Chính phủ sẽ ban hành nghị định về thủ tục xuất nhập khẩu hàng hoá
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và tạo thuận lợi thương mại”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đóng góp ý kiến xây dựng Nghị định của Chính phủ về việc thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị. |
Sự kiện sáng nay nằm trong chuỗi các hội nghị chuyên đề như hội nghị toàn quốc về logistics, thúc đẩy xuất khẩu, các hội nghị liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ 4…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Ủy Ban chỉ đạo quốc gia về ASW, NSW và tạo thuận lợi thương mại đánh giá các bộ, ngành, nhất là Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đã có nhiều nỗ lực và thực hiện được một khối lượng công việc lớn liên quan đến thực hiện NSW, ASW và kiểm tra chuyên ngành.
Tính trung bình, chi phí thông quan cho 1 lô hàng giảm 19 USD. Tính tới cuối năm 2017, tiết kiệm được 205 triệu USD cho 10,81 triệu tờ khai; giảm hơn 15 triệu giờ lưu kho hàng xuất khẩu và 33 triệu giờ đối với hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, việc triển khai NSW, ASW và kiểm tra chuyên ngành còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, số lượng hàng hóa phải kiểm tra vẫn chiếm tỷ trọng lớn; hiệu lực kiểm tra chuyên ngành thấp, tỷ lệ phát hiện sai phạm thấp (tính tới cuối năm 2017 là dưới 1%); số lượng văn bản quy phạm pháp luật phải sửa đổi, bổ sung còn tồn lại tương đối nhiều; việc chồng chéo, trùng lặp giữa các bộ, ngành trong kiểm tra chuyên ngành vẫn phổ biến.
Phó Thủ tướng đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung trọng tâm: Đánh giá thực trạng, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; đề xuất giải pháp với từng ngành, lĩnh vực cụ thể; tham gia dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về thực hiện thủ tục hành chính thông qua NSW, ASW và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; Kế hoạch hành động của Chính phủ thúc đẩy NSW, ASW, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi thương mại… để thực hiện hiệu quả hơn nữa NSW, ASW và cải tiến công tác quản lý, kiểm tr a chuyên ngành.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo diễn ra vào đầu năm nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, sức ép của chỉ tiêu cắt giảm 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành, 50% điều kiện kinh doanh theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 1/1/2018 là rất lớn, không có chỗ cho sự chần chừ. Tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp cần đi đôi với chống gian lận thương mại, không được lấy lý do chống gian lận, bảo vệ sản xuất trong nước để níu giữ quyền lực của bộ ngành, gây khó dễ cho giao thương.
Trong năm 2018, các bộ phấn đấu triển khai đủ 130 thủ tục hành chính theo kế hoạch; tiếp tục rà soát và bổ sung các thủ tục mới vào kế hoạch chung; chính thức kết nối ASW.
Về lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành từ 30-35% trên tổng số các lô hàng xuất nhập khẩu như hiện nay xuống còn 15%, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, song vẫn phải bảo đảm hiệu quả trong quản lý Nhà nước, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, đến 15/7/2018, tổng số thủ tục kết nối NSW mới đạt 53 thủ tục, tương đương 21% tổng số thủ tục phải kết nối của các bộ, ngành (53/251 thủ tục). Cả nước có 23.000 doanh nghiệp thực hiện NSW.
Để đạt được các mục tiêu của Chính phủ và Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại, mới đây các bộ, ngành đã đăng ký từ nay đến hết năm 2018 sẽ kết nối thêm 143 thủ tục. Nếu đạt được mục tiêu đề ra, hết năm nay số lượng thủ tục thực hiện NSW sẽ nâng lên 196, chiếm 78% tổng số thủ tục phải thực hiện.
Về công tác quản lý, kiêm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu, đến tháng 6/2018, các bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 81 văn bản (chiếm 93%), trong đó có 8 bộ đã hoàn thành là: Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT, Bộ KH&CN, Bộ LĐTB&XH, Bộ TT&TT, Bộ VHTT&DL, Bộ Xây dựng và Bộ Y tế.
Ý kiến ()