LSO-Những năm gần đây, tuy có sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, song Văn Lãng, một huyện vùng cao, biên giới vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là đời sống vật chất của bà con dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, nhất là Chương trình 134, 135 và các chính sách dân tộc khác của Đảng và Nhà nước trên địa bàn huyện có ý nghĩa hết sức thiết thực để tạo đà phát triển bền vững. Thực hiện chính sách dân tộc và các chính sách khác của Đảng, Nhà nước, 5 năm qua (2006 – 2010), Văn Lãng đã có bước phát triển toàn diện cả về kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng. Về kết cấu hạ tầng được đầu tư trọng tâm, phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới. Các xã đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ 80%, về công trình hạ tầng cơ sở, trong đó đường giao thông,...
LSO-Những năm gần đây, tuy có sự phát triển nhanh về kinh tế – xã hội, song Văn Lãng, một huyện vùng cao, biên giới vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là đời sống vật chất của bà con dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, nhất là Chương trình 134, 135 và các chính sách dân tộc khác của Đảng và Nhà nước trên địa bàn huyện có ý nghĩa hết sức thiết thực để tạo đà phát triển bền vững.
Thực hiện chính sách dân tộc và các chính sách khác của Đảng, Nhà nước, 5 năm qua (2006 – 2010), Văn Lãng đã có bước phát triển toàn diện cả về kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng. Về kết cấu hạ tầng được đầu tư trọng tâm, phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế – xã hội vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới. Các xã đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ 80%, về công trình hạ tầng cơ sở, trong đó đường giao thông, điện đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Đến nay đã có 100% xã có đường giao thông cho xe cơ giới đến trung tâm xã; 85% xã có đường giao thông đi lại được 4 mùa; 100% số xã có điện lưới quốc gia; 100% số xã có trạm y tế, trường lớp học được xây dựng khang trang.
|
Phụ nữ Dao trong trang phục dự hội xuân Bắc Nga (Cao Lộc) – Ảnh: M.V.H |
Không chỉ cải thiện về mặt đời sống, kết cấu hạ tầng được đầu tư, năng lực cộng đồng người dân trên địa bàn huyện cũng được nâng lên rõ rệt. Đến nay, Văn Lãng đã có 100% cán bộ xã, thôn bản được đào tạo, tập huấn kiến thức quản lý Chương trình 135; 100% số xã đã thực hiện vai trò chủ đầu tư các dự án hỗ trợ của Chương trình 135. Kỹ năng quản lý đầu tư, điều hành của cán bộ xã đặc biệt khó khăn đã cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ làm chủ đầu tư các dự án. Năng lực cộng đồng được phát huy ngày càng hiệu quả trong việc tham gia xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, xác định các nội dung đầu tư trên địa bàn, thực hiện quản lý, giám sát chặt chẽ các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ trên địa bàn.
Việc thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước cũng đã làm đổi thay đáng kể đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Đến nay, Văn Lãng có trên 80% hộ dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 95% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% học sinh tiểu học và trung học cơ sở trong độ tuổi đến trường; 90% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia. Thu nhập bình quân đầu người tính theo giá thực tế tăng 1,38 lần so với năm 2005; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 31% năm 2005 xuống còn 17,3% năm 2009. Đáng ghi nhận như Chương trình 120 đã tạo cho nhân dân sinh sống ở vùng biên giới có đời sống ổn định, góp phần quan trọng củng cố, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Có điện, có trường, có giao thông, có nước sạch… không chỉ nâng cao mức sống và trình độ dân trí, mà còn góp phần quan trọng trong việc củng cố hoàn thiện hệ thống chính trị ở địa phương. Cũng từ đó, đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước.
Đồng chí Nguyễn Đình Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện đánh giá: qua hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới, huyện Văn Lãng nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến to lớn. Đặc biệt những năm gần đây, bên cạnh việc tích cực phát huy tiềm năng cửa khẩu, kinh tế Văn Lãng tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa – dịch vụ – tiểu thủ công nghiệp. Xác định các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, nhất là Chương trình 134, 135… là những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cấp ủy, chính quyền huyện đã chỉ đạo triển khai tích cực, thực hiện lồng ghép các chương trình, mục tiêu, ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho các xã và thôn đặc biệt khó khăn, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ổn định và nâng cao đời sống. Kết quả từ việc thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng đã thiết thực tạo đà cho Văn Lãng tiếp tục phấn đấu vươn lên phát triển bền vững trong thời gian tới.
Hoàng Thái
Ý kiến ()