Chính sách hỗ trợ trong giáo dục nghề nghiệp: Cơ hội cho người lao động được học nghề
– Những năm qua, chính sách dành cho người học nghề luôn được các trường dạy nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của tỉnh chú trọng thực hiện, qua đó, tạo động lực, tạo sự yên tâm cho người tham gia học nghề.
Hiện nay, Lạng Sơn có 20 trường nghề, cơ sở GDNN. Hằng năm, các đơn vị này đều xây dựng kế hoạch phối hợp với các địa phương, trường phổ thông trong tỉnh thực hiện công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp và tuyển sinh các lớp học nghề theo các trình độ khác nhau. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, tư vấn cho học sinh, sinh viên (HSSV) và người lao động (NLĐ) về các chính sách hỗ trợ trong GDNN.
Giảng viên Trung tâm Dạy nghề tư thục Tùng Linh hướng dẫn học viên thực hành kỹ thuật lái xe ô tô
Cụ thể, thực hiện Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, theo đó, nhiều HSSV trên địa bàn tỉnh thuộc các đối tượng đã được miễn, giảm học phí. Cụ thể như: học sinh tốt nghiệp trường THCS dân tộc nội trú, trường THPT dân tộc nội trú, kể cả nội trú dân nuôi được tuyển thẳng vào học trường trung cấp, cao đẳng công lập; người học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật; học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú khi tham gia chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng được hưởng chính sách nội trú theo quy định…
Em Dương Thị Linh là con em thuộc diện hộ nghèo ở xã Thái Bình, huyện Đình Lập, một xã còn nhiều khó khăn. Với nhiều chính sách hỗ trợ trong GDNN, em đã chọn theo học nghề may tại Khoa May và Du lịch dịch vụ, Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn, em chia sẻ: Theo học tại trường, em được miễn học phí, được ăn nghỉ tại ký túc xá của trường, đỡ nhiều kinh phí cho gia đình. Em hy vọng sau khi ra trường sẽ có được việc làm ổn định tự nuôi sống bản thân.
Cùng đó, trong quá trình học tập, nếu người học đi nghĩa vụ quân sự hoặc do ốm đau, tai nạn, thai sản không đủ sức khoẻ hoặc gia đình có khó khăn không thể tiếp tục học tập hoặc đi làm thì được bảo lưu kết quả học tập và được trở lại tiếp tục học tập để hoàn thành khóa học, thời gian được bảo lưu kết quả học tập không quá 5 năm. Những kiến thức, kỹ năng mà người học tích lũy được trong quá trình làm việc và kết quả các mô-đun, môn học người học đã tích lũy được trong quá trình học tập ở các trình độ GDNN được công nhận và không phải học lại khi tham gia học các chương trình đào tạo khác. Đối với công an nghĩa vụ, bộ đội xuất ngũ đều có thể học nghề, được tào tạo nghề miễn phí tại các cơ sở dạy nghề. Ngoài ra, các nhà trường, cơ sở GDNN còn tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Người học là phụ nữ, lao động nông thôn khi tham gia các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo dưới 3 tháng được hỗ trợ chi phí đào tạo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Em Hoàng Văn Khánh, học viên tại Trung tâm Dạy nghề tư thục Tùng Linh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Sau khi đi nghĩa vụ quân sự về em đã theo học nghề lái xe và được đào tạo miễn phí theo chính sách của Nhà nước. Sau khi tốt nghiệp, em sẽ lái xe dịch vụ của gia đình, hy vọng có thu nhập ổn định, phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học.
Với những nỗ lực trong tuyên truyền, thực hiện chính sách hỗ trợ trong GDNN, năm 2022, các trường, cơ sở GDNN tuyển sinh và đào tạo cho gần 19.500 người, trong đó, có trên 820 người học hệ cao đẳng; trên 2.500 người học hệ trung cấp; gần 9.600 người học hệ sơ cấp và gần 6.400 người được đào tạo dưới 3 tháng. Trong năm học 2022 – 2023, toàn tỉnh có trên 1.700 HSSV theo học các lớp trung cấp, cao đẳng nghề được miễn học phí với kinh phí trên 9 tỷ đồng; 266 em được giảm học phí với kinh phí trên 340 triệu đồng.
Ông Đàm Văn Chính, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Nhờ có các chính sách miễn, giảm học phí mà nhiều HSSV khi tham gia học nghề đã yên tâm học tập để lập nghiệp. Chính sách hỗ trợ không chỉ giúp ích cho người học mà còn góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ 57,2% (năm 2021) lên 60% (năm 2022). Sau khi học nghề, có khoảng 80% học viên tìm được việc làm hoặc tự tạo được việc làm với nghề đã học.
Ý kiến ()