đó, đồng bào rất phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất, không du canh, không di cư tự do, cùng nhau nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Tại các khu, điểm định canh, định cư, tái định cư được quy hoạch, đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng, xây dựng khu dân cư, bố trí đất sản xuất đã đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của đồng bào. Đây là những kết quả quan trọng nhằm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đoàn kết các dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng miền núi, biên giới, vùng DTTS với Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, đến nay, còn hơn 300 nghìn hộ DTTS nghèo thiếu và không có đất ở, đất sản xuất, gần bằng số hộ cần đầu tư của giai đoạn khởi đầu chính sách (2002- 2008). Điều này đồng nghĩa với việc còn một bộ phận không nhỏ đồng bào DTTS đang có cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn. Vùng miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn mức sống còn khoảng cách khá xa so các vùng khác của cả nước. Nguyên nhân do việc triển khai các chính sách cụ thể gặp khó khăn, bất cập, kết quả đạt thấp, nhất là nhiều chính sách thực hiện dang dở, không đạt mục tiêu đề ra. Một số mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách Nghị quyết 24/NQ-TW đặt ra đến năm 2010 thì đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Thời gian qua (2002-2011), Chính phủ đã tích cực chỉ đạo, tập trung giải quyết vấn đề bức xúc nhất đối với cuộc sống của các hộ DTTS nghèo, đó là thiếu và không có đất ở, đất sản xuất. Các chính sách đúng, trúng và nhận được sự hưởng ứng, đồng tình của người dân, cấp ủy, chính quyền các cấp nhưng trong quá trình thực thi lại chưa đạt kết quả, hiệu quả cao. Nguyên nhân do quản lý nhà nước, chỉ đạo thực hiện các chính sách về đất ở vùng DTTS còn hạn chế, yếu kém. Nhiều địa phương lúng túng trong xác định đối tượng thụ hưởng, phải điều chỉnh đề án, chậm được phê duyệt vì số liệu thiếu chính xác, phải rà soát nhiều lần. Trong khi đó, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai lại quá chậm. Nhiều chương trình, dự án có cùng một số nội dung nhưng mỗi bộ, ngành quản lý một chương trình, dự án khác nhau, dẫn đến sự chồng chéo, khó khăn trong tổ chức thực hiện đối với cơ sở. Mặt khác, các chính sách liên quan việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, đều có các mục tiêu lớn, rõ và cụ thể, nhưng lộ trình, thời gian thực hiện lại quá ngắn. Định mức hỗ trợ thấp và chưa sát tình hình thực tế tại các địa phương, vùng miền. Việc bố trí nguồn lực, bảo đảm điều kiện thực hiện các chương trình còn hạn chế, dàn trải. Qua báo cáo của các địa phương, hầu hết các chương trình, dự án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đều trong tình trạng chờ vốn và thiếu vốn. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc thực hiện các chính sách giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo không đạt mục tiêu đề ra.
Cần có giải pháp đồng bộ
Để triển khai hiệu quả các chính sách về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và đào tạo nghề, chuyển nghề, giải quyết việc làm đối với hộ DTTS nghèo trong giai đoạn 2013- 2020. Bảo đảm cân đối các nguồn lực (chủ yếu là ngân sách T.Ư), chỉ đạo các địa phương lồng ghép các nguồn vốn để tập trung giải quyết dứt điểm các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đã xác định. Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện ngay việc rà soát, đánh giá toàn bộ các chính sách đang thực hiện trên địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng DTTS. Từ đó nghiên cứu xây dựng một chính sách tổng thể, đồng bộ, rõ cơ chế, định mức phù hợp với đặc điểm vùng miền. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về đất đai, nhất là việc giao đất, cho thuê đất, bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện quy hoạch, xây dựng các dự án, công trình có liên quan đến thu hồi đất ở, đất sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn miền núi, biên giới, vùng DTTS. Cần quy định điều kiện ràng buộc đối với các hộ thụ hưởng chính sách (kể cả đất ở và đất sản xuất) phải trực tiếp quản lý, sử dụng đất đúng mục đích, không được chuyển nhượng, mua bán, cho thuê trong thời hạn 10 năm được Nhà nước giao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ việc thực hiện đề án sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh, kiên quyết thu hồi đất sử dụng kém hiệu quả, sai mục đích, đất gần khu dân cư… để tạo quỹ đất, giao cho các hộ DTTS nghèo đang thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất. Tích cực giải quyết việc làm phi nông nghiệp nhằm giảm áp lực nhu cầu đất sản xuất cho đồng bào DTTS.
Riêng với các địa phương, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chính sách pháp luật về đất đai. Khai thác hiệu quả quỹ đất ở, đất sản xuất thông qua công tác xã hội hóa, động viên gia đình, dòng họ, cộng đồng cho, tặng, nhượng lại đất ở, đất sản xuất cho các hộ DTTS nghèo thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất. Tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các dự án, xây dựng các công trình trên địa bàn vùng DTTS. Trong quá trình thẩm định quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi cần làm rõ phương án di dân, tái định cư, giải quyết đất ở, đất sản xuất; phương án tạo công ăn, việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp đối với các hộ bị mất đất. Nếu không bảo đảm được việc ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho các hộ di dân tái định cư đến nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ thì không thực hiện xây dựng các công trình. Ngoài ra, cần chú trọng đến đầu tư khai hoang, thủy lợi, cải tạo đất để tạo quỹ đất sản xuất mới. Chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để thâm canh, tăng vụ, tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi trên cơ sở sử dụng có hiệu quả diện tích đất hiện có trong điều kiện không mở rộng được diện tích đất sản xuất mới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()