Chính sách phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện đến ngày 31/12/2023
Quốc hội quyết định các chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 được tiếp tục thực hiện từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Ngày 9/1, với 94,35% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024.
Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời
Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15.
Với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, quyết tâm nỗ lực vượt mọi khó khăn, sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, sự hỗ trợ, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và quốc tế, dịch bệnh đã được kiểm soát, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, ổn định và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Thành quả này thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, chủ động, sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự tham gia tích cực của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên.
Quốc hội cơ bản tán thành nội dung Báo cáo số 495/BC-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 với những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Các chính sách, biện pháp, giải pháp được ban hành trên cơ sở Nghị quyết số 30/2021/QH15 cơ bản đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đầy đủ với các biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù, góp phần kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.
Bên cạnh kết quả đạt được, Quốc hội cũng nhận thấy, việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách, giải pháp, biện pháp theo Nghị quyết số 30 và các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có lúc, có nơi còn chậm, chưa đồng bộ, chưa sát thực tiễn; công tác tuyên truyền, phổ biến có lúc chưa kịp thời; gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn chậm dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc; thanh toán, quyết toán chi phí liên quan đến phòng, chống dịch bệnh và chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19 còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do COVID-19 là dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ trên thế giới và Việt Nam nên việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thực hiện trong bối cảnh cấp bách, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Một số nơi thực hiện giãn cách kéo dài chưa bảo đảm an sinh xã hội; hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực phòng, chống dịch bệnh có diễn biến phức tạp; sự phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo giữa một số bộ, ngành, chính quyền địa phương còn lúng túng, chưa kịp thời, hiệu quả; một số thủ tục hành chính còn chưa phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh.
Về các chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 được tiếp tục thực hiện từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023, Quốc hội quyết nghị, các chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của cơ sở y tế, cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 và chế độ, chính sách đối với người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trước ngày 31/12/2022 mà chưa thanh toán xong thì được tiếp tục thanh toán theo quy định tại Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Kinh phí thực hiện các khoản chi phí, chế độ, chính sách này được chuyển nguồn sang năm 2023 để thanh toán và hạch toán, quyết toán vào niên độ ngân sách năm 2023.
Bên cạnh đó, việc thanh toán chi phí phòng, chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 được tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 ngày 6/8/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Gia hạn đăng ký lưu hành thuốc
Quốc hội cho phép gia hạn việc sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024.
Cụ thể, giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024 được cơ sở đăng ký nộp hồ sơ gia hạn và giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc được kéo dài thời hạn thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 6 của Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 mà chưa được gia hạn kịp thời theo quy định của Luật Dược được tiếp tục sử dụng từ ngày hết hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024, trừ các trường hợp: Thuốc, nguyên liệu làm thuốc bị thu hồi theo quy định của pháp luật về dược; thuốc có dấu hiệu không an toàn cho người sử dụng mà bị tạm ngừng kinh doanh, sử dụng và niêm phong bảo quản theo quy định của pháp luật về dược; thuốc có giấy đăng ký lưu hành có thời hạn là 3 năm theo quy định của pháp luật về dược.
Bộ Y tế công bố danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 9/1/2023.
Ý kiến ()