Chính phủ sẽ thống nhất quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo
Chiều 24-10, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, sau đó các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận. Theo dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Chính phủ trình Quốc hội để thảo luận đã quy định Chính phủ sẽ thống nhất quản lý về tín ngưỡng, tôn giáo.
Liên quan đến quy định cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay còn phân tán và đề nghị quy định ngay trong Luật cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương để bảo đảm sự thống nhất và thuận lợi trong quản lý về lĩnh vực này. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ý kiến, hiện nay Chính phủ đã thống nhất quản lý về tín ngưỡng, tôn giáo. Theo phân công của Chính phủ, Bộ Nội vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc quản lý lễ hội tín ngưỡng nhưng chưa có cơ quan nào quản lý nhà nước về tín ngưỡng. Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong thực tiễn còn thiếu đồng bộ; vì vậy việc đặt ra yêu cầu cần có một cơ quan phù hợp chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm bảo đảm sự thống nhất trong quản lý về lĩnh vực này là xác đáng. Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc quy định cụ thể ngay trong Luật cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương cần được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng. Do đó, Ủy ban đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về vấn đề này như trong dự thảo Luật trình Quốc hội, cụ thể: giao Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong phạm vi cả nước và phân công cụ thể cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, đối với phương thức quản lý nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan soạn thảo rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật để các quy định về thủ tục hành chính phù hợp hơn với quan điểm xây dựng Luật. Đến nay, rất nhiều nội dung trong dự thảo đã chuyển từ hình thức đăng ký – cấp phép hoặc đề nghị – chấp thuận sang hình thức thông báo. Dự thảo Luật cũng minh bạch hoá các quy định về thủ tục hành chính, thẩm quyền và thời gian xử lý… Những điểm mới này nhằm góp phần tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; đồng thời thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước đối với những vấn đề thuộc về nội bộ của tổ chức tôn giáo. Bảo đảm hoạt động tín ngưỡng đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân Chung quanh lĩnh vực tín ngưỡng, nhiều đại biểu đã đề nghị bổ sung những quy định cụ thể hơn nhằm thể hiện sự phong phú của lĩnh vực tín ngưỡng và bảo đảm hoạt động tín ngưỡng đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân, phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể, đầy đủ hơn về lĩnh vực tín ngưỡng. Tuy nhiên, các loại hình tín ngưỡng ở nước ta rất đa dạng, phong phú, gắn với bản sắc văn hóa, phong tục tập quán. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, dự thảo Luật chỉ quy định những nội dung đã ổn định, rõ ràng liên quan đến tín ngưỡng. Về ban quản lý, người đại diện và tài sản của cơ sở tín ngưỡng; hoạt động tín ngưỡng tại cơ sở tín ngưỡng và lễ hội tín ngưỡng để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện. Ngoài ra, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật cũng đã quy định một số nội dung về nguyên tắc tổ chức các hoạt động tín ngưỡng và lễ hội tín ngưỡng; bố cục lại và quy định chặt chẽ hơn về hoạt động tín ngưỡng tại Chương III. Theo đó, việc thực hiện các hoạt động tín ngưỡng phải bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, bảo vệ môi trường. Một số đại biểu cho rằng lễ hội tín ngưỡng cũng là hoạt động tín ngưỡng, chỉ cần thông tin trong bản đăng ký hoạt động tín ngưỡng hằng năm của cơ sở tín ngưỡng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, lễ hội tín ngưỡng thường diễn ra với quy mô lớn, tập trung đông người với nhiều hoạt động đa dạng, thời gian kéo dài. Do vậy, ngoài việc đưa vào bản đăng ký hoạt động tín ngưỡng chung của cơ sở tín ngưỡng, trước khi tổ chức lễ hội, người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng cần thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được hỗ trợ khi cần thiết, nhất là trong việc bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn trong lễ hội. Tổ chức tôn giáo sẽ được công nhận sau năm năm hoạt động ổn định Một số đại biểu đề nghị quy định theo hướng khi tổ chức đã đăng ký hoạt động tôn giáo và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của một tổ chức tôn giáo thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét và công nhận ngay. Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị nghiên cứu điều chỉnh các quy định về điều kiện đăng ký hoạt động tôn giáo và công nhận tổ chức tôn giáo rõ ràng, chặt chẽ hơn. Liên quan đến vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định tổ chức có đăng ký hoạt động tôn giáo sau một thời gian hoạt động ổn định mới được xem xét công nhận tổ chức tôn giáo là cần thiết, để thấy rõ ảnh hưởng và phương thức hoạt động của tổ chức tôn giáo đó trong thực tiễn trước khi công nhận, bảo đảm tổ chức tôn giáo hoạt động ổn định, theo nghi lễ, hành vi tôn giáo đã đăng ký. Pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới cũng quy định về điều kiện này khi xem xét công nhận tổ chức tôn giáo. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan soạn thảo nghiên cứu và lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân hữu quan về khoảng thời gian hoạt động ổn định của tổ chức trước khi được công nhận. Tiếp thu ý kiến của các tổ chức, cá nhân, dự thảo Luật hiện nay đã điều chỉnh khoảng thời gian này giảm từ 10 năm (theo dự thảo trình Quốc hội tháng 10-2015) xuống năm năm để vừa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của việc quản lý nhà nước, vừa phù hợp với nguyện vọng của các tổ chức tôn giáo (theo quy định hiện hành, thời gian kiểm nghiệm thực tiễn trước khi công nhận tổ chức tôn giáo là 23 năm). Đồng thời, tiến hành rà soát, thể hiện rõ ràng, chặt chẽ hơn các quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp đăng ký hoạt động tôn giáo và công nhận tổ chức tôn giáo. Tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại Nhiều đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định ngay trong Luật về pháp nhân của tổ chức tôn giáo thống nhất với các quy định của Bộ luật dân sự (sửa đổi) mới được thông qua tại kỳ họp 10 Quốc hội khóa XIII. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung một điều quy định về tư cách pháp nhân đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc (Điều 30). Theo đó, “ Tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận”. Tổ chức tôn giáo trực thuộc sau khi được thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, nếu có nhu cầu đăng ký pháp nhân phi thương mại thì phải được tổ chức tôn giáo đề nghị, có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác, tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó và nhân danh tổ chức tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập. Để quy định này được khả thi và thống nhất với Bộ luật Dân sự, dự thảo Luật cũng đã bổ sung và điều chỉnh một số quy định liên quan đến điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo, điều lệ, tên gọi và trụ sở của tổ chức tôn giáo để phù hợp với tổ chức của một pháp nhân, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục đăng ký pháp nhân đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, quy định về tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo là một nội dung mới, quan trọng của dự thảo Luật nhằm xác định rõ địa vị pháp lý của tổ chức tôn giáo, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các tổ chức tôn giáo khi tham gia vào các quan hệ pháp luật. Quy định này là phù hợp với xu thế quản lý trong nhà nước pháp quyền, pháp luật quốc tế cũng như thực tiễn hoạt động của các tổ chức tôn giáo. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề nghị, dự thảo Luật quy định cụ thể hơn về việc các tổ chức, cá nhân tôn giáo được tham gia vào các hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện. Về vấn đề này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong thực tế, các tôn giáo đã và đang tham gia nhiều hoạt động xã hội, có nhiều đóng góp cho cộng đồng, xã hội, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo. Tuy nhiên, để bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo chỉ quy định cụ thể về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Đối với các hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo…, Luật này chỉ quy định mang tính nguyên tắc; những vấn đề cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()