Chính sách bảo hiểm thất nghiệp: Gần hơn với người lao động
Ảnh minh họa
Những kết quả đáng khích lệ
Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) triển khai đến nay đã được hơn 10 năm. Việt Nam là nước thứ hai trong khu vực ASEAN, và là quốc gia thứ 79 trên thế giới thực hiện chính sách BHTN.
Chính sách BHTN nhằm hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động trong thị trường lao động, được thực hiện từ ngày 1-1-2009 và quy định rõ trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH). Đến thời điểm 1-1-2015, BHTN được thực hiện theo Luật Việc làm gắn với các biện pháp ngăn ngừa, hạn chế sa thải lao động, hỗ trợ tích cực đối với người thất nghiệp; phù hợp thông lệ quốc tế.
Đến nay, về cơ bản, chính sách BHTN đã hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu của việc triển khai và đem lại lợi ích cho người sử dụng lao động. Số người mong muốn tham gia BHTN ngày càng nhiều.
Ông Trung thông tin thêm, số người tham gia BHTN tăng khoảng 10% mỗi năm và hiện đã vượt mốc 13 triệu người. Hơn 4,6 triệu lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp. Con số được hỗ trợ học nghề là hơn 177 nghìn người. Và gần 97% người hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm.
Trong những năm gần đây, nhiều trường hợp người lao động đến trung tâm giao dịch việc làm, được tư vấn thông tin giới thiệu việc làm. Sau đó, họ đã quay trở lại thị trường lao động, không nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Dần đi vào cuộc sống
Ông Lê Quang Trung khẳng định, chính sách BHTN đã từng bước đi vào cuộc sống, hỗ trợ thiết thực cho cả người lao động và người sử dụng lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Hãy thử hình dung, nếu 4,6 triệu lượt người thất nghiệp, sẽ tạo một gánh nặng như thế nào cho doanh nghiệp và xã hội. Chính sách BHTN hỗ trợ cho người lao động trong khoảng thời gian thất nghiệp, nhưng cũng hỗ trợ không ít cho người sử dụng lao động. Doanh nghiệp không phải chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm. Có thể thấy, chính sách có tác dụng rất lớn với người lao động và người sử dụng lao động.
Thực hiện quy định của Luật Việc làm, 63 trung tâm dịch vụ việc làm của ngành lao động – xã hội đã tổ chức sắp xếp lại để thực hiện các chế độ BHTN cho người lao động như: tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, xét duyệt và thẩm định hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Ngoài ra, các trung tâm còn tổ chức 234 điểm tiếp nhận và ủy thác tại các quận, huyện xa trụ sở chính nhằm giảm bớt khó khăn khi đi lại của người lao động.
Số lượng người tham gia và đóng BHTN tăng qua các năm, bảo đảm chỉ tiêu Chính phủ giao. Nếu như vào năm 2009, mới chỉ có gần sáu triệu người tham gia BHTN, thì tới năm 2015 (thời điểm đầu tiên Luật Việc làm có hiệu lực) đã có hơn 10,3 triệu người tham gia. Đến năm 2018, có gần 12,7 triệu người tham gia, bằng 87,7% tổng số người tham gia BHXH bắt buộc (14,45 triệu người). Đến thời điểm hiện nay, số người tham gia BHTN đã cán đích hơn 13 triệu người.
Ước tính, đến thời hiện tại, Quỹ BHTN kết dư hơn 80 nghìn tỷ đồng. Dự báo đến năm 2020, Quỹ này vẫn bảo đảm an toàn.
Ông Lê Quang Trung đánh giá, những “điểm sáng” của chính sách BHTN trước hết là nhờ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đồng bộ, đầy đủ, kịp thời và theo hướng tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế, góp phần giải quyết an sinh xã hội.
Đến nay, hệ thống văn bản hướng dẫn BHTN đã tương đối hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức, thực hiện, cơ bản phù hợp với thông lệ quốc tế và kinh nghiệm của các nước đã thực hiện thành công chính sách bảo hiểm việc làm/BHTN.
Chính sách BHTN trong thời gian qua thực hiện theo đúng nguyên tắc chia sẻ, hỗ trợ giữa những người tham gia BHTN. Các đối tượng tham gia và đối tượng thụ hưởng tăng qua từng năm. Nhiều doanh nghiệp đã hiểu đúng vai trò, vị trí của BHTN đem lại lợi ích cho họ. Cụ thể như, doanh nghiệp không phải chi trả trợ cấp thất nghiệp trợ cấp thôi việc, giảm bớt khó khăn về mặt tài chính. Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp tham gia BHTN, sự gắn bó của người lao động với doanh nghiệp sẽ tốt hơn.
Với người lao động, ngoài trợ cấp thất nghiệp, họ còn được tư vấn hỗ trợ, hỗ trợ việc làm. Nhiều trường hợp người lao động được hỗ trợ học nghề đã có việc làm mới, thu nhập cao hơn.
Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thực hiện, có hai ưu điểm của chính sách cần nhấn mạnh. Đó là thông tin về thị trường lao động cho người lao động. Lao động thất nghiệp đến trung tâm dịch vụ việc làm phải tiếp nhận nguồn thông tin tốt nhất về thị trường lao động. 100% lao động thất nghiệp hưởng chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) trong thời gian thất nghiệp. Điều này có ý nghĩa thiết thực cho người lao động, bảo đảm họ có thể khám, chữa bệnh ngay cả khi mất việc làm.
Tuy vậy, vẫn còn những hạn chế của lĩnh vực BHTN. Cụ thể, nhận thức về BHTN của người lao động và người sử dụng lao động chưa cao, nhiều lao động chưa nắm rõ thông tin về chính sách BHTN. Nhiều doanh nghiệp nợ BHTN, và con số này có lúc cũng lên tới hơn 200 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công tác quản lý lao động còn nhiều bất cập. Chúng ta hiện chưa đủ công cụ để quản lý, nên rất khó kiểm soát tình trạng việc làm của người lao động. Vẫn còn tình trạng người lao động vừa đi làm vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mặt khác, thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp cũng gặp khó do không kiểm soát được việc người lao động di chuyển nơi ở, nơi làm việc tới địa phương khác.
Ngoài ra, công tác cán bộ tại một số trung tâm dịch vụ việc làm còn nhiều khó khăn. Hiện nay, tại các trung tâm mới chỉ có định suất lao động mà chưa có biên chế chính thức. Đội ngũ cán bộ thường xuyên thay đổi, ảnh hưởng đến chuyên môn.
Cần sửa đổi Luật Việc làm
Ông Lê Quang Trung nhận định, để chính sách BHTN đạt hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới, nên sớm hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Trước hết cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm. Công việc này dự kiến tiến hành trong năm 2021, 2022. Hiện nay, Cục Việc làm đang giao các địa phương triển khai đánh giá hồ sơ tổng kết Luật này, làm cơ sở đề xuất cho việc sửa đổi văn bản quan trọng này tới đây.
Cụ thể, chính sách BHTN, chính sách việc làm không chỉ chú trọng các giải pháp xử lý hậu quả đối với người thất nghiệp thông qua chi trả trợ cấp thất nghiệp. Quan tâm hơn đào tạo nghề, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu của công việc mới, giới thiệu việc làm. Xây dựng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của hai bên nhằm tăng cường sự liên kết. Có sự hỗ trợ giữa các chính sách BHXH cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm mở rộng diện bao phủ.
Cũng cần hoàn thiện hệ thống tổ chức thực hiện BHTN. Nâng cao hơn chất lượng hoạt động của các tổ chức dịch vụ việc làm để thực hiện tốt tư vấn/ hỗ trợ việc làm – hướng giải quyết người thất nghiệp một cách bền vững nhất.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện BHTN cũng không thể chậm hơn. Qua đó, bảo đảm đồng bộ các yếu tố về công nghệ, kỹ thuật gắn kết với cải cách hành chính, phương thức làm việc trong tổ chức thực hiện BHTN.
* Chính sách BHTN ở Việt Nam triển khai thực hiện từ năm 2009 do hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm của các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện.
Giai đoạn 2009-2014: Thực hiện chính sách BHTN theo quy định của Luật BHXH.
Giai đoạn từ 2015 đến nay: Luật Việc làm có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015. trong đó quy định chính sách BHTN
Mức đóng: 1% tiền lương từ người lao động và 1% tổng quỹ lương của những người lao động tham gia BHTN của doanh nghiệp vào quỹ BHTN.
Tham gia BHTN, khi người lao động mất việc làm, toàn bộ chế độ cho người lao động được quỹ BHTN bảo đảm. Ngoài việc hưởng một khoản tiền trợ cấp, quan trọng hơn là các biện pháp hỗ trợ người lao động tham gia học nghề để nâng cao trình độ kỹ năng/hoặc chuyển đổi nghề nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm để người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm mới. Người thất nghiệp được hưởng BHYT.
Theo Nhandan
Ý kiến ()