Chính sách lúa gạo mới ở Thailand
Giá sàn mua lúa sẽ tăng lên 15 nghìn baht/tấn Tăng thu nhập cho người trồng lúa, Chính phủ mới ở Thailand đang xúc tiến thực hiện chính sách trợ giá lúa gạo. Khoản tiền 435,54 tỷ baht vừa được thông qua để thực hiện kế hoạch tăng giá sàn thu mua lúa của nông dân lên 15 nghìn baht (khoảng 500 USD)/tấn, cao hơn 47% so mức giá hiện tại trên thị trường.Kế hoạch này được thực hiện từ ngày 7-10 tới đến tháng 2 năm sau. Hàng năm, tháng 10 là thời gian thu hoạch vụ lúa chính ở Thailand, năm nay dự kiến đạt sản lượng hơn 25 triệu tấn (đã tính tới ảnh hưởng của bão Nock-Ten tràn vào nước này cuối tháng bảy vừa qua gây lũ lụt trên diện rộng ở khu vực phía bắc và đông-bắc), cao hơn so mức 24 triệu tấn vào mùa vụ năm ngoái. Vụ thứ hai thường được thu hoạch vào tháng năm với sản lượng khoảng 5 triệu tấn lúa.Nâng giá sàn mua lúa là cam kết chính mà đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) đưa ra trong vận động tranh cử vào Hạ viện ngày 3-7...
|
Kế hoạch này được thực hiện từ ngày 7-10 tới đến tháng 2 năm sau. Hàng năm, tháng 10 là thời gian thu hoạch vụ lúa chính ở Thailand, năm nay dự kiến đạt sản lượng hơn 25 triệu tấn (đã tính tới ảnh hưởng của bão Nock-Ten tràn vào nước này cuối tháng bảy vừa qua gây lũ lụt trên diện rộng ở khu vực phía bắc và đông-bắc), cao hơn so mức 24 triệu tấn vào mùa vụ năm ngoái. Vụ thứ hai thường được thu hoạch vào tháng năm với sản lượng khoảng 5 triệu tấn lúa.
Nâng giá sàn mua lúa là cam kết chính mà đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) đưa ra trong vận động tranh cử vào Hạ viện ngày 3-7 vừa qua. Chính sách dân túy này nhằm hỗ trợ sáu triệu người trồng lúa có thu nhập thấp, chịu nhiều rủi ro về điều kiện thời tiết. Từ khi Pheu Thai nắm quyền đến nay, giá lúa gạo ở Thailand tăng dần, có hiện tượng đầu cơ tích trữ lúa gạo. Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thailand dự kiến, khi việc bao tiêu lúa được tiến hành, giá xuất khẩu gạo trắng lên mức 830 USD/tấn so với mức 629 USD/tấn hiện nay, nước này có nguy cơ mất thị phần xuất khẩu do khó cạnh tranh với gạo cùng loại của nhiều nước khác có chất lượng tương đương với giá thấp. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa ra dự báo năm tới lượng gạo xuất khẩu của Thailand sẽ giảm 20% so với năm nay do ảnh hưởng của chính sách trợ giá.
Chính phủ Thailand không đặt mục tiêu giữ vững ngôi vị xuất khẩu gạo số một thế giới, mà hướng vào tăng giá trị lúa gạo và thu nhập cho người trồng lúa. Thu nhập của nông dân trồng lúa tăng cùng với kết quả từ việc thực thi một số chính sách khác đang được triển khai góp phần tăng sức mua, đáp ứng mục tiêu tổng thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào mở rộng tiêu dùng trong nước trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, Mỹ và nhiều nước châu Âu đang chật vật đối phó với khủng hoảng. Số tiền kiếm được của người thu nhập thấp tăng cũng góp phần làm giảm khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng trong xã hội.
Để chính sách này mang lại hiệu quả cao nhất, Chính phủ đang tìm cách hạn chế tối đa tình trạng móc ngoặc và tham nhũng có thể xảy ra. Nông dân muốn được bao tiêu lúa phải đăng ký diện tích canh tác và dự kiến sản lượng thu hoạch, cơ quan chức năng sẽ cử người theo dõi giám sát.
Nông dân trồng lúa chỉ là một bộ phận thu nhập thấp ở Thailand. Hiện có khoảng 65% trong tổng số hơn 67 triệu người Thái sống ở khu vực nông thôn, hầu hết dựa vào nghề nông trong khi nông nghiệp đóng góp chỉ khoảng 12% GDP nước này. Để chính sách hướng tới người nghèo thiết thực hơn, cần tính tới việc giúp nông dân không trồng lúa có thu nhập tăng để có tiền mua gạo.
Mục tiêu chiến lược phát triển ngành lúa gạo của Thailand là tăng chất lượng, giá trị từ hạt gạo, đẩy mạnh chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ gạo, thay vì chạy theo sản lượng và lượng gạo xuất khẩu. Chuẩn bị đón thời điểm Cộng đồng Kinh tế ASEAN thành lập năm 2015, Thailand hy vọng nước này trở thành trung tâm chế biến, kinh doanh gạo của khu vực và thế giới, cung cấp dịch vụ xay xát, đánh bóng tất cả các loại gạo, đáp ứng nhu cầu của khách hàng mua các loại gạo khác nhau. Từ trước đến nay, Thailand cấm nhập khẩu lúa gạo. Hiện nay, công suất chế biến lúa của nước này tới 100 triệu tấn/năm trong khi nguồn cung mỗi năm chỉ từ 30 đến 33 triệu tấn. Hướng tới trở thành trung tâm buôn bán gạo thế giới, ngoài Sở Giao dịch nông sản kỳ hạn (AFET) hiện có, nước này mới thành lập Thị trường kinh tế gạo (REM) nơi diễn ra các cuộc đấu giá gạo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()