Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2020
Ảnh minh họa |
Không được sử dụng phương tiện vi phạm tham gia giao thông trong thời gian được giao bảo quản
Có hiệu lực từ ngày 1/5/2020, Nghị định 31/2020/NĐ-CPban hành ngày 5/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 3/10/2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.
Theo đó, tổ chức, cá nhân vi phạm trong thời gian được giao giữ, bảo quản phương tiện vi phạm thì không được phép sử dụng phương tiện vi phạm đó tham gia giao thông; không được tự ý thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện vi phạm, nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền tạm giữ.
Trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn hoặc khi có nguy cơ trực tiếp phát sinh tình huống mà nếu không kịp thời di chuyển, thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện sẽ gây thiệt hại đến phương tiện thì được thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện nhưng ngay sau đó phải thông báo cho người có thẩm quyền tạm giữ biết.
Trong thời gian được giao giữ, bảo quản phương tiện, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành đúng quy định thì người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện xem xét, quyết định chuyển phương tiện vi phạm đó về nơi tạm giữ của cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ.
Quy định mới về xác định thị trường liên quan và thị phần
Có hiệu lực thi hành từ ngày 15/05/2020, Nghị định số 35/2020/NĐ-CPban hành ngày 24/03/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh,trong đó quy định cụ thể về xác định thị trường liên quan và thị phần.
Về xác định thị trường liên quan, Nghị định quy định, thị trường liên quan được xác định trên cơ sở thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Trong quá trình xác định thị trường liên quan, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có quyền tham vấn ý kiến của các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có chuyên môn.
Phạt nặng hành vi xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước
Nghị định số 36/2020/NĐ-CPban hành ngày 24/03/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản có hiệu lực thi hành từ ngày 10/05/2020. Trong đó, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức.
Nghị định quy định cụ thể mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Theo đó, phạt tiền từ 220-250 triệu đồng đối với hành vi xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước.
Điều kiện cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Có hiệu lực từ ngày 20/05/2020, Nghị định 38/2020/NĐ-CPban hành ngày ngày 03/04/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó nêu rõ điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Cụ thể, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (doanh nghiệp dịch vụ) là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đáp ứng các điều kiện sau đây về vốn: Vốn pháp định không thấp hơn 5 tỷ Việt Nam đồng; có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư.
Theo Nghị định, doanh nghiệp dịch vụ phải có Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nội dung của Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận lao động, được thực hiện theo Mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam-Cuba
Nghị định 39/2020/NĐ-CPban hành ngày 03/04/2020 của Chính phủ về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Cuba giai đoạn 2020 – 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 20/05/2020.
Tối đa hóa thực hiện TTHC trên môi trường điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí
Có hiệu lực từ ngày 22/05/2020, Nghị định 45/2020/NĐ-CPban hành ngày 08/04/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, trong đó nêu rõ: Tối đa hóa các bước thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của tổ chức, cá nhân và cơ quan có thẩm quyền.
Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước
Nghị định số 47/2020/NĐ-CPban hành ngày 09/04/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước có hiệu lực từ ngày 25/05/2020.
Nghị định này quy định về các hoạt động quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước bao gồm: quản lý, quản trị dữ liệu số; kết nối, chia sẻ dữ liệu số; sử dụng, khai thác dữ liệu số của cơ quan nhà nước; cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước cho tổ chức, cá nhân; quyền và trách nhiệm trong kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.
Thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc
Quyết định số 12/2020/QĐ-TTgcủa Thủ tướng Chính phủ thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2020 đến khi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
Theo đó, người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS phải ký quỹ để bảo đảm thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt Hợp đồng lao động. Mức tiền ký quỹ là 100 triệu đồng.
Trong thời hạn 35 ngày kể từ ngày ký Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS với Trung tâm Lao động ngoài nước, người lao động thực hiện ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn nơi người lao động đăng ký thường trú. Thời hạn ký quỹ là 5 năm 6 tháng.
Quy định giá mua điện mặt trời
Quyết định13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 22/05/2020.
Theo đó, dự án điện mặt trời nối lưới đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại dự án hoặc một phần dự án trong giai đoạn từ 1/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020 thì dự án hoặc một phần dự án đó được áp dụng Biểu giá mua điện của các dự án điện mặt trời nối lưới tại điểm giao nhận điện, cụ thể, 1783 đồng/kWh tương đương 7,69 UScent/kWh đối với dự án điện mặt trời nổi và 1644 đồng /kWh tương đương 7,09 UScent/kWh đối với các dự án điện mặt trời mặt đất; 1943 đồng/kWh tương đương 8,38 UScent/kWh đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Từ 5/5, giảm 50% phí cấp giấy phép hoạt động ngân hàng
Theo Thông tư số 33/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, nộp lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, từ 5/5, mức phí sẽ được giảm mạnh, từ 35 – 70 triệu đồng/lần cấp.
Quy định mới về in ấn, quản lý sử dụng tem rượu
Thông tư 15/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem đối với rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu có hiệu lực từ 7/5/2020.
Theo đó, kể từ 7/5/2020, đối với mặt hàng rượu đóng chai nhập khẩu qua các cửa khẩu, doanh nghiệp sẽ tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm việc dán tem và báo cáo với cơ quan hải quan nơi đăng ký làm thủ tục nhập khẩu số lượng thực sử dụng trước khi thông quan.
Ý kiến ()