Chính quyền Taliban muốn xây dựng quan hệ tích cực với thế giới
Gần hai năm sau khi lên nắm quyền tại Afghanistan, Chính quyền Taliban đã ngỏ ý muốn xây dựng và phát triển một mối quan hệ tích cực với cộng đồng quốc tế dựa trên cơ sở cùng có lợi.
“Afghanistan muốn tham gia một cách xây dựng và phát triển quan hệ tích cực với cộng đồng quốc tế, trong đó có các nước láng giềng, các quốc gia Hồi giáo cũng như thế giới nói chung dựa trên cơ sở cùng có lợi và trong khuôn khổ các nguyên tắc Hồi giáo”-Tân Hoa xã trích dẫn thông điệp mà ông Mawlawi Hibatullah Akhundzada, lãnh đạo chính quyền Taliban ở Afghanistan, đưa ra ngày 19-4.
Đại diện chính quyền Taliban và Tập đoàn GAAC của UAE gặp nhau tại Kabul, Afghanistan vào tháng 9-2022. |
Theo ông Akhundzada, Taliban không muốn can thiệp vào công việc nội bộ của bất kỳ quốc gia nào và cũng trông đợi điều tương tự từ các quốc gia khác. Đối với lĩnh vực giáo dục ở Afghanistan vốn thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế trong thời gian gần đây, lãnh đạo chính quyền Taliban tại Afghanistan tiết lộ rằng Taliban đã đề ra các kế hoạch phát triển lĩnh vực này trong tương lai.
Đề cập tới những thành tựu đạt được kể từ khi lên nắm quyền, ông Akhundzada khẳng định chính quyền do Taliban lãnh đạo đã giúp chấm dứt chiến tranh và bảo đảm hòa bình tại Afghanistan, đồng thời đưa nền kinh tế vào quỹ đạo, cấm trồng cây anh túc, cấm chế biến và buôn bán ma túy tại nước này.
Cũng trong thông điệp được đưa ra trước khi kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, ông Akhundzada kêu gọi bảo đảm công lý, phát triển kinh tế, tăng cường an ninh và hòa bình ổn định tại Afghanistan.
Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan từ tháng 8-2021, song đến nay, chính quyền do Taliban lãnh đạo vẫn chưa được cộng đồng quốc tế công nhận.
Trong bài phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) hồi cuối năm ngoái, bà Roza Otunbayeva, đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ tại Afghanistan đồng thời là Trưởng phái bộ Hỗ trợ của LHQ tại Afghanistan (UNAMA), đã bày tỏ quan ngại về tình hình chính trị và cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Afghanistan kể từ khi lực lượng Taliban lên nắm quyền. Số liệu do LHQ công bố hồi cuối năm ngoái cho thấy, Afghanistan đang chứng kiến một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo được coi là tồi tệ nhất trên thế giới với một nửa trong tổng số 38 triệu dân của nước này phải đối mặt với nạn đói, trong đó có khoảng 4 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng.
Mặc dù vậy, đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ cho rằng Afghanistan cũng chứng kiến một số điều tích cực dưới thời của chính quyền Taliban, điển hình là tình trạng tham nhũng “giảm đáng kể”. Ngoài ra, chính quyền Taliban đang triển khai một chiến lược kinh tế tập trung vào nội lực, thông qua việc đầu tư vào các lĩnh vực, như: nông nghiệp, thủy lợi, hạ tầng cơ sở, quản lý nước, khai thác mỏ… Còn theo hãng tin Reuters, giữa tháng 2-2023, chính quyền Taliban tuyên bố đang thúc đẩy kế hoạch chuyển các căn cứ quân sự nước ngoài ở Afghanistan thành những đặc khu kinh tế. Trước đó, hồi năm ngoái, Taliban thông báo sẽ ký hợp đồng với Tập đoàn GAAC của các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) về việc vận hành các sân bay tại Afghanistan, trong đó có sân bay Kabul-nơi được coi là tuyến đường hàng không chính giúp kết nối Afghanistan với thế giới.
Bà Otunbayeva cho rằng UNAMA và Taliban vẫn cần duy trì đối thoại vì lợi ích của người dân Afghanistan.
Theo ông Stéphane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ, dự kiến vào đầu tháng 5 tới, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres sẽ tổ chức cuộc họp kín với các đặc phái viên của nhiều quốc gia để trao đổi về tình hình Afghanistan. Một trong những mục đích chính của cuộc họp này là tăng cường sự tham gia của cộng đồng quốc tế nhằm giúp Afghanistan có được hướng đi bền vững.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()