Chinh phục Nam Xuân Lạc
Ấn tượng với những ai đã đến Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc (Bắc Kạn) đó là cảm giác háo hức, choáng ngợp trước sự hùng vĩ của thiên nhiên, xen lẫn là sự ngạc nhiên, bất ngờ trước những dấu tích từ thời kỳ Pháp thuộc nằm sâu trong những cánh rừng già. Nam Xuân Lạc mang trong mình sự kỳ bí, hấp dẫn chưa được đánh thức và khai phá.
Chinh phục khu rừng già
Chúng tôi bắt đầu chuyến đi bằng điểm khởi hành từ thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn. Thị trấn nằm lọt trong một thung lũng khá lớn. Điểm đặc biệt ở thị trấn phố núi này là một điểm nước ngầm phun ra dòng nước trong vắt mà người ta đồn rằng, mạch nước ngầm ấy bắt nguồn từ những dãy Phia Boóc và nhiều dãy núi cao nơi đây. Con đường 254 thênh thênh như dải lụa mềm, vắt giữa lưng chừng núi đồi. Những bản làng người Dao, Tày thấp thoáng xa xa, điểm xuyết bởi những bông gạo đỏ rực cháy trên nền trời buổi sớm mai.
Từ Hà Nội đến được với Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc sẽ mất quãng năm giờ đồng hồ. Khó khăn chỉ đến với những kẻ chinh phục khi chạm bước vào những cánh rừng già. Đoàn đi có hai “hướng dẫn viên” đặc biệt là chị Ma Thị Na, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy và anh Ma Doãn Kháng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chợ Đồn.
Trụ sở Ban quản lý Khu bảo tồn nằm nép mình dưới tán rừng già. Ngay sau trụ sở là những cây tự nhiên to lớn, dây leo to bằng cổ tay như những con trăn buông mình lơ lửng, nhìn là đủ thấy đúng “chất” khu bảo tồn. Giám đốc Khu bảo tồn Lường Quốc Hải cho biết có chín tuyến đi để khám phá, chinh phục rừng Nam Xuân Lạc. Với sự tư vấn của các “hướng dẫn viên” bản địa, đoàn chúng tôi đã chọn cung đường Ngã 3 Cầu Mục-Đầu Cáp Bình Trai-Phja Khao.
Trước khi đi, chúng tôi tới thắp hương tại Đền Tiên Sơn dưới chân núi trắng (tiếng Tày gọi là Phja Khao). Đó gần như là lẽ đương nhiên với những ai lần đầu đến vùng đất kỳ bí này, nơi hiện hữu vô số di tích gắn với những số phận phu mỏ đã nằm xuống trong thời kỳ chế độ thực dân.
Bản Thi là vùng mỏ, nơi hiện hữu của mỏ chì kẽm lớn nhất Việt Nam. Từ những năm 1909, chính quyền thực dân Pháp đã đưa máy móc, đường lò, cáp tời quặng, đường sắt đến vùng đất xa xôi, hẻo lánh này. Đến nay, mỗi năm mỏ Bản Thi vẫn cung cấp hàng chục nghìn tấn quặng cho đất nước.
Đoàn chúng tôi có sự góp mặt của Mai Hoa. Cô gái mới 22 tuổi, sinh ở Hà Nội, đã và đang sinh sống, học tập ở California (Mỹ) hơn 10 năm qua. Để đánh giá về Nam Xuân Lạc không gì chân thực hơn cảm nhận của Mai Hoa, một người Việt xa xứ trở về và lần đầu tiên đặt chân đến nơi đây.
Mai Hoa viết, “Đường lên đỉnh Phja Khao nói không khó là nói xạo. Uốn lượn quanh sườn núi, chòng chành những đá trên đá, con đường được mở gần như chỉ để phục vụ việc khai thác quặng chỉ đủ chỗ cho một xe ô-tô đi. Ngồi trên xe bấp bênh theo từng khúc đường nhấp nhô, dấu vết để lại của xe tải chở hàng, tôi vừa có phần lo sợ, vừa cảm nhận được thật sâu đậm cái hương vị bát phở vịt quay vừa ăn sáng nay. Lên núi quả là việc không dành cho kẻ ăn no.
Hang đá khô ráo mát rười rượi trong tiết khí ẩm ướt. Hương hoa mộc xen lẫn với mùi đất bùn thoang thoảng qua chóp mũi. Này là hầm chứa nước sinh hoạt, kia là bộ khung thép trơ trọi còn lại của hệ thống xe goòng chở quặng tinh vi dựng nên dưới thời Pháp cai trị - mà phần lớn đã được dỡ ra lấy làm nguyên liệu phục vụ cho chiến dịch Việt Bắc năm 1947. Nâu đỏ một mầu rỉ sắt trầm trầm ẩn nấp sau các tán cây đã sinh sôi, nảy nở thêm sau hơn trăm năm. Niên đại của những tấm thép này hẳn phải sánh ngang với những chiếc đinh, con ốc trên thân cầu Long Biên”.
Con đường xuyên rừng Nam Xuân Lạc từ Bản Thi tới xã Xuân Lạc chừng 20 km, đủ để tất cả những người bước vào đều sẽ mướt mồ hôi. Người Pháp cho xây đường xếp bằng đá hộc xuyên rừng. Con đường vừa để người Pháp cưỡi ngựa đi du hý, vừa để ngựa thồ chở quặng, sau hàng trăm năm, vẫn hiện hữu, dù phần lớn đã bị cỏ cây xâm lấn.
Trên con đường xếp đá trong rừng sâu, anh Lường Quốc Hải, Giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn chia sẻ, riêng hệ thống đường mòn từ thời Pháp thuộc này dài hàng chục ki-lô-mét. Mặt đường bằng phẳng, phía ta-luy âm được kè đá chắc chắn, dù đã hàng trăm năm nhưng vẫn khá nguyên vẹn. Những tảng đá xanh rêu, xếp vừa khít với nhau mà không cần mạch vữa, sau hàng thế kỷ vẫn sừng sững.
Dọc đường đi, những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi ngạo nghễ, oai vệ, tò mò “nhìn” xuống chúng tôi, quan sát đoàn người đang mải mê khám phá. Rừng Nam Xuân Lạc là thiên đường của loài gỗ nghiến, vì thế không khó để bắt gặp những gốc cây khổng lồ trên đường chinh phục. Bốn đến năm người nắm tay ôm vòng quanh thân cây nghiến vẫn không hết, mới thấy con người thật quá bé nhỏ trước thiên nhiên. Đoàn chúng tôi vô số lần phải ngước mắt đến mỏi cổ, rơi mũ để chiêm ngưỡng từ gốc tới ngọn những thân cây khổng lồ.
Đánh thức tiềm năng
Đã không biết bao lần xuyên rừng để tuần rừng, nên dù thân hình nhỏ nhắn, nhưng nữ kiểm lâm viên Mùng Thị Hoài vẫn thoăn thoắt vượt đá dẫn chúng tôi đi. Mấy gã đàn ông thở không ra hơi sau vài cây số đường rừng, đã chùn chân, mỏi gối, nhưng vì “sợ” cô kiểm lâm viên chê nên gắng mà theo.
Hoài vừa đi, vừa kể vanh vách, Khu bảo tồn có diện tích hơn 4.155 ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt rộng 2.552 ha. Khu bảo tồn có 653 loài thực vật bậc cao thuộc 440 chi, 142 họ, năm ngành, trong đó, có 54 loài quý hiếm, 50 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, chín loài được ghi trong Danh mục đỏ IUCN.
Sau hàng giờ đánh vật với cung đường, chúng tôi cũng “chạm tới” vị trí đặt hệ thống cáp tời quặng trên đỉnh núi. Qua cả trăm năm, những cây cột sắt vẫn sừng sững giữa sương gió. Một cảm giác rất khó tả với những ai tới đây khi chứng kiến những tàn tích còn sót lại của chế độ thực dân. Hàng cột sắt mầu nâu đỏ đã hoen rỉ, nhưng vẫn còn đó những sợi cáp treo vắt chùng chình qua núi như những sợi chão cánh thợ rừng bỏ quên bên núi.
Tôi có cảm giác dường như chỉ sửa chữa lại một chút thôi thì hệ thống cáp treo này sẽ rùng rùng hoạt động trở lại. Và thay vì chở quặng, hệ thống này sẽ chở khách du lịch thì thật thú vị biết bao. Dòng suy tưởng của chúng tôi bị cắt đứt khi chị Ma Thị Na, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chợ Đồn cất tiếng gọi. Trên tay chị cầm một mảnh ngói vỡ màu đất nung, trên viên ngói vẫn in rõ dòng chữ tiếng Pháp.
Chị kể, theo nhiều tài liệu và lời kể của các cụ cao niên trong vùng, xưa phần trụ của hệ thống cáp tời này có mái che được lợp bằng ngói rất kiên cố, giờ chỉ còn lại hệ thống trụ bằng thép và dây tời. Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều cơ sở của Trung ương chuyển về đóng ở xã Bản Thi, trong đó có xưởng quân giới. Quân và dân ta đã tận dụng một phần thép từ hệ thống cáp tời này để sản xuất vũ khí phục vụ kháng chiến.
Sau một tiếng đi bộ, xuyên qua rìa núi đá, chúng tôi đã đến vùng lõi, những cây nghiến khổng lồ ngày càng nhiều hơn. Đứng trước một cây nghiến cổ thụ, nữ kiểm lâm viên Nông Thị Thuận giới thiệu, trong khu bảo tồn có khoảng 2.000 cây nghiến lớn, đã được đánh số cẩn thận từng cây một.
Ngoài sự kỳ thú của thiên nhiên, trong lòng khu bảo tồn Nam Xuân Lạc còn có vô vàn chứng tích lịch sử và cả sự kỳ bí gắn với quá trình đấu tranh giành độc lập của dân tộc.
Hiện nay, trên địa bàn xã Bản Thi còn nhiều di tích lịch sử và văn hóa, như: Nền nhà xưởng quân giới Trung ương trên đỉnh núi Phja Khao. Năm 1947, Trung ương đã chọn địa điểm này để đặt Nha nghiên cứu quân sự do Giáo sư Trần Đại Nghĩa phụ trách.
Thôn Phja Khao còn là nơi đặt nhà trẻ Trung ương trong thời kỳ kháng chiến từ năm 1948-1954. Đây cũng là nơi gia đình đồng chí Phạm Văn Đồng sinh sống trong thời kỳ kháng chiến. Tại thôn Hợp Tiến và thôn Bản Nhượng, cơ quan Bộ Tài chính ở và làm việc từ tháng 2/1947 đến năm 1953. Đây cũng là địa điểm Chính phủ đặt Nhà máy in tiền Việt Nam đầu tiên… Vì lẽ đó, chinh phục Nam Xuân Lạc không chỉ là phá vỡ giới hạn bản thân trong khả năng leo núi, du khách còn có dịp “vỡ” ra nhiều điều thú vị khác.
Tuy nhiên, hàng chục năm qua, cũng như hệ thống cáp tời quặng, những con đường xếp đá nằm âm thầm giữa rừng sâu, tiềm năng du lịch sinh thái, lịch sử ở Nam Xuân Lạc cũng “ngủ quên”. Những con đường xếp đá chỉ có bước chân của các kiểm lâm viên và người dân bản địa.
Đầu năm 2024, tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc. Tổng mức đầu tư khái toán của đề án hơn 330 tỷ đồng. Sẽ có năm điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và chín tuyến du lịch được xây dựng, phát triển ở Nam Xuân Lạc. Theo chia sẻ của lãnh đạo huyện Chợ Đồn, đã có những nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu và đặt vấn đề đầu tư phát triển du lịch tại đây. Đó thật sự là tín hiệu đáng mừng và Nam Xuân Lạc đang “cựa mình” thức giấc.
Ý kiến ()