Chính sách dân tộc - Cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
(LSO) – Với gần 85% đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua, tỉnh Lạng Sơn luôn quan tâm, triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc (CSDT). Qua đó giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.
Trong năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa các văn bản của trung ương, đề ra các chương trình, giải pháp, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, trong đó có nội dung về triển khai thực hiện các CSDT. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, UBND các cấp đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản của trung ương, của tỉnh và tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các CSDT trên địa bàn.
Trong năm 2018, Lạng Sơn đã triển khai thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 (trong đó có chương trình 135) với tổng kế hoạch vốn hơn 226,3 tỷ đồng, đến cuối năm 2018 đã giải ngân được 220 tỷ đồng xây dựng được 431 công trình thủy lợi, giao thông nội đồng, nâng cấp đường giao thông liên xã, liên thôn, cải tạo cống thoát nước; hơn 308 tấn vật tư nông nghiệp; 594.667 cây giống; 3.170 con giống vật nuôi hỗ trợ cho hộ DTTS nghèo, cận nghèo; dự án chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà và một số mô hình trồng cà gai leo; dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng với 270 lớp tập huấn.
Cán bộ xã Thanh Lòa (huyện Cao Lộc) lập danh sách người dân đăng ký nhu cầu về vật tư nông nghiệp
Song song với đó là chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân tộc thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn năm 2018 theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 7/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ với tổng vốn hỗ trợ hơn 13,7 tỷ đồng cho 136.997 nhân khẩu; Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 7/3/2018 của của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018 – 2020, năm 2018 tỉnh Lạng Sơn có 3 huyện (Văn Quan, Bình Gia, Đình Lập) nằm trong Chương trình 30a để thực hiện đề án phát triển kinh tế – xã hội nhằm giảm nghèo nhanh, bền vững giai đoạn 2018 – 2020 với tổng vốn hỗ trợ hơn 97 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng công trình, hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo và hộ cận nghèo; Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với DTTS ít người ở xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2017 – 2020 theo Quyết định số 06/QĐ-UBND ngày 24/2/2017 của UBND tỉnh với tổng số vốn gần 8,8 tỷ đồng hỗ trợ cho 4.238 hộ, 17.421 nhân khẩu… Từ nguồn vốn của các chương trình, đồng bào DTTS có thêm điều kiện, nguồn lực để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo và tích cực xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Anh Triệu Vằng Hinh, người dân tộc Dao xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình cho biết: Được Đảng, Nhà nước quan tâm, chúng tôi có đường bê tông đi lại thuận lợi hơn. Ngoài ra, các hộ nghèo, cận nghèo còn được hỗ trợ bảo hiểm xã hội để khám chữa bệnh, hỗ trợ tiền điện sinh hoạt hằng tháng, vay vốn ưu đãi; gia đình tôi còn được hỗ trợ 119,5 kg phân bón NPK để phục vụ trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình.
Mặt khác, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh còn được vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ nhà ở. Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 1.909 hộ được vay vốn hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo với tổng dư nợ đạt trên 47 tỷ đồng; vốn vay phát triển sản xuất, chăn nuôi đạt tổng dư nợ trên 52,8 tỷ đồng…
Bà Đoàn Thị Trà, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội – Dân tộc huyện Chi Lăng cho biết: Huyện Chi Lăng có 87% đồng bào DTTS, điều kiện sống còn nhiều khó khăn. Nhờ thực hiện tốt các CSDT, đồng bào DTTS được vay vốn, hỗ trợ phát triển sản xuất…, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đều giảm theo kế hoạch. Số hộ nghèo từ 16,8% đầu năm 2018 đến nay còn 13,71% (giảm 3,09%). Thu nhập bình quân cuối năm 2018 đạt trên 17 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 1 triệu đồng so với năm 2017.
Kết quả đó cho thấy, các chương trình, CSDT đã giúp đồng bào DTTS ở các xã đặc biệt khó khăn cải thiện đời sống, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới, phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Ông Triệu Văn Lạng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh đã xây dựng kế hoạch, phân bổ chi tiết nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ. Quá trình thực hiện có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành đảm bảo dân chủ, công khai và phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS thay đổi tích cực theo hướng nông thôn mới, đời sống đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng lên. Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt các CSDT, tập trung đa dạng hóa hình thức hỗ trợ sản xuất cho đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn, khắc phục hạn chế để nâng cao hiệu quả chương trình, CSDT trên địa bàn.
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()