Chính sách đặc thù cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi
Ủy ban Dân tộc đang dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020.
Đối tượng áp dụng là hộ nghèo được xác định theo tiêu chí về thu nhập quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.
Theo dự thảo, đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phải đảm bảo các điều kiện sau: Là hộ dân tộc thiểu số nghèo (hộ có vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số) sinh sống ở vùng dân tộc và miền núi; hộ nghèo cư trú hợp pháp, ổn định ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn. Các hộ chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán của các chương trình, chính sách khác; sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp nhưng chưa có đất ở, đất sản xuất so với mức bình quân chung do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định. Đối với hộ thiếu đất ở hoặc đất sản xuất thì hạn mức thiếu từ 50% so với mức bình quân chung của địa phương trở lên thì được hỗ trợ như hộ chưa có đất ở, đất sản xuất.
Riêng hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phải đảm bảo thực tế cuộc sống có khó khăn về nước sinh hoạt như: chỗ ở không có nguồn nước, xa nguồn nước, thiếu các vận dụng dẫn nước, chứa nước… không đủ nước phục vụ trong sinh hoạt hàng ngày.
Đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi phải đảm bảo một trong các điều kiện sau: 1- Hộ dân tộc thiểu số nghèo cư trú ổn định, hợp pháp ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn; có phương án sử dụng vốn vay; 2- Hộ dân tộc thiểu số nghèo sinh sống ở vùng dân tộc và miền núi chưa có hoặc thiếu đất sản xuất so với hạn mức bình quân chung của do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định; hộ nghèo cư trú hợp pháp, ổn định ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn chưa có hoặc thiếu đất sản xuất so với hạn mức bình quân chung do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định; có mục đích vay rõ ràng là vay để tạo quỹ đất/mua đất sản xuất hoặc chuyển đổi nghề thay thế đất sản xuất.
Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề
Dự thảo nêu rõ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm và chủ động bố trí ngân sách, cân đối quỹ đất để giao đất ở cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách. Các hộ được hỗ trợ đất ở phải sử dụng đất đúng mục đích và không được mua bán, chuyển nhượng lại dưới bất kỳ hình thức nào.
UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào quỹ đất và điều kiện thực tế của từng địa phương ban hành quy định mức bình quân diện tích đất sản xuất cho mỗi hộ gia đình trên địa bàn tỉnh nhưng không được vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp cho mỗi hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật đất đai để làm cơ sở xác định hộ gia đình chưa đủ đất sản xuất.
Đối với những địa phương không còn quỹ đất sản xuất để giao hoặc còn quỹ đất nhưng đối tượng thụ hưởng không có nhu cầu nhận hỗ trợ bằng đất thì UBND cấp xã căn cứ vào danh sách đăng ký hưởng chính sách thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề thay thế đất sản xuất. Định mức hỗ trợ là 05 triệu đồng/hộ và được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội theo quy định.
Kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề được sử dụng linh hoạt như: mua sắm máy móc để làm dịch vụ nông nghiệp, mua giống cây phát triển lâm nghiệp, làm dịch vụ buôn bán nhỏ, mua sắm vật nuôi cây trồng để phát triển sản xuất… hoặc làm nghề khác (nghề dịch vụ nông nghiệp, phi nông nghiệp, kinh doanh buôn bán nhỏ và dịch vụ) để đạt mục đích tạo thu nhập ổn định thay thế đất sản xuất.
Dự thảo cũng hướng dẫn việc hỗ trợ nước sinh hoạt; hỗ trợ bố trí, sắp xếp ổn định dân cư; hỗ trợ tín dụng ưu đãi…
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảovà góp ý tại đây.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()