Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2017
EVN không được huy động vốn để đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng
Theo Nghị định số 10/2017/NĐ-CPngày 9/2/2017 ban hành quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có hiệu lực từ 1/4/2017, EVN không được huy động vốn để đầu tư vào các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, bất động sản, tài chính.
Nghị định cũng nêu rõ: EVN được quyền sử dụng vốn của EVN để đầu tư ra ngoài EVN thuộc các ngành nghề kinh doanh được quy định trong Điều lệ tổ chức hoạt động của EVN. Việc đầu tư vốn ra ngoài EVN phải tuân thủ các quy định của pháp luật và đảm bảo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn, tăng thu nhập và không làm thay đổi mục tiêu hoạt động của EVN.
EVN không được nhận đầu tư, góp vốn từ các công ty con của EVN (doanh nghiệp cấp II), từ các công ty con của doanh nghiệp cấp II (doanh nghiệp cấp III).
Chế độ lương, phụ cấp đối với viên chức quốc phòng
Nghị định 19/2017/NĐ-CPngày 24/02/2017quy định chế độ tiền lương của công nhân quốc phòng và chế độ phụ cấp thâm niên đối với viên chức quốc phòng có hiệu lực từ 15/04/2017.
Nghị định này quy định rõ bậc lương, các loại phụ cấp, trợ cấp đối với công nhân quốc phòng; xét nâng bậc lương, nâng loại đối với công nhân quốc phòng; chế độ phụ cấp thâm niên đối với công nhân và viên chức quốc phòng…
Quy định về hòa giải thương mại
Theo Nghị định 22/2017/NĐ-CPngày 24/02/2017 về hòa giải thương mại có hiệu lực từ 15/04/2017, việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại phải đảm bảo nguyên tắc các bên tranh chấp tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. Nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba.
Tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên có thoả thuận hòa giải. Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp.
Quyết định 04/2017/QĐ-TTgngày 9/3/2017 quy định danh mục phương tiện, thiết bị phái dán nhãn năng lượng, áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện có hiệu lực từ 25/4/2017.
Theo đó, có 4 nhóm phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu gồm: 1- Nhóm thiết bị gia dụng gồm: Đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ và điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện, máy thu hình, đèn LED, bình đun nước nóng có dự trữ; 2- Nhóm thiết bị văn phòng và thương mại gồm: Máy phôtô copy, màn hình máy tính, máy in, tủ giữ lạnh thương mại, máy tính xách tay; 3- Nhóm thiết bị công nghiệp gồm: Máy biến áp phân phối, động cơ điện; 4- Nhóm phương tiện giao thông vận tải gồm: Xe ô tô con loại 9 chỗ trở xuống, xe mô tô, xe gắn máy.
Theo Thông tư số 13/2017/TT-BTC ngày 15/2/2017 quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBN) có hiệu lực từ 1/4/2017, các đơn vị KBNN thực hiện thanh toán các khoản chi của đơn vị giao dịch theo nguyên tắc thanh toán bằng chuyển khoản trực tiếp từ tài khoản của đơn vị giao dịch mở tại KBNN tới tài khoản của người cung cấp hàng hóa dịch vụ, người hưởng lương từ NSNN và người thụ hưởng khác tại KBNN hoặc ngân hàng, trừ những trường hợp được phép chi bằng tiền mặt theo quy định.
Các đơn vị giao dịch có tài khoản tại KBNN khi thanh toán tiền mua hàng hoá, dịch vụ với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có tài khoản tiền gửi tại KBNN hoặc ngân hàng, thì các đơn vị giao dịch thực hiện thanh toán bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt…
Ý kiến ()