Chính phủ Xy-ri đối mặt với khó khăn, thử thách
Xy-ri rơi vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng bởi bạo lực và lệnh cấm vận của phương Tây. Xung đột dữ dội làm tê liệt giao thông trên các tuyến đường nối Thủ đô Đa-mát với các thành phố trọng điểm khác như Hôm-xơ, Ha-ma, A-lép-pô. Nguồn cung nhiên liệu và các nhu yếu phẩm bị gián đoạn, công việc kinh doanh đình đốn và nhiều người phải nghỉ việc.Kể từ khi bùng phát cuộc nổi dậy chống Chính phủ ở Xy-ri hồi tháng 3 năm ngoái, các hoạt động kinh tế và thương mại ở quốc gia Trung Đông này giảm mạnh. Việc phương Tây siết chặt trừng phạt và bạo lực gia tăng gần đây khiến nền kinh tế Xy-ri chồng chất khó khăn. Các thành phố chính bị mất điện triền miên, thiếu nhiên liệu, nguyên liệu thô và hàng hóa. Nhiều người lao động phải nghỉ việc. Giao thông tê liệt làm gián đoạn các nguồn cung, buộc người dân phải xếp hàng dài mua nhiên liệu ở các trạm khí đốt. Người dân ở TP A-lép-pô cho biết, giao tranh ở các khu vực chung quanh làm gián đoạn nghiêm trọng các tuyến đường...
Kể từ khi bùng phát cuộc nổi dậy chống Chính phủ ở Xy-ri hồi tháng 3 năm ngoái, các hoạt động kinh tế và thương mại ở quốc gia Trung Đông này giảm mạnh. Việc phương Tây siết chặt trừng phạt và bạo lực gia tăng gần đây khiến nền kinh tế Xy-ri chồng chất khó khăn. Các thành phố chính bị mất điện triền miên, thiếu nhiên liệu, nguyên liệu thô và hàng hóa. Nhiều người lao động phải nghỉ việc. Giao thông tê liệt làm gián đoạn các nguồn cung, buộc người dân phải xếp hàng dài mua nhiên liệu ở các trạm khí đốt. Người dân ở TP A-lép-pô cho biết, giao tranh ở các khu vực chung quanh làm gián đoạn nghiêm trọng các tuyến đường phía bắc nối với Thổ Nhĩ Kỳ, phía nam nối với Ha-ma và phía tây nối với bờ biển.
Có những báo cáo cho biết, do tình trạng bất ổn an ninh cùng với khan hiếm nhiên liệu, xuất hiện trên các đường cao tốc của Xy-ri một ngành “công nghiệp” nhỏ cho giới làm ăn ở “chợ đen” khi họ sang chiết xăng vào từng hộp nhỏ để bán dọc đường. Xung đột cũng làm tê liệt hoạt động kinh doanh ở nhiều khu vực từng được hy vọng sẽ không bị ảnh hưởng trong tháng lễ Ra-ma-đan, bởi người Hồi giáo thường tổ chức những bữa tiệc lớn khi kết thúc tháng lễ này. Trong hoàn cảnh hiện nay, tại khu phố cổ của Thủ đô Đa-mát, một người bán thịt than thở rằng, cả ngày anh ta chỉ có năm khách hàng trong ngày đầu của tháng Ra-ma-đan so với hàng trăm khách trước khi xảy ra bạo loạn và bất ổn ở Xy-ri. Sự khan hiếm thực phẩm buộc hàng đoàn người xếp hàng ở các cửa hàng bánh mì, nhiều người thậm chí phải mua ở chợ đen với giá 100 bảng Xy-ri/gói thay vì mua trong cửa hàng chỉ với giá 15 bảng. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là nhóm doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa nhập khẩu và các mặt hàng không phải là nhu yếu phẩm trong thị trường nội địa. Một chủ công ty đồ điện nội thất ở Thủ đô Đa-mát cho biết, nhu cầu mua hàng của công ty này đã giảm 90%, bởi trong lúc khó khăn đây là mặt hàng xa xỉ. Người dân bây giờ chỉ mua các nhu yếu phẩm. A.R.Át-ta, một doanh nhân trong lĩnh vực công nghiệp từ xây dựng tới dược phẩm cho biết, anh ta đã phải cho nhân viên “nghỉ phép” bởi không có hợp đồng kinh doanh.
Vừa phải sống trong tình trạng bạo lực leo thang dữ dội ở Thủ đô Đa-mát và thành phố thương mại quan trọng A-lép-pô, người dân Xy-ri vừa phải đối mặt sức ép của nền kinh tế bị siết chặt trừng phạt. Nguồn thu của chính phủ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ. Bất ổn chính trị kéo theo những nguy cơ về kinh tế khi tỷ lệ lạm phát của Xy-ri ở mức cao, 30% trong tháng 4 vừa qua và GDP của nước này dự báo sẽ giảm thêm 8% trong năm nay. Nước này gần như mất trắng nguồn thu từ du lịch, vốn đem về cho ngân sách quốc gia gần chục tỷ USD mỗi năm, cũng như các khoản đầu tư nước ngoài khi nhiều nhà đầu tư vội vã rút khỏi Xy-ri. Những con phố ở Thủ đô Đa-mát cổ kính vốn là nơi nườm nượp du khách, nay vắng hoe, nhiều cửa hàng phải đóng cửa.
Trong bối cảnh giao tranh giữa quân đội chính phủ với lực lượng đối lập ngày càng trở nên khốc liệt, trong khi phương Tây siết chặt trừng phạt, Chính phủ Xy-ri đã phải “gồng mình” để ngăn chặn sự trượt giá của đồng bảng Xy-ri, đồng thời tìm cách duy trì nguồn cung nhiều mặt hàng thiết yếu để vượt qua “cơn bĩ cực”. Chính sách phát triển đất nước độc lập, tự chủ và tự cường của chính quyền Đa-mát đã giúp Xy-ri đối phó với tình hình phức tạp này. X.Áp-đun-la, một bác sĩ phẫu thuật ở Đa-mát cho biết, dù Xy-ri đang gặp khó khăn trong việc mua các thiết bị y tế của phương Tây, song họ không thiếu nguồn cung dược phẩm khi hầu hết do các nhà máy trong nước sản xuất hoặc nhập khẩu từ các nước không thực hiện lệnh cấm vận của phương Tây.
Theo Nhandan
Ý kiến ()