Chính phủ yêu cầu khẩn trương kiểm soát để bình ổn thị trường vàng
Để ổn định trường vàng, Văn phòng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan thanh tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ thị trường này.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tiến độ triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng.
Văn bản này truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, trên cơ sở báo cáo của Ngân hàng Nhà nước hồi cuối tháng Hai về tiến độ triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng.
Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp ổn định thị trường vàng được giao tại công điện và chỉ thị của Thủ tướng và các công văn của Văn phòng Chính phủ.
Phó Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan khẩn trương thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng.
Cùng với đó là giám sát, thanh kiểm tra với hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường.
Mục tiêu là nhằm bảo đảm ổn định, bình ổn, an toàn thị trường vàng, góp phần hạn chế tình trạng vàng hóa nền kinh tế đồng thời bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững. Các nhiệm vụ này được yêu cầu báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trong tháng 3/2024.
Từ cuối năm ngoái đến nay, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có các biện pháp quản lý thị trường vàng, không để giá vàng miếng chênh quá cao so thế giới.
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương tổng kết Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý 1/2024. Theo giới chuyên gia, một số quy định của Nghị định 24 không còn phù hợp trong bối cảnh mới và cần được sửa đổi.
Thời gian gần đây, thị trường vàng trong nước đang trải qua biến động khi giá vàng nhẫn lẫn vàng miếng đều lao dốc.
Trong tuần qua, thị trường vàng nhẫn đã đạt mức giá kỷ lục 71,38 triệu đồng/lượng vào ngày 11/3, tuy nhiên giảm liên tiếp ở những phiên sau đó.
Sau 2 tuần ghi nhận mức lãi ấn tượng khi giá vàng tăng “phi mã,” nhà đầu tư vàng nhẫn phải đối mặt với sự mất mát trong tuần này khi giá vàng quay đầu giảm mạnh. Tuy nhiên, sự mất mát cũng là một bài học quý giá cho những nhà đầu tư thiếu kiên nhẫn và dễ bị chi phối bởi tâm lý thị trường.
Với mức giao dịch trên, tính đến thời điểm này giá vàng nhẫn đã giảm khoảng 2,5 triệu đồng/lượng so với phiên tăng mạnh nhất. Trong bối cảnh này, thị trường ghi nhận nhiều giao dịch chốt lời với sản phẩm vàng nhẫn khi tại các cửa hàng, đơn vị kinh doanh vàng, lượng người tới bán nhiều hơn mua, để bảo đảm khoản đầu tư trước đó.
Còn thị trường vàng miếng SJC cũng có mức giảm tương tự. Giá vàng đợt vừa qua được ghi nhận tăng cao nhất là vào cuối ngày 12/3, khi vàng miếng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào 80,5 triệu đồng/lượng, bán ra 82,5 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, ngay sau đó (ngày 13/3) giá vàng được điều chỉnh giảm hơn 2 triệu đồng. Vào cuối giờ chiều 13/3, vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn còn 78,2-80,7 triệu đồng/lượng mua vào-bán ra. Như vậy, nếu khách mua vào cuối giờ chiều ngày 12/3 thì sang ngày 13/3 đã lỗ kép hơn 4,5 triệu đồng/lượng vì chênh lệch giá và vàng giảm.
Cũng trong phiên ngày hôm nay (18/3), giá vàng miếng SJC có phiên “trồi sụt” liên tục làm thót tim nhà đầu tư.
Theo đó, ngay sau khi mở cửa phiên sáng nay, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn và Vietnam Gold niêm yết giá mua và bán vàng SJC đã đồng loạt giảm 200.000 đồng/lượng và đến gần 11 giờ trưa nay giảm thêm 500.000 đồng nữa. Tuy nhiên đến chiều nay thương hiệu này lại đảo chiều “lấy lại” 400.000 đồng/lượng, hiện đang giao dịch quanh mức 79,30-81,40 triệu đồng/lượng./.
Ý kiến ()