Chính sách tài chính nhằm phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội
Ngày 31/5, tại Hưng Yên, Trường Đại học Tài chính-Quản trị kinh doanh (Bộ Tài chính) tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Chính sách tài chính nhằm phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội”.
Hơn 85 tham luận và phát biểu trực tiếp tại hội thảo tập trung vào các chủ đề: Bối cảnh, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến kinh tế Việt Nam và các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và giải quyết an sinh xã hội; kinh nghiệm của các quốc gia trong việc ban hành các chính sách tài chính, tiền tệ kích thích tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19; Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng trên trên toàn thế giới thời gian qua, gây nhiều hệ lụy phức tạp, hầu hết các nước đã tung ra các gói cứu trợ trị giá hàng tỷ USD. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mặc dù quy mô và điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ này không giống nhau, nhưng giữa chúng nổi lên một số điểm chung nổi bật, đó là có cả tính chất cho vay, có cả tính chất cho không; hỗ trợ cả hai nhóm đối tượng là người lao động và doanh nghiệp, cũng như các hoạt động y tế phòng, chống Covid-19.
Nguồn tiền của các gói hỗ trợ đều có nguồn gốc ngân sách hoặc đi vay, do đó, ngoài những tác động tích cực kỳ vọng, các gói hỗ trợ này cũng trực tiếp và gián tiếp làm gia tăng các khoản thâm hụt ngân sách và tăng nợ công của mỗi nước và toàn cầu.
Các ý kiến tại hội thảo đã phân tích cơ sở thực tế, những vấn đề đặt ra và giải pháp cụ thể nhằm triển khai thành công Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15,…
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quyết định để đạt “mục tiêu kép”: vừa kiểm soát thành công dịch bệnh, vừa bảo đảm an sinh, an toàn, trật tự xã hội và phát triển kinh tế phù hợp bối cảnh bình thường mới trong thời gian tới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()