Chính sách giảm nghèo khó tiếp cận cơ sở
Sáng 23-4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ nội dung phiên họp toàn thể, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức báo cáo kết quả giám sát của việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012.
NDĐT- Sáng 23-4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ nội dung phiên họp toàn thể, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức báo cáo kết quả giám sát của việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012.
Chính sách giảm nghèo vừa là mục đích, vừa là yêu cầu
Trình bày báo cáo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho biết: Từ năm 1993 đến nay, công tác xóa đói giảm nghèo ở nước ta đi qua bốn giai đoạn chính. Quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta là chính sách giảm nghèo vừa là mục đích, vừa là yêu cầu, là chỉ tiêu gắn với phát triển kinh tế – xã hội toàn diện, góp phần bảo đảm an sinh và công bằng xã hội.
* Về quy mô, kết quả giảm nghèo diễn ra ở tất cả các vùng, miền, thành thị và nông thôn trong các nhóm đối tượng. Năm 2005 có sáu vùng tỷ lệ nghèo ở mới hơn 20%, năm 2010 có bốn vùng tỷ lệ nghèo hơn 20%, đến năm 2012 chỉ còn miền núi Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo 28,55%. * Qua kênh của Ngân hàng Chính sách xã hội, từ năm 2005- 2012 có gần 19 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, giúp 2,4 triệu hộ thoát nghèo. Tổng doanh số cho vay đạt 199.036 tỷ đồng, trung bình mỗi năm hơn 28.400 tỷ đồng. * Đến năm 2011, 100% người nghèo và người dân tộc thiểu số đã được mua thẻ bảo hiểm y tế- khoảng hơn 15 triệu người. Có hơn 1,6 triệu đối tượng cận nghèo có bảo hiểm y tế. Trong hai năm 2011, 2012 có 29 triệu lượt người nghèo, dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. |
Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhìn chung, ở cấp quốc gia thành tựu có thể thấy rõ ở cả chuẩn quốc gia và chuẩn quốc tế.
Số liệu báo cáo kết quả giám sát cho biết, theo chuẩn nghèo quốc tế, tính theo mức 2 USD/người/ngày, số người nghèo năm 1993 khoảng 62,1 triệu người, thì đến năm 2004 mới giảm xuống còn khoảng 49,3 triệu người. Đến năm 2012, chỉ còn 11,5 triệu người – so với năm 1993 đã giảm 81,5% tương ứng 50,6 triệu người thoát nghèo.
Tuy nhiên, tính theo chuẩn do Ngân hàng Thế giới và Tổng cục Thống kê đang áp dụng thì số người nghèo năm 1993 khoảng 40,5 triệu; và đến năm 2012 còn 15,3 triệu người. Còn tính theo chuẩn nghèo quốc gia, tỷ lệ nghèo còn thấp hơn, năm 2005 là 22,3%; năm 2010 là 14,2%; và 9,6% vào cuối năm 2012, tương ứng với khoảng 2,1 triệu hộ nghèo.
Chính sách khó tiếp cận cơ sở
Qua giám sát tại nhiều địa phương và tiếp cận các đối tượng người dân vùng nghèo, vùng khó khăn cho thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế bất cập, qua đó cần có đánh giá chính xác để có các phương án khắc phục một cách nghiêm túc.
Theo đó, nhiều chuyên gia nhận định, quy trình xây dựng chính sách chủ yếu theo phương thức từ trên xuống. Một số chính sách chưa được phân hóa theo địa bàn, đối tượng nên chưa huy động được hết khả năng tham gia của cộng đồng, của người nghèo. Đây chính là đối tượng trực tiếp thụ hưởng chính sách, chế độ.
Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, “các chính sách ban hành rất khó tiếp cận và phù hợp với địa phương”, do đồng bào nghèo chủ yếu sinh sống ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa là các khu vực khó khăn với phong tục tập quán cũng như các điều kiện sản xuất đa dạng.
Các đại biểu Quốc hội thành viên Ủy ban phát biểu ý kiến bổ sung báo cáo giám sát về giảm nghèo.
Báo cáo giám sát cũng nêu rõ: Việc ban hành nhiều văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện nhiều chương trình giảm nghèo, cùng với việc đồng thời thực hiện nhiều chương trình, nhiều hợp phần, mỗi bộ, ngành lại quản lý một hay một số hợp phần theo chức năng quản lý nhà nước.
Tình trạng thiếu một đầu mối để điều hành, cân đối nguồn lực, nên quá trình thực hiện chưa thật thông suốt, thiếu sự phối hợp đồng bộ, hạn chế việc lồng ghép chính sách.
Chồng chéo về chính sách thể hiện ở ba khía cạnh chính: Nội dung; đối tượng thụ hưởng và thời gian thực hiện chính sách trên cùng một địa bàn. Thí dụ, các chính sách hỗ trợ về nhà ở, thống kê cho thấy có nhiều quyết định, như: 134/2004/Q Đ-TTg, 20/2007/Q Đ-TTg, 167/2008/Q Đ-TTg, 74/2008/Q Đ-TTg và Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP… |
Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền ở không ít nơi chưa được quan tâm đúng mức. Hình thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến nhiều nơi chưa linh hoạt. “Thậm chí qua thực tế giám sát, ở một số thôn, ấp, bản, vẫn còn tình trạng người dân chưa biết rõ hoặc không hiểu biết đầy đủ các chính sách cụ thể đối với mình và địa bàn sinh sống”.
Đánh giá của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, chính sách giảm nghèo còn chồng chéo, manh mún, sửa đổi chưa kịp thời làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác giảm nghèo. Hầu hết các chương trình, dự án giảm nghèo đều thiết kế hợp phần dạy nghề, nên tình trạng một người dân có thể tham gia nhiều lớp, nhiều chương trình dạy nghề khác nhau nên chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Một số hạng mục hạ tầng cơ sở của các Chương trình 135, 30a có sự trùng lắp dẫn đến khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện.
Tập trung khắc phục những tồn tại
Sắp tới, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội Ban hành Nghị quyết về “Đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật giảm nghèo, giai đoạn 2015 – 2020”. Theo đó, tập trung định hướng điều chỉnh chính sách giảm nghèo sau 2015, ưu tiên bảo đảm nguồn lực đối với chính sách giảm nghèo, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, phân công, phân cấp cụ thể trách nhiệm, đổi mới cơ chế điều hành và hoàn thiện khung tiêu chí đánh giá hiệu quả giảm nghèo.
Bên cạnh đó, tiếp tục đưa mục tiêu giảm nghèo là chỉ tiêu quan trọng trong Nghị quyết phát triển kinh tế – xã hội của Quốc hội. Các cơ quan của Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần khẩn trương rà soát các văn bản có liên quan đến chính sách pháp luật giảm nghèo, tập trung, sắp xếp hợp lý theo hướng giảm số lượng văn bản, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp, phân tách trách nhiệm rõ ràng. Ngoài ra, cần bảo đảm cân đối nguồn lực thực hiện các chính sách, lựa chọn các ưu tiên; tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia xây dựng và tiếp cận chính sách.
Vấn đề đặt ra trong thời gian tới, cử tri cả nước, đại biểu Quốc hội mong muốn Chính phủ phải đổi mới cơ chế điều hành trong tổ chức thực hiện và điều phối nguồn lực theo hướng phân cấp mạnh hơn cho địa phương, trao thêm quyền cho người nghèo và cộng đồng.
“Nghiên cứu xây dựng chính sách giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều sau năm 2015, để bảo đảm cho mục tiêu giảm nghèo bền vững” – đại diện Ủy ban Các vấn đề xã hội kiến nghị.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()