Chính quyền điện tử góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính
– Chính quyền điện tử (CQĐT) là Chính quyền ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm tăng hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Xây dựng CQĐT đang là một xu hướng tất yếu nhằm tiến tới nền hành chính minh bạch, hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Trên địa bàn tỉnh, nhiệm vụ xây dựng CQĐT đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 17/02/2020 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với nhiệm vụ xây dựng CQĐT trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 – 2025.
Công chức bộ phận “một cửa” UBND huyện Lộc Bình hướng dẫn người dân sử dụng máy lấy số tự động. Ảnh: MINH HIẾU
Hiện nay, tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) bảo đảm tuân thủ Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc CQĐT tỉnh Lạng Sơn, tích hợp, kết nối liên thông và chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin trong nội bộ tỉnh và với các hệ thống thông tin của các bộ, ngành Trung ương, mở rộng kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã. Một số cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành đã được xây dựng để tạo nền tảng CQĐT như: CSDL hộ tịch, CSDL thu – chi ngân sách, CSDL tài nguyên nước, khoáng sản, CSDL ngành giáo dục và đào tạo, y tế… Hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice đã được triển khai, nâng cấp hoàn thiện và tiếp tục được mở rộng; tích hợp với phần mềm giao nhiệm vụ của Chủ tịch UBND tỉnh; đáp ứng việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước, kết nối, liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia; 100% cơ quan Nhà nước đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử có ký số thay văn bản giấy và thực hiện gửi, nhận văn bản trên Trục liên thông nội tỉnh (trừ văn bản mật). Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh được triển khai, hoàn thiện từ năm 2018, hiện có 213 điểm cầu, trong đó: 2 điểm cầu trung tâm tại UBND tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông, 1 điểm cầu tại 11 UBND huyện, thành phố và 200 điểm cầu tại các xã phục vụ cho các cuộc họp trực tuyến cấp tỉnh, huyện, xã. Chứng thư số cho tổ chức và cá nhân đã triển khai tới 100% các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, chữ ký số được tích hợp trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành; đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin mạng trong gửi, nhận văn bản điện tử và chứng thực điện tử…
Với mục tiêu đẩy mạnh công tác CCHC, xây dựng Chính quyền điện tử, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lạng Sơn được thành lập từ ngày 20/11/2018, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 17/1/2019. Việc đưa trung tâm đi vào hoạt động đã khẳng định sự quyết tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, là bước đi đúng đắn trong công cuộc CCHC hiện nay, được đông đảo người dân và doanh nghiệp trên địa bàn đồng tình ủng hộ. Trung tâm đã ứng dụng CNTT vào hầu hết các hoạt động tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC, từ cổng Dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh, Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống lấy số tự động, Hệ thống đánh giá sự hài lòng của người dân,… Với việc thành lập và đi vào hoạt động sớm, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lạng Sơn được đánh giá là một trong những trung tâm dẫn đầu trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc.
Hiện nay, trên cổng Dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh đã có 526 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, có 593 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tất cả các TTHC còn lại đều được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2. Với việc ứng dụng CNTT trong quy trình giải quyết TTHC, nhiều TTHC đã được rút ngắn thời gian thực hiện đáng kể, trong đó, có nhiều TTHC có số lượng hồ sơ phát sinh lớn như: các thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp của Sở Tư pháp đã giảm 3 ngày (UBND tỉnh sẽ ban hành quyết định cắt giảm thời gian thực hiện trong thời gian tới), nhóm thủ tục về đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư giảm từ 1 đến 2 ngày (thời gian quy định thực hiện TTHC là 3 ngày), … đồng thời, tỷ lệ trả kết quả đúng và trước hạn cũng tăng lên nhiều so với thời điểm năm 2015 – 2016. Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh đã được kết nối, tích hợp với cổng dịch vụ công quốc gia, hiện có 1.600 TTHC của tỉnh được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó, có 12 TTHC đã được tích hợp, áp dụng dịch vụ công trực tuyến để người dân, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ từ Cổng dịch vụ công quốc gia. Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của tỉnh được kết nối với hệ thống Zalo để phục vụ người dân và doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin giải quyết TTHC của các cơ quan Nhà nước.
Với việc áp dụng đồng bộ các biện pháp xây dựng CQĐT, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có những kết quả tích cực; dần thu hẹp khoảng cách với các tỉnh trong khu vực và trong cả nước. Việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước đã đạt một số thành quả bước đầu, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và CCHC, làm cho hoạt động của cơ quan Nhà nước được công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho công dân và tổ chức.
MAI VĂN HOA
Ý kiến ()