Chính sách cho nghệ nhân sau công nhận: Còn nhiều bất cập
– Nghệ nhân dân gian là người nắm giữ và thực hành ở trình độ cao về di sản văn hóa phi vật thể, được coi như những “báu vật nhân văn sống”. Thời gian qua, nhiều nghệ nhân của Lạng Sơn đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT). Thế nhưng, chính sách cho các nghệ nhân còn nhiều vướng mắc, bất cập.
Nghệ nhân ưu tú Ninh Xuân Nhật, xã Thiện Tân, huyện Hữu Lũng nghiên cứu sách cổ ghi chép về phong tục, tập quán của người Cao Lan
NNƯT Hoàng Văn Hương, thôn Ích Hữu, xã An Sơn, huyện Văn Quan, người tâm huyết giữ hồn Then cổ dân tộc Nùng năm nay đã 70 tuổi. Năm 2019, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NNƯT ở loại hình “tập quán xã hội và tín ngưỡng”. Hiện nay, ông vẫn thường xuyên tham gia thực hành và truyền dạy các nghi thức, nghi lễ, các tập quán xã hội trong các ngày lễ, ngày tết, trong các phong tục tập quán truyền thống của đồng bào Tày, Nùng trong và ngoài tỉnh. Ông cho biết: Tôi vẫn luôn có khát vọng truyền dạy cho thế hệ sau được nhiều tri thức dân gian hơn nhưng do tuổi đã cao, không còn tham gia lao động, sản xuất được như trước nên không có thu nhập, vì thế nhiều hoạt động truyền dạy của tôi cũng bị hạn chế. Tôi rất mong Nhà nước nghiên cứu có chính sách hỗ trợ cho đối tượng như tôi”.
NNND Nông Thị Lìm (đứng giữa), thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc diễn xướng tiết mục Then cổ tại Liên hoan dân ca tỉnh Lạng Sơn lần thứ nhất năm 2020
Giống như ông Hương, NNƯT Nguyễn Thị Bông, khu II, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định đã có hơn 50 năm miệt mài gìn giữ điệu hát Then cổ của dân tộc Tày, Nùng và được phong tặng danh hiệu NNƯT năm 2019. Đến nay, bà đã sưu tầm gần 200 làn điệu dân ca cổ, cùng với một số văn bản bằng chữ Hán được sử dụng trong tang lễ của dân tộc Tày, Nùng. Bà Bông cho biết: Vì tình yêu sâu đậm với văn hóa dân tộc mình, tôi vẫn tiếp tục cống hiến, truyền dạy. Tuy nhiên, vì tuổi cao, sức lao động ngày càng giảm, tôi cũng rất mong mỏi được Nhà nước hỗ trợ, vì chẳng biết mình còn có thể cống hiến đến bao giờ nữa”.
“Để chính sách cho các NNND, NNƯT được phổ biến, rộng rãi hơn, góp phần vào công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống, thiết nghĩ các cấp, ngành của tỉnh Lạng Sơn cần tiếp tục quan tâm hơn nữa tới công tác đảm bảo quyền lợi, kịp thời động viên khích lệ đồng bào các dân tộc thiểu số tích cực tham gia công tác bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, đặc biệt là quan tâm giải quyết chế độ, chính sách cho các NNND, NNƯT. Đồng thời, các cấp, ngành chức năng của tỉnh cần tiếp tục đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số quy định không còn phù hợp liên quan công tác đãi ngộ đối với các nghệ nhân thực hành di sản văn hóa để việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả và phù hợp với thực tiễn hiện nay”. |
Theo số liệu tổng hợp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), đến nay, toàn tỉnh có 5 NNND, 29 NNƯT và rất nhiều nghệ nhân dân gian khác thuộc các loại hình như: tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, ẩm thực… Hằng ngày, họ vẫn miệt mài sưu tầm, truyền dạy những lời ca, điệu múa truyền thống đến thế hệ trẻ. Tuy nhiên, có một thực tế là sau khi được công nhận danh hiệu, ngoài khoản tiền hỗ trợ ban đầu, tương đương với 10 tháng lương, các nghệ nhân không được hưởng thêm bất cứ khoản hỗ trợ nào.
Theo Nghị định 109 ngày 28/10/2015 của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với NNND và NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn sẽ được nhận mức hỗ trợ từ 700.000 đến 1.000.000 đồng/tháng. Theo đó, sau khi Nghị định 109 của Chính phủ có hiệu lực, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã ban hành các văn bản hướng dẫn UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã rà soát lại hoàn cảnh cụ thể của các nghệ nhân để có mức hỗ trợ phù hợp. Theo kết quả rà soát, hầu hết các nghệ nhân được phong danh hiệu của tỉnh đều không ai nằm trong nhóm đối tượng được hỗ trợ theo nghị định này; hiện chỉ có 2 NNƯT ở huyện Hữu Lũng được xét hỗ trợ theo Nghị định 109.
Ông Lô Tiến Vinh, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội – Trẻ em, Sở LĐTB&XH tỉnh cho biết: Theo quy định của Chính phủ, trường hợp được hỗ trợ phải thuộc gia đình có thu nhập bình quân đầu người hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở tại thời điểm ban hành Nghị định là 1.150.000 đồng. Điều này gây khó khăn, vướng mắc khi lập hồ sơ trình xét hỗ trợ vì mức lương cơ sở hiện tại đã được điều chỉnh là 1.490.000 đồng. Thêm vào đó, một người không thể cùng lúc vừa hưởng chế độ nghệ nhân vừa hưởng chế độ trợ cấp thuộc diện khác.
“Trước mắt, thực hiện Dự án số 06 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (trong đó, có nội dung xây dựng chính sách và hỗ trợ NNND, NNƯT) của tỉnh, từ đầu năm 2022, sở đã xây dựng kế hoạch thực hiện dự án trong năm 2022. Cụ thể, sở hướng dẫn phòng văn hóa – thông tin các huyện, thành phố tham mưu UBND các huyện, thành phố xây dựng chính sách và hỗ trợ cho 11 NNND, NNƯT người dân tộc thiểu số. Trong những năm tiếp theo, mỗi năm, các huyện, thành phố sẽ tiếp tục lựa chọn các NNND, NNƯT người dân tộc thiểu số khác để hỗ trợ”. |
Qua trao đổi, nhiều nghệ nhân cũng bày tỏ quan điểm, việc phân loại đối tượng nghệ nhân được hưởng trợ cấp theo Nghị định 109 nên có sự điều chỉnh, nhiều quy định trong đó đã không còn phù hợp. Trên thực tế, những nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp… thì việc lưu giữ, bảo tồn văn hóa dân gian sẽ có hạn chế. Chính vì vậy, khi đã xem các nghệ nhân dân gian là những hạt nhân cốt lõi của văn hóa truyền thống, Nhà nước cần tạo điều kiện để lan tỏa các giá trị cao đẹp đó đến cộng đồng. NNƯT Vy Thị Liên, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan giãi bày: “Với những nghệ nhân như chúng tôi, việc hỗ trợ không chỉ là vật chất mà còn thể hiện sự quan tâm, động viên về tinh thần của chính quyền, giúp chúng tôi yên tâm cống hiến, đóng góp nhiều hơn cho công tác bảo tồn văn hóa tại địa phương”.
Có thể thấy, chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu còn nhiều khó khăn, bất cập, trong khi đó, rất nhiều nghệ nhân mái tóc đã điểm bạc và ngày một già yếu theo thời gian.
HOÀNG HIẾU - TUYẾT MAI
Ý kiến ()