Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp
LSO-Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Cao Lộc đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối thoại trực tiếp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ pháp lý và xây dựng chính quyền điện tử để cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Sản xuất gạch không nung tại Công ty TNHH Hồng Phong |
Tính đến hết năm 2017, huyện Cao Lộc có 244 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, cao nhất trong tất cả các huyện của tỉnh, với nhiều lĩnh vực ngành nghề kinh doanh từ thương mại – dịch vụ, xuất nhập khẩu đến sản xuất công nghiệp, vật liệu xây dựng. Do vậy, hằng năm thường có nhiều vấn đề vướng mắc phát sinh liên quan đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, với phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp, cấp ủy, chính quyền huyện đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp để xây dựng hình ảnh môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đó, năm 2017, UBND huyện tăng cường hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Việc giải đáp pháp luật được thực hiện thông qua nhiều hình thức như: giải đáp bằng văn bản, thông qua hòm thư điện tử của doanh nghiệp, trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả… Trong năm, huyện hướng dẫn, tư vấn trực tiếp tại cơ quan cho 360 trường hợp, ý kiến của doanh nghiệp thông qua bộ phận một cửa.
Ông Hứa Anh Tuấn, Chánh Văn phòng UBND Cao Lộc cho biết: Trong năm 2017, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách do HĐND và UBND huyện ban hành có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; đăng tải, giới thiệu văn bản pháp luật mới ban hành trên cổng thông tin điện tử của UBND huyện để giúp doanh nghiệp dễ dàng truy cập, vận dụng.
Đặc biệt, công tác đối thoại và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được UBND huyện Cao Lộc triển khai hiệu quả. Riêng trong năm 2017, lãnh đạo UBND huyện đã tổ chức 2 hội nghị gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, có 6 chương trình làm việc trực tiếp với một số doanh nghiệp có vướng mắc lớn để từng bước tháo gỡ. Điển hình như: vấn đề mâu thuẫn của một số doanh nghiệp hoạt động tại cụm công nghiệp Hồng Phong với người dân lân cận do quá trình sản xuất đã tác động tiêu cực đến môi trường. Mâu thuẫn phát sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất của các doanh nghiệp. Trước vấn đề đó, lãnh đạo UBND huyện đã trực tiếp làm việc với từng doanh nghiệp và chính quyền xã tổ chức đối thoại với người dân khu vực bị ảnh hưởng, đưa ra giải pháp xử lý những vấn đề liên quan, vừa đảm bảo lợi ích giữa 2 bên, vừa bảo vệ môi trường khu vực.
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Phong cho biết: Công ty hoạt động trong lĩnh vực khai thác mỏ đá, sản xuất vật liệu xây dựng nên khó tránh khỏi việc tác động đến môi trường như: tiếng ồn trong quá trình nổ mìn, bụi đá khi hoạt động dây chuyền nghiền. Đầu năm 2017, người dân sống gần mỏ đá đã tụ tập, ngăn chặn hoạt động sản xuất của công ty. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND huyện đã đối thoại với người dân, chính quyền xã; hỗ trợ, hướng dẫn công ty giải quyết các mâu thuẫn một cách triệt để, giúp công ty hoạt động trở lại.
Để tạo mặt bằng cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất, tháng 4/2017, UBND huyện Cao Lộc tạo điều kiện và phối hợp cùng Công ty Cổ phần Đầu tư Bác Nguyên khảo sát, điều chỉnh quy hoạch để xây dựng cụm công nghiệp trên địa bàn. Ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Bác Nguyên cho biết: Nhờ sự đồng hành của chính quyền, đến nay công tác đền bù, giải phóng mặt bằng diễn ra thuận lợi, công ty đang khẩn trương hoàn thiện các khâu quan trọng để tiến tới xây dựng 2 Cụm công nghiệp Hợp Thành I và Hợp Thành 2 với tổng diện tích 60 ha.
Từ sự đồng hành của chính quyền, hơn 80% số doanh nghiệp trên địa bàn huyện hoạt động kinh doanh hiệu quả, năm 2017 đóng góp ngân sách nhà nước hơn 27 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động.
ANH DŨNG
Ý kiến ()